Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có công văn gửi Sở Xây dựng đề xuất phương thức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tạm cư đối với các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Theo hiệp hội này, khi chung cư mới được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng, các chủ sở hữu, chủ sử dụng hợp lệ tại chung cư cũ nên được giải quyết bố trí tái định cư ở căn hộ mới có diện tích lớn hơn hoặc bằng diện tích căn hộ cũ (theo phương thức hoán đổi căn hộ đã được chủ sở hữu, chủ sử dụng hợp lệ tại chung cư cũ và nhà đầu tư thỏa thuận) và không phải trả thêm chi phí.
Cụ thể, đối với căn hộ, nhà ở tại chung cư cũ không thuộc quyền sở hữu của nhà nước, được bố trí tái định cư theo thứ tự ưu tiên: đã có quyền sở hữu nhà ở tại chung cư cũ (đã được cấp một trong các loại giấy tờ chứng nhận về quyền sở hữu nhà ở), được bố trí căn hộ mới tại chung cư tái định cư, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và không phải nộp lệ phí trước bạ khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở.
Trường hợp chủ sở hữu nhà chung cư được bố trí căn hộ mới mà phải nộp thêm tiền chênh lệch diện tích thì chủ sở hữu nhà được vay vốn tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam; vay vốn từ quỹ phát triển nhà ở thành phố theo quy định của pháp luật về tín dụng và pháp luật về tài chính để thanh toán khoản tiền chênh lệch phải nộp trước khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở. Còn đối với chủ sở hữu nhà chung cư thuộc đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội thì sẽ được vay từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội để mua thêm phần chênh lệch diện tích này.
TPHCM hiện có 474 chung cư cũ, nhà tập thể được xây dựng từ trước năm 1975, với hơn 27.000 hộ dân đang sinh sống. Trong đó, nhiều căn hộ có diện tích rất nhỏ, chỉ 10-30m2, bị xuống cấp, hư hỏng nặng, thậm chí trong tình trạng nguy hiểm cho người sử dụng. Thời gian qua thành phố mới chỉ tháo dỡ, cải tạo, xây dựng 32 chung cư cũ, chủ yếu bằng nguồn vốn ngân sách, không nhận được nhiều sự quan tâm tham gia của doanh nghiệp.
Lãnh đạo Sở Xây dựng thành phố cũng thừa nhận, điều khó khăn nhất trong xây dựng, cải tạo chung cư cũ là đạt được sự đồng thuận trong giải phóng mặt bằng. Tại nhiều chung cư, việc đàm phán diễn ra 9, 10 năm nhưng vẫn có vài hộ dân không đồng ý nên tiến độ cải tạo hết sức ì ạch. Khó khăn thứ hai nằm ở thủ tục đầu tư xây dựng mất quá nhiều thời gian, nhiều hồ sơ phải mất 17-18 tháng mới được duyệt. Thứ ba, việc đảm bảo chỉ tiêu liên quan đến vị trí chung cư, chỉ tiêu quy hoạch chung cư, và quy hoạch chung khiến các nhà đầu tư không mấy mặn mà tham gia.
TPHCM cũng đã thông qua chủ trương sẽ ủy quyền cho quận, huyện thực hiện cải tạo chung cư cũ. Đồng thời, khuyến khích người dân tái định cư tại chỗ theo phương thức đổi ngang hoặc theo tỷ lệ diện tích căn hộ mới/cũ tối thiểu là 1,1:1. Chủ đầu tư sẽ trình bày phương án giải phóng mặt bằng tại hội nghị nhà chung cư. Phương án bồi thường giải phóng mặt bằng phải được công khai minh bạch, để người dân lựa chọn, nắm bắt được thông tin, trách nhiệm, cam kết của chủ đầu tư.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: