Do đang thiếu bãi đậu xe trầm trọng, TPHCM đã kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Nhưng nghịch lý là dự án bãi đậu xe nổi được đầu tư hiện đại đã không thắng nổi các bãi xe tự phát, trong khi đó dự án bãi đậu xe ngầm ì ạch, kéo dài nhiều năm trời không triển khai, doanh nghiệp có nguy cơ bỏ cuộc.
Cạnh tranh bãi xe tự phát
Nhằm đón đầu tuyến metro Bến Thành - Tham Lương, đầu năm 2013 Công ty TNHH Cơ khí Xây dựng Thương mại Tiên Tiến đầu tư khoảng 500 tỷ đồng (bao gồm tiền đất và thiết bị) để xây dựng bãi đậu xe theo tiêu chuẩn tiên tiến trên đường Chế Lan Viên (quận Tân Phú). Dự án được xây dựng trên diện tích đất 20.000m2, diện tích sàn sử dụng 65.000m2 có thể đáp ứng được chỗ đậu cho 1.500 ô tô và 1.500 xe gắn máy. Tháng 4-2013, công trình này được đưa vào sử dụng với dịch vụ khép kín như giữ xe, bảo trì, rửa xe, nhà lưu trú cho tài xế, cung cấp nhiên liệu… Hệ thống báo cháy, chữa cháy toàn toàn tự động, khi có sự cố sẽ báo thẳng về trung tâm…
Tuy nhiên khi dự án hoàn thành, tuyến metro vẫn còn… trên giấy. Vì thế nguồn khách doanh nghiệp hướng đến là người dân đang sinh sống trong khu vực, khách làm việc tại các cao ốc văn phòng lân cận, khu công nghiệp Tân Bình…
Vấn đề nan giải hiện nay là trong vòng bán kính khoảng 2km tính từ bãi giữ xe Tiên Tiến, các hộ dân, doanh nghiệp tận dụng mặt bằng chưa sử dụng để lập khoảng chục bãi giữ xe tự phát, đã khiến công ty bị mất lượng khách gửi xe đáng kể. Ông Nguyễn Minh Tiến, Chủ tịch HĐTV Công ty Tiên Tiến, cho biết tại thời điểm này số khách ký hợp đồng gửi xe tháng chỉ đạt 200 chiếc, khách vãng lai khoảng 100 chiếc, còn xe máy không đáng kể. Tổng doanh thu hàng tháng từ giữ xe cho đến dịch vụ khoảng 500 triệu đồng, trong khi phải trả lương cho gần 100 lao động, lãi ngân hàng… coi như thu không đủ chi. Vì vậy doanh nghiệp đang tính bài toán chuyển công năng của bãi giữ xe để đảm bảo hoạt động của đơn vị.
Tại địa bàn quận Tân Phú hiện nay có khoảng 100 điểm giữ xe ô tô tự phát. Ông Nguyễn Ngọc Giao, Phó phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông -Vận tải TPHCM, cho biết hiện nay tình trạng bãi xe tự phát rất nhiều đã gây nên cạnh tranh không lành mạnh. Hầu hết dự án (như khách sạn, chung cư…) đều có khu vực giữ xe cho khách của dự án. Nếu đầu tư vài ngàn m2, nhà che, điều kiện về phòng cháy chữa cháy (PCCC)… để thu tiền lẻ sẽ không khả thi. Các dự án bãi đậu xe đều được xây dựng theo quy hoạch của TP, trong khi những bãi giữ xe tự phát hầu như không có cơ quan chức năng nào kiểm tra, giám sát.
Ì ạch bãi giữ xe ngầm
Sau nhiều lần tưởng chừng sẽ được khởi công xây dựng, nhưng vẫn không thể triển khai là tình cảnh của các dự án bãi xe ngầm tại TPHCM hiện nay. Dự án bãi xe ngầm tại khu vực sân vận động Hoa Lư do Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương làm chủ đầu tư, được Sở Kế hoạch - Đầu tư chấp thuận từ tháng 4-2010 và được UBND TPHCM, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho xây dựng theo hình thức hợp đồng BOT từ tháng 5-2011.
Theo đó, tỷ lệ vốn đầu tư dự án gồm Công ty Đông Dương 70%, CTCP Đầu tư xây dựng và cấp thoát nước (Waseco) 18% và Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) 12%. Tuy nhiên, ngày 24-2-2011, Waseco tuyên bố rút khỏi dự án với lý do gặp khó khăn về tài chính. Sau đó một cổ đông khác cũng tuyên bố rút khỏi dự án khiến Đông Dương rơi vào tình cảnh khó khăn.
Theo chủ đầu tư, thời điểm lập dự án vào tháng 10-2010 lãi suất vay dự kiến 15%/năm, đến nay không còn phù hợp cho dự án BĐS như bãi đậu xe có thời gian thu hồi vốn 50 năm. Chủ đầu tư đã kiến nghị UBND TPHCM cho chấm dứt dự án. Trước đó doanh nghiệp này cũng gặp không ít khó khăn khi đầu tư triển khai dự án bãi đậu xe ngầm khu vực Nhà hát TP.
Dự án đã buộc phải ngưng do ảnh hưởng đến dự án tuyến metro số 1. UBND TPHCM đã đổi cho doanh nghiệp này khu vực sân Trống Đồng (đường Cách mạng Tháng 8) để tiếp tục đầu tư. Tuy nhiên đến nay dự án vẫn còn trên giấy do thủ tục nhiêu khê.
Nhiều chủ đầu tư tận dụng mặt bằng dự án chưa triển khai để làm bãi giữ xe, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh.
|
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: