- Bộ Giao thông vận tải đề nghị không tiếp tục nghiên cứu đầu tư đối với dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công vì tuyến đê này sẽ phá vỡ quy hoạch hệ thống cảng biển, đường thủy nội địa và hoạt động vận tải ven biển.
Tàu trọng tải lớn sẽ không vào được cụm cảng Đông Nam Bộ nếu xây đê biển Vũng Tàu - Gò Công - Ảnh: TL |
Đây là tuyến đê biển dự kiến dài 28km, rộng 30m, đầu tư hàng trăm nghìn tỉ đồng, nối Bà Rịa - Vũng Tàu với Tiền Giang. Theo Bộ GTVT, một công trình với quy mô như vậy sẽ tác động rất nghiêm trọng đến giao thông vận tải đường biển, đường thủy nội địa, xuất nhập khẩu hàng hóa, định hướng phát triển các cảng biển của khu vực và khả năng trung chuyển quốc tế.
Trong khi đó hiệu quả đầu tư của tuyến đê biển này, theo Bộ GTVT, đến nay vẫn đang bỏ ngỏ, không rõ ràng, chưa xác định được quỹ đất đối ứng cho nhà đầu tư BT. Mục tiêu phát triển TP.HCM về phía biển một cách an toàn vẫn rất mù mờ.
Thậm chí, việc bỏ thêm hàng chục nghìn tỉ xây dựng tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công có thể gây thiệt hại đến phát triển kinh tế - xã hội cả vùng Đông Nam Bộ mà dự án chưa đánh giá hết được.
Bộ GTVT cho rằng ý tưởng xây dựng tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công có thể trực tiếp tác động đến luồng hàng hải Soài Rạp và luồng hàng hải Thị Vải - hai tuyến luồng hàng hải cực kỳ quan trọng của cả nước, phục vụ trực tiếp nhóm cảng biển khu vực Đông Nam Bộ với các khu bến cảng trên sông Soài Rạp, sông Đồng Nai, Cái Mép - Thị Vải.
Trong đó, khu bến cảng Cái Mép thuộc cảng biển Vũng Tàu là cảng cửa ngõ quốc tế, theo quy hoạch sẽ trở thành cảng trung chuyển quốc tế của khu vực.
Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng 2030 cũng xác định cụm cảng biển Vũng Tàu là cảng tổng hợp quốc gia, cảng cửa ngõ trung chuyển container quốc tế.
Hiện chức năng trung chuyển hàng hóa quốc tế được thực hiện chủ yếu tại khu bến cảng Cái Mép - Thị Vải, phục vụ các tàu đi tuyến biển xa, trọng tải lớn và rất lớn. Cảng này có thể tiếp nhận đội tàu container trọng tải từ 194.000 tấn/18.000 TEU, cỡ tàu này hiện chỉ có 18 cảng trên thế giới có thể tiếp nhận.
Theo quy hoạch, hàng hóa thông quan qua nhóm cảng biển Đông Nam Bộ vào năm 2020 đạt 228,2 - 238,5 triệu tấn/năm, và trong 3 năm gần đây lượng hàng hóa thông qua nhóm cảng biển Đông Nam Bộ chiếm khoảng 34% tổng lượng hàng hóa thông qua tại 6 nhóm cảng biển trên cả nước.
Bộ GTVT nhấn mạnh, việc xây dựng tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công sẽ khống chế mực nước khu vực các cửa sông, lưu vực sông vùng Đông Nam Bộ, hạn chế lưu thông dòng chảy, giảm độ sâu chạy tàu, hạn chế khả năng vận chuyển các tuyến hàng hải, khiến các tàu trọng tải lớn khó cập cảng khu vực.
Tuyến đê ngăn biển này cũng có thể làm cho tàu vận tải mất nhiều thời gian hơn để vượt đê biển, làm tăng chi phí vận tải hàng hóa, ảnh hưởng tới xuất khẩu.
Theo Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, sơ bộ tổng mức đầu tư 28km đê biển Vũng Tàu - Gò Công theo phương án kết hợp giao thông đường bộ là khoảng 155.610 tỉ đồng, trường hợp không kết hợp giao thông bộ là khoảng 135.189 tỉ đồng.
Nếu vốn đối ứng nhà nước là 15-20%, ngân sách sẽ phải bỏ ra 23.341 - 31.122 tỉ đồng để đầu tư.
DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: