Top

Đề án giãn dân phố cổ: "Vàng mắt vì… đất vàng"

Cập nhật 08/05/2014 13:31

Sau vài lần đề án gặp trục trặc, rồi lại tái khởi động, mới đây lãnh đạo quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết sẽ khởi công công trình nhà ở giãn dân tại KĐT Việt Hưng vào cuối 2014 và hoàn thành vào năm 2016 để đón cư dân phố cổ. Chưa biết đề án có về đích trọn vẹn, đúng hẹn hay không, dân đầu tư cũng đã "ăn đủ".

Mục tiêu chung của Đề án giãn dân phố cổ là nhằm làm giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ 823 người/ha (năm 2010) còn 500 người/ha (mật độ khống chế theo quy hoạch đến 2020); tương ứng phải di chuyển khoảng 6.550 hộ dân với khoảng 26.200 người dân.
Thời gian thực hiện đề án được chia: từ 2009 – 2011 (chuẩn bị đầu tư); từ 2012 – 2015 (thực hiện dự án đầu tư); cũng trong giai đoạn 2012 – 2015 sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng từng khu nhà ở, bàn giao căn hộ chia làm 3 đợt, đợt 1 vào quý IV/2013, đợt 2 vào quý III/2014 và đợt 3 vào quý III/2015.

Dấu hỏi trách nhiệm

Năm 2012, Tp.Hà Nội có quyết định về việc giao cho Q.Long Biên 11,12ha đất tại KĐT mới Việt Hưng để thực hiện dự án. Tuy nhiên, để có đủ quỹ đất di dời 6.550 hộ dân theo đề án, vẫn thiếu gần 30ha đất. Đáng chú ý, lãnh đạo thành phố và quận Hoàn Kiếm đều khẳng định công tác giãn dân không mang yếu tố cưỡng chế, chủ yếu dựa trên sự tự nguyện của người dân.

Sau những cuộc bàn thảo, làm việc liên cấp của Hà Nội, mọi yếu tố từ quỹ đất, cơ chế đền bù di dời, hỗ trợ mua nhà giãn dân tại KĐT Việt Hưng đến quỹ đất, chủ đầu tư được rõ ràng, thì sự cố hi hữu đã xảy ra. Cụ thể, ngay từ năm 2011, nhiều nhà đầu tư góp vốn mua nhà giãn dân tại KĐT Việt Hưng bán tín bán nghi về dấu hiệu huy động vốn trái phép, tư cách pháp nhân thực sự của Công ty CP Vật liệu & XNK Hồng Hà (đơn vị được UBND Q.Hoàn Kiếm – chủ đầu tư dự án, giao bỏ vốn thực hiện).

Im lìm suốt từ 2011, đến 2013, "u nhọt" mang tên Công ty Hồng Hà bị vỡ. Tháng 11/2013, VKSND Tp. Hà Nội ra cáo trạng đối với Công ty Hồng Hà với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản: đơn vị này đã nhận đặt cọc của khách hàng 169 tỷ đồng và chưa thực hiện phần việc nào của dự án thi công. Đáng chú ý, sự việc có phần lỗi của quận Hoàn Kiếm nhưng đến nay vẫn chưa tách bạch, khiến rất nhiều khách hàng gửi đơn cầu cứu Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh.

Cũng như chuyện xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo ở Hà Nội, câu chuyện "chậm – hứa – dự kiến – rồi lại chậm" đã trở nên rất đỗi quen thuộc với dân sành địa ốc

Phần "ngọn" của đề án (dự án khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ tại Việt Hưng) gặp vấn đề ngay từ lúc còn… trên giấy (năm 2011, Q.Hoàn Kiếm khẳng định, mới chỉ cho phép Công ty Hồng Hà nghiên cứu dự án, chứ chưa ký bất cứ hợp đồng kinh tế nào). Trong số hơn 100 nhà đầu tư đang bức xúc vì tiền góp vốn của mình không biết ở phương nào, có rất nhiều khách hàng mua lại suất của người trong cuộc (thuộc diện được mua theo quy định của đề án) với giá "mềm".

Còn phần gốc, đến thời điểm này, con số chính thức các hộ dân tự nguyện đăng ký di dời sang Việt Hưng vẫn chưa được công khai. Điều rõ nhất, thiệt hại kinh tế của nhiều nhà đầu tư – người dân phố cổ đã rõ mười mươi, trong khi công trình nhà ở giãn dân vẫn chỉ dừng ở dạng "dự kiến hoàn thành" vào… 2016 (chậm 1 năm so với nội dung đề án).

Năm 2011, hình hài sơ khai của đề án cơ bản đã rõ nét (dù mới trên văn bản), nhưng tới giữa 2013, chưa lúc nào đất phố cổ "chịu" xuống giá. Đó cũng là động lực cho những nhà đầu tư "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" vung tiền tỷ để "săn lùng" các căn nhà phố cổ có vị trí đẹp, không quá sâu.

Vội ôm hàng, cấp tập bán tháo?

Tháng 1/2013, một căn tầng 2, diện tích sử dụng 38m2, diện tích sổ đỏ 24m2 tại ngõ phố Ngõ Gạch được gia chủ hét giá 600 triệu đồng/m2. Diện tích sử dụng chưa đầy 35m2, căn mặt đường Lãn Ông có giá giao dịch ban đầu (chủ nhà phát giá) lên tới 700 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, bất chấp những đồn thổi của giới thạo tin lẫn không ít thông báo chính thức của chính quyền (thành phố và quận) về công tác chuẩn bị rốt ráo cho đề án, nhiều dân đầu cơ "có máu mặt" ở Thủ đô, thậm chí những đại gia "ngoại tỉnh" vẫn âm thầm thâu tóm những "tấc vàng" ở Q.Hoàn Kiếm bằng chiêu "tiền đè chết người".

Cần thừa nhận, đất Hà Nội, hay đất phố cổ luôn đúng với châm ngôn "tấc đất, tấc vàng". "Đắt xắt ra miếng", bỏ ra vài chục tới trăm tỷ đồng để sở hữu đất phố cổ và bán lại nhằm thu lợi là kế hoạch đầu tư hoàn toàn có cơ sở. Nhưng thị trường BĐS luôn khắc nghiệt. Sau pha "cháy nhà ra mặt chuột" của Công ty Hồng Hà, dân đầu tư càng "chắc mẩm" về sự chậm trễ của đề án giãn dân. Sẽ là một đơn vị doanh nghiệp khác được chỉ định (hoặc đấu thầu) dự án nhà ở giãn dân tại Việt Hưng. Nhưng ai dám chắc "đêm dài không lắm mộng". Trước khi tiếp tục đảm nhiệm vai trò chủ đầu tư dự án, quận Hoàn Kiếm còn phải trả lời nhiều câu hỏi từ dư luận, khách hàng – người dân.

Về phần mình, những ai đã và đang xúc tiến ôm đất phố cổ, thời điểm nhạy cảm này (Q.Hoàn Kiếm thông báo sẽ khởi công công trình giãn dân từ cuối 2014) sẽ giúp "down" giá các BĐS có vị trí, diện tích tốt. Thực tế, trên các công cụ rao vặt về BĐS, rất nhiều lời mời mua nhà phố cổ với giá giảm mạnh so với trước xuất hiện liên tiếp từ nhiều ngày nay.

Cũng như chuyện xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo ở Hà Nội, chuyện "chậm, hứa, dự kiến, rồi lại chậm" đã trở nên rất đỗi quen thuộc với dân sành địa ốc.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Kinh Doanh