Đại diện HoREA vừa có văn bản đề xuất nộp phí bảo trì chung cư theo từng tháng thay vì một 'một cục' ngay trước khi nhận nhà, để tránh xảy ra những phát sinh khiếu nại trong thời gian vừa qua.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để nêu kiến nghị nhằm tháo gỡ những bất cập trong vấn đề đóng và thu phí bảo trì tại các chung cư.
Phí bảo trì thu ngay từ đầu trước khi nhận nhà khiến nhiều nơi xẩy ra tranh chấp
Cụ thể, về mức thu và thời điểm thu kinh phí bảo trì chung cư, HoREA đưa ra hai phương án:
Phương án 1 (phương án chọn): Người mua nhà đóng Phí bảo trì 2% tại thời điểm hội nghị nhà chung cư đã bầu ban quản trị. Phí bảo trì được chia đều trong 60 tháng, nộp vào tài khoản tiền gửi ngân hàng của ban quản trị chung cư. Đồng thời, phải xây dựng cơ chế để hỗ trợ ban quản trị thực hiện được nhiệm vụ này. Vướng mắc lớn nhất của phương án này là làm thế nào để huy động thêm kinh phí bảo trì sau thời điểm kinh phí bảo trì ban đầu đã được sử dụng hết, do Luật Nhà ở 2014 chưa có quy định.
Phương án 2: Hoặc Công ty Dịch vụ công ích thu, quản lý, sử dụng Phí bảo trì chung cư trên địa bàn, dưới sự giám sát của ban quản trị chung cư. Phương án này có ưu điểm là thực hiện công tác bảo trì suốt vòng đời tuổi thọ của chung cư. Bởi lẽ sau khi đã hết Phí bảo trì, nếu không huy động được thêm thì Nhà nước phải chịu trách nhiệm bảo trì chung cư như Nhà nước đã làm hiện nay.
Về mục đích sử dụng Phí bảo trì, HoREA kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 109 Luật Nhà ở, theo đó cần quy định Phí bảo trì chỉ được sử dụng để bảo trì các phần sở hữu chung của chung cư bao gồm: hệ thống kết cấu chịu lực (khung, cột, sàn, mái, sân thượng, tường chịu lực), tường bao ngôi nhà, hành lang, cầu thang bộ, đường thoát hiểm.
Đối với các phần sở hữu chung khác của chung cư bao gồm: thang máy, đường thoát hiểm, hộp kỹ thuật, hệ thống cấp điện, cấp nước, cấp gas, hệ thống thông tin liên lạc, phát thanh, truyền hình, thoát nước, bể phốt... thì đề nghị sử dụng kinh phí quản lý, vận hành chung cư hằng tháng để thực hiện duy tu, bảo dưỡng, bảo trì.
Đối với tường ngăn chia căn hộ thuộc sở hữu chung của các chủ căn hộ liên quan thì các bên tự bỏ kinh phí để thực hiện công tác bảo trì (nếu có).
Để khắc phục việc chây ỳ bàn giao Phí bảo trì chung cư cho ban quản trị, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm quy định tại khoản 1 Điều 109 Luật Nhà ở.
Cụ thể là trong thời hạn bảy (7) ngày kể từ ngày ban quản trị chung cư được thành lập, chủ đầu tư phải chuyển giao kinh phí bảo trì bao gồm cả lãi suất tiền gửi cho ban quản trị để thực hiện quản lý, sử dụng theo quy định của luật này và có thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh biết. Trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí này thì ban quản trị chung cư có quyền yêu cầu UBND cấp tỉnh nơi có chung cư thực hiện cưỡng chế, buộc chủ đầu tư phải thực hiện bàn giao theo quy định của Chính phủ.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, có 8 loại tranh chấp chung cư cơ bản, trong đó có tới 36% tranh chấp liên quan đến Phí bảo trì (trên 108 dự án có tranh chấp). Thực tế đây là tranh chấp dai dẳng, khó giải quyết nhất thời gian qua tại nhiều dự án ở Hà Nội, có nhiều chung cư đã bàn giao nhiều năm và đang xảy ra tình trạng xuống cấp.
Thời gian qua, hàng loạt các dự án cư dân phải căng băng rôn đòi chủ đầu tư Phí bảo trì bị chiếm dụng nhiều năm. Bên cạnh đó, không ít nơi chính Ban quản trị toà nhà chiếm dụng tiền phí bảo trì của cư dân.
Theo quy định, Phí bảo trì mỗi căn hộ là khoản 2% tổng giá trị căn hộ được chủ đầu tư thu ngay từ đầu vào đợt cuối đóng tiền trước khi người dân nhận nhà. Căn hộ giá trị càng lớn số tiền này càng nhiều. Vì vậy, có tòa chung cư, tổng số tiền Phí bảo trì lên đến hàng trăm tỷ đồng.
DiaOcOnline.vn – Theo Tiền phong
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: