Top

Đầu tư công - những dấu “lặng” buồn

Cập nhật 21/11/2013 11:09

Chừng nào phân công trách nhiệm còn không rõ ràng; tư tưởng tiền đầu tư công là “tiền chùa” còn tồn tại; sự mập mờ, lắt léo trong quy trình thực hiện dự án đầu tư công còn hiện hữu; cơ chế giám sát đầu tư... không giải quyết đến nơi đến chốn thì chừng ấy khó có thể nói gì về tính hiệu quả của đầu tư công.

Lâu nay tình trạng đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp và hệ quả là sự lãng phí và môi trường phát sinh tệ tham nhũng đã nói đến rất nhiều. Chúng ta - ở đây là các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý, đại diện chủ đầu tư… khi xây dựng và phê duyệt luận chứng kinh tế dự án công đều đề cập đến mục đích, sự cần thiết phải tiến hành và những lợi ích kinh tế - xã hội mà dự án đó mang lại. Đồng thời, chủ dự án cũng luôn cam kết sẽ đảm bảo tuân theo đúng các nguyên tắc đầu tư, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong triển khai dự án…

Sự chậm trễ trong thi công cũng gây ra nhiều lãng phí lớn

Nhưng thử nhìn vào suất đầu tư trong một số dự án điển hình của chúng ta so với các nước, sẽ thấy có một sự chênh rất lớn. “Đường cao tốc của chúng ta làm 12 triệu đô/km2, trong khi Trung Quốc là 5 triệu đô/km2, Mỹ là 4,5 triệu đô/km2” - một đại biểu Quốc hội lấy ví dụ so sánh, tại Kỳ họp thứ 6 (Quốc hội khóa XIII), để minh chứng cho nhận định hiệu quả kém; lãng phí của các dự án đầu tư công hiện nay ở Việt Nam.

Đấy là mới nói về phần vốn và chi phí để làm đường, chứ chưa so sánh về chất lượng. Ở tầm khái quát hơn, một đại biểu khác nói: “Ở các nước khác, đầu tư 3 đơn vị thì được 1 đơn vị đầu tư công tăng thêm. Nhưng ở Việt Nam thì phải cần 8 đến 10 đơn vị”.

Ấy là chưa kể, phê duyệt vốn cho một dự án là X đồng, nhưng thực tế khi dự án hoàn thành và đi vào sử dụng thì thực tế vốn phải bỏ ra là “X cộng”, thậm chí “X nhân” đồng mới xong… Như vậy, dù chúng ta có nói hay, nói tốt về hiệu quả một dự án đầu tư công ấy đến mức nào thì con số chênh lệch trong so sánh với các nước, hay con số “đội lên” so với dự tính nguồn vốn ban đầu như vậy cũng đã nói lên tất cả. Sự chênh lệch, đội lên ấy ở đâu mà ra?

Xin thưa, có vô vàn nguyên nhân và lý do khác nhau, nhưng tựu trung lại cũng chỉ nằm ở xung quanh các yếu tố: phân công trách nhiệm không rõ ràng; thiếu minh bạch trong triển khai; chất lượng quy hoạch “có vấn đề” và vai trò giám sát của người dân chưa được phát huy hiệu quả. Chính những yếu tố này là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “quyết” dự án đầu tư công tràn lan, lãng phí, kéo theo hệ lụy tham nhũng, cơ chế xin - cho… có cơ hội nảy sinh.

Có thể khẳng định rằng, chừng nào khi phân công trách nhiệm còn không rõ ràng; tư tưởng tiền đầu tư công là “tiền chùa” còn tồn tại; sự mập mờ, lắt léo trong quy trình thực hiện dự án đầu tư công còn hiện hữu; tầm nhìn quy hoạch ngắn hạn và thiếu tính bao quát, tổng thể; cùng với đó là cơ chế giám sát đầu tư, tiếng nói của cộng đồng – người dân không giải quyết đến nơi đến chốn thì chừng ấy khó có thể nói gì về tính hiệu quả của đầu tư công.

Ý thức được tầm quan trọng của vấn đề này, Chính phủ thời gian qua đã xác định tái cơ cấu đầu tư công là một trong những nội dung trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay, từ đó, đã có những bước chấn chỉnh đáng kể. Tuy nhiên, việc chấn chỉnh thời gian qua mới tập trung ở góc độ tạm thời cắt giảm các dự án và vốn đầu tư, chứ chưa “đụng” đến những cải cách mang tính gốc rễ, căn cơ.

Bởi thế, dự án Luật Đầu tư công mà Quốc hội đang tập trung bàn thảo sôi nổi khi được thông qua, theo dự kiến, tại Kỳ họp thứ 7 (Quốc hội khóa XIII) sẽ là một bước tiến cơ bản về khung khổ pháp lý, giúp các bên có liên quan triển khai các hoạt động đầu tư công hiệu quả, loại bỏ được những bất cập, hệ lụy dai dẳng bấy lâu nay.

Nhất là các vấn đề như: làm rõ trách nhiệm trong phê duyệt và triển khai dự án; tính công khai minh bạch; vai trò giám sát của cộng đồng... trong đầu tư công.

Cũng để từ đó, câu chuyện về hiệu quả của đầu tư công đối với phát triển với các lợi ích kinh tế - xã hội mang lại cho người dân sẽ không còn là chủ đề “đàm tiếu” của dư luận, hay là một trong những dấu “lặng” buồn của công tác điều hành kinh tế mỗi năm - khi tổng kết nhìn lại.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời Báo Ngân Hàng