Top

Đề nghị tăng giá đất kịch khung

Cập nhật 07/12/2009 09:10

UBND TP Hà Nội kiến nghị HĐND TP thông qua mức giá đất tăng kịch khung Chính phủ cho phép ở một số đường phố trung tâm thuộc các quận nội thành. Theo đó, mức giá đất ở tối đa sẽ tăng từ 67 triệu đồng/m2 lên 81 triệu đồng/m2. Riêng các phường và trục giao thông chính tại quận Hà Đông, một số nơi được đề xuất điều chỉnh giá đất tăng tới 40%.
 

Giá đất ở các huyện giáp ranh với quận sẽ tăng khá mạnh


Giá Nhà nước tăng theo thị trường

Lý do để điều chỉnh giá đất, theo UBND TP, là vì giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường Hà Nội trong năm 2009 đã tăng khá mạnh, dù không đồng đều. Kết quả điều tra của Sở TN-MT Hà Nội cho thấy, giá đất tại các quận, thị xã, thị trấn, huyện giáp ranh nội thành, trục đầu mối giao thông đều tăng trung bình 20%. Cá biệt có những khu vực tăng giá tới 100%. Trong khi đó, giá đất ở nông thôn tăng không đáng kể. Một số huyện xa trung tâm hầu như không tăng, thậm chí giảm so với mức giá thành phố đã ban hành.

Nếu được HĐND TP thông qua, UBND TP sẽ ban hành giá đất cụ thể cho hơn 1.130 đường phố, trục giao thông tại 29 quận, huyện, thị xã trực thuộc. Giá đất mới do thành phố ban hành, áp dụng từ 1-1-2010, để tính thuế đối với việc sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất, thu lệ phí trước bạ; tính tiền sử dụng đất, thuê đất; bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất...

Ngoài ra, một số khu vực đã được Nhà nước đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi về kinh tế, xã hội đã làm tăng giá đất, nên cần điều chỉnh để đảm bảo thu ngân sách cho Nhà nước. Đặc biệt, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình cho rằng, cần điều chỉnh giá đất cục bộ theo hướng từng bước tiếp cận với giá thị trường trong điều kiện bình thường để giải quyết những mâu thuẫn, bất cập hiện nay, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, chủ đầu tư và người sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, thúc đẩy khai thác, sử dụng đất hiệu quả, tiết kiệm.

Cũng theo ông Phí Thái Bình, theo quy định mới nhất về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp, ngoài khoản bồi thường theo giá đất quy định, người bị thu hồi đất trực tiếp sản xuất nông nghiệp còn được hỗ trợ bằng 5 lần giá đất nông nghiệp (đối với ngoại thành) hoặc bằng 30% giá đất ở trung bình khu vực (đối với nội thành).

Do vậy, mức giá đất nông nghiệp đã quy định năm 2009 cơ bản vẫn phù hợp với tình hình hiện nay nên không điều chỉnh trong năm 2010. Theo Phó Chủ tịch UBND TP, bên cạnh những yếu tố tích cực, điều chỉnh giá đất theo hướng tăng sẽ phần nào có tác động tới việc xử lý các dự án đang thực hiện (chuyển tiếp từ năm 2009 sang 2010). Trong trường hợp giá đất tăng, các chủ đầu tư dự án sẽ phải đầu tư vốn ban đầu nhiều hơn để được sử dụng đất, gây thêm khó khăn cho nhà đầu tư, giảm tính cạnh tranh của dự án...

Giá đất ở nội thành sẽ tăng mạnh

Theo đề nghị của UBND TP, tại 9 quận nội thành cũ (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên), giá đất tại vị trí 1 (mặt đường) tại một số đường phố có khả năng sinh lợi cao nhất (ví dụ như Hàng Ngang, Hàng Đào) sẽ điều chỉnh tăng 21%, bằng mức vượt khung tối đa do Chính phủ quy định là 81 triệu đồng/m2. Các đường phố, vị trí còn lại sẽ được điều chỉnh tăng phù hợp với mức vượt khung tối đa của Chính phủ theo hướng giảm dần từ trung tâm Hà Nội trở ra.

Thành phố cũng bổ sung giá đất mới tại 28 đường phố mới được đặt tên. Riêng với quận Hà Đông, sẽ thực hiện nguyên tắc từng bước điều chỉnh giá đất sau hợp nhất để tương quan với mặt bằng giá của vùng giáp ranh quận Thanh Xuân và huyện Từ Liêm. Theo đó, sau khi điều chỉnh, giá đất tại các phường, trục đường giao thông lớn tại quận Hà Đông sẽ tăng tối đa tới 40%. Như vậy, giá đất ở tại nội thành thấp nhất sẽ là 1,8 triệu đồng/m2 (vị trí 4 của đường 72 đi qua phường Dương Nội, Hà Đông) và cao nhất là 81 triệu đồng/m2 (vị trí 1 phố Hàng Ngang, Hàng Đào...).

“Theo chân” giá đất ở tại 10 quận nội thành, giá đất tại thị trấn của các huyện cũng được điều chỉnh tăng. Giá cao nhất vẫn là tại các thị trấn thuộc các huyện có tốc độ đô thị hóa mạnh như Từ Liêm, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng, có thể lên tới 21,6 triệu đồng/m2. Tương tự, giá đất ở tại các khu vực đầu mối giao thông thuộc các huyện cũng tăng theo hướng tiếp cận với giá vượt khung tối đa, bằng 5 lần giá đất ở nông thôn. Trong khi đó, giá đất ở thị xã Sơn Tây, do nằm xa trung tâm thành phố nên vẫn sẽ cơ bản giữ nguyên như năm 2009, chỉ điều chỉnh cục bộ một vài vị trí.

Liên quan tới giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, UBND TP Hà Nội cho rằng, để đảm bảo mặt bằng chung cho doanh nghiệp sử dụng đất ổn định, nên sẽ cơ bản giữ nguyên tỷ lệ so sánh giữa giá đất phi nông nghiệp với giá đất ở cùng vị trí. Sau khi điều chỉnh, giá đất phi nông nghiệp cao nhất ở mức hơn 35,23 triệu đồng, mức thấp nhất là 1,1 triệu đồng/m2.

DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô