Chủ đầu tư e ngại khó thu hồi vốn, trong khi không ít người dân yêu cầu mức đền bù cao... khiến chương trình cải tạo, xây mới chung cư cũ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh diễn ra chậm. Không chỉ ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị, những chung cư cũ còn đặt ra vấn đề về bảo đảm an toàn đối với các hộ dân đang sinh sống. Tuy nhiên, thực tế cho thấy để đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ không hề đơn giản.
Nhiều chung cư tại TP Hồ Chí Minh hư hỏng nặng nhưng vẫn chưa được xây mới.
|
Chỉ vài dự án đang thi công móng
Việc dùng dằng đi, ở tại các chung cư cũ, xuống cấp là câu chuyện dài và phức tạp tại TP Hồ Chí Minh, nơi có khá nhiều chung cư cao tầng đang "già nua". Chỉ riêng Quận 1, hiện có 89 chung cư được xây dựng trước năm 1975. Qua kiểm tra mới đây, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, có 6 chung cư đang xuống cấp nghiêm trọng, mất an toàn, cần phải di dời người dân khẩn cấp. Đáng báo động nhất là chung cư Cô Giang, phường Cô Giang, được xây dựng năm 1964. Năm 2006, UBND TP Hồ Chí Minh đã có chủ trương di dời.
Đến năm 2011, thành phố ban hành kế hoạch di dời khẩn cấp nhưng hiện vẫn chưa thể thực hiện. Được biết, hiện còn 20% hộ dân tại chung cư Cô Giang chưa chịu di dời do chưa tìm được tiếng nói chung với chủ đầu tư. Tại buổi làm việc với UBND Quận 1 mới đây, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đã yêu cầu Quận 1 làm thí điểm, tự tìm nhà đầu tư và đàm phán với người dân để đi đến tiếng nói chung, dung hòa lợi ích các bên, đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây mới.
Ngoài chung cư Cô Giang, nhiều chung cư khác trên địa bàn thành phố, câu chuyện cải tạo, di dời cũng được "bàn tới, bàn lui". Đơn cử, cụm cư xá Thanh Đa (Bình Thạnh) được xây dựng từ năm 1960, là một trong những cụm chung cư có tuổi đời lâu nhất và xuống cấp nghiêm trọng nhất hiện nay. Tuy nhiên, công tác cải tạo, xây mới những chung cư này đang là bài toán nan giải của thành phố. Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn thành phố có 533 chung cư, nhà tập thể được xây dựng trước năm 1975 với 50.460 căn hộ, tương đương 3,4 triệu mét vuông sàn xây dựng. Nhằm từng bước thay thế các chung cư này, thành phố đang có kế hoạch cải tạo 31 chung cư cũ, trong đó sẽ xây mới 16 chung cư và di dời 15 chung cư. Mặc dù vậy, theo Sở Xây dựng, trong số 16 chung cư cũ diện xây mới nói trên, chỉ có vài dự án đang thi công phần móng, số còn lại đều chưa khởi công.
Lợi nhuận hợp lý - Vấn đề mấu chốt
TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu trong vòng 5 năm tới sẽ xóa bỏ hoàn toàn chung cư cũ, xuống cấp, thay thế bằng các chung cư mới. Để thực hiện mục tiêu này, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm đến nay, đã chủ trì làm việc với 4 chủ đầu tư đề xuất tham gia đầu tư xây dựng mới các chung cư cũ trên địa bàn Quận 1, Quận 11 và quận Tân Phú. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng đang đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc tại 4 dự án cải tạo chung cư cũ gồm chung cư 251 Hoàng Văn Thụ (Tân Bình); chung cư lô IV-VI, cư xá Thanh Đa (Bình Thạnh); chung cư Nguyễn Thiện Thuật (Quận 3); chung cư 239 Cách Mạng Tháng Tám (Quận 3). Thành phố cũng đặt mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 sẽ tiếp tục xây mới, thay thế các chung cư xuống cấp cấp D, phấn đấu tháo dỡ 120.000m2 sàn chung cư hư hỏng, xây mới 240.000m2 sàn.
Theo các chuyên gia, kế hoạch này rất khó thực hiện nếu như Nhà nước không mở cơ chế thông thoáng, hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư. Về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, Chính phủ đã ban hành Nghị định 101/2015/NĐ-CP, ngày 20-10-2015, trong đó giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định việc quy hoạch, xây dựng lại chung cư cũ, hư hỏng; đồng thời, cho phép tăng diện tích sàn xây dựng, diện tích căn hộ. Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, quy định này chưa đủ, chưa khả thi vì hiệu quả kinh doanh của chủ đầu tư còn hạn chế, khó thu hồi vốn. "Nghị định 101 còn thiếu yếu tố về chỉ tiêu dân số để có thể tăng số hộ hợp lý giúp nhà đầu tư thu hồi vốn và đạt lợi nhuận định mức 10%", ông Lê Hoàng Châu nhận định.
Theo ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, thành phố đã thí điểm triển khai cải tạo một số chung cư cũ trên địa bàn. Tuy vậy, ông Hoan cũng thừa nhận việc cải tạo không hề đơn giản. "Để tháo gỡ vướng mắc, thành phố đang nghiên cứu, điều chỉnh một số chỉ tiêu về quy hoạch ngay tại vị trí chung cư cũ, quy hoạch lại mật độ dân cư, hệ số sử dụng đất, tầng cao công trình... nhằm bảo đảm lợi nhuận hợp lý cho nhà đầu tư tham gia cải tạo, xây mới chung cư cũ trên địa bàn" - ông Võ Văn Hoan cho hay.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội mới
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: