Top

Đề xuất đánh sập chung cư cũ: Tránh chuyện 'tầm phào'!

Cập nhật 22/12/2018 09:29

Nếu cải tạo chung cư cũ vẫn còn có "lợi ích nhóm" ở phía sau thì dù có quy định đánh sập chung cư hết niên hạn cũng khó thành công.

Xu hướng tương lai?

Ngày 20/12/2018, nói về đề xuất của ông Đặng Hùng Võ - nguyên  Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khi xử lý chung cư cũ, chủ đầu tư có thể đánh sập nhà và xây mới, GS.TS Phạm Thế Minh - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, điều này có thể khả thi trong tương lai khi Luật Đất đai được sửa đổi và quan niệm của người dân Việt Nam cũng được cải tiến hơn.

Theo GS Minh, nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng việc này. Nhưng để thực hiện được thì điều cần đầu tiên là chính sách về nhà ở, sẽ không đồng ý cho người dân mua sở hữu mà chỉ cho thuê hay bán có thời hạn. Trong thời gian cho thuê, người thuê có quyền hạn như người chủ của căn hộ đó.

"Như Trung Quốc, Hàn Quốc... hay nhiều nước khác cũng đang áp dụng chính sách này. Điều này tạo nên sự cơ động và chất lượng của chung cư khi nhà đầu tư cũng muốn xây công trình chất lượng để tuổi thọ chung cư kéo dài được lâu, sinh lời càng lớn" - GS.TS Phạm Thế Minh cho biết.

Tuy nhiên, có điều khó nữa là quan niệm của của người dân Việt Nam vẫn coi ngôi nhà là tài sản lâu dài, nhiều thế hệ trong gia đình có thể sở hữu nên nếu thực hiện điều này ảnh hưởng tới thị trường bất động sản.

Cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội còn là một bài toán rất nan giải

Nhưng GS.TS Phạm Thế Minh cho rằng, quan niệm của người dân có thể thay đổi trong tương lai. Như trước đây người dân Việt Nam quan niệm xe máy, ô tô là tài sản sở hữu lâu đời, có thể cả đời người chỉ đi 1 chiếc xe máy nhưng giờ thì quan niệm đó đã thay đổi, đặc biệt là giới trẻ.

Nếu bất động sản thực hiện được như đề xuất của GS Đặng Hùng Võ thì sẽ rất tốt trong tương lai, sẽ không phải loay hoay trong việc cải tạo chung cư cũ như hiện nay.

"Loạt nhà của chúng ta trước đây thiết kế không có quy định thời gian cụ thể trong bao nhiêu năm, ngay cả vấn đề sở hữu đất xây dựng nhà ở cũng không rõ về thời gian. Trong khi đó các nhà chung cư cũng không có quy trình sửa chữa, trải qua thời gian bị hư hỏng nặng.

Quan niệm đất đai, nhà ở có 2 hình thức sử dụng là có thời hạn và dài thời hạn. Độ dài có thể dài từ 50 - 70 năm nhưng trong khoảng 20 - 30 năm thì đã xuống cấp trầm trọng, nếu không có quy trình sửa chữa thì sẽ rất nguy hiểm.

Nếu bây giờ mà đánh sập các chung cư cũ, xuống cấp thì cũng không có gì là khó bởi kỹ thuật xây dựng bây giờ tiên tiến hơn trước rất nhiều" - GS.TS Phạm Thế Minh bày tỏ.

Tránh chuyện "tầm phào" khi cải tạo chung cư cũ

KTS Trần Huy Ánh - Hội viên Hội Kiến trúc sư Việt Nam bày tỏ, cần xem lại đề xuất của GS Đặng Hùng Võ có phù hợp với Hiến pháp và Luật Đất đai.

Việc cải tạo chung cư cũ hiện nay đang lâm vào bế tắc khi suốt 20 năm qua TP. Hà Nội cứ loay hoay cải tạo 1.500 chung cư cũ nhưng cuối cùng chỉ làm được có 15 dự án (chỉ đạt 1%).

"Con số 1% trong suốt 20 năm cải tạo chung cư cũ của TP. Hà Nội chỉ nói lên được một điều rằng cả cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân đều không tâm huyết với vấn đề này như đã nói.

Dần dần chuyện cải tạo chung cư cũ ở TP. Hà Nội lại trở thành chuyện "tầm phào" khi cơ quan quản lý lấy mục đích nhân văn, xã hội ra để mời gọi doanh nghiệp vào cải tạo nhưng khi doanh nghiệp vào nhận thấy chẳng có gì  ngoài những "lời hứa", không thể sinh lời nên chẳng đơn vị nào chịu tham gia thực hiện.

Trong khi đó, những người chủ thực sự của chung cư cũ đó lại là người dân cũng luôn đòi hỏi quyền lợi quá cao khiến cho ý định cải tạo chung cư cũ vẫn cứ dậm chân tại chỗ qua nhiều năm" - ông Ánh cho biết.

Theo ông Ánh, việc cải tạo chung cư cũ chỉ có hiệu quả khi cả người dân, doanh nghiệp và cơ quan chức năng đồng lòng vì chính mục tiêu nhân văn, xã hội mà họ đã nói ra.

Còn nếu có "lợi ích nhóm" phía sau thì sẽ không bao giờ thay đổi được, kể cả là việc có thể cho đánh sập, xây mới những chung cư hết niên hạn.

DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt