Top

Đấu thầu qua mạng: Vẫn manh nha lợi ích nhóm?

Cập nhật 20/07/2012 09:40

3 năm chỉ có chừng 60 gói thầu được thực hiện qua mạng. Trong khi nếu phân tích ra, đấu thầu điện tử có rất nhiều ưu điểm như: Thuận tiện, nhanh gọn, tiết kiệm chi phí có thể tới hàng trăm ngàn tỷ đồng, tránh được tiêu cực … Vậy nhưng, con số nói trên cho thấy, những ưu điểm lại đang trở thành điểm yếu khi mà các nhà thầu vẫn quan tâm đến đấu thầu trực tiếp hơn nhiều lần.

Chỉ một cú click chuột, một gói thầu đã được thực hiện qua mạng, song, tại sao các chủ đầu tư vẫn không quan tâm?

Cách đây 3 năm (2009), đấu thầu điện tử chính thức được đưa vào thử nghiệm tại Việt Nam sau khi đã có quá nhiều bất cập xảy ra xung quanh việc đấu thầu trực tiếp. Người trong ngành và cả những "người ngoại đạo” không còn lạ lẫm khi nghe những khái niệm liên quan đến lĩnh vực đấu thầu như "quân xanh quân đỏ” hoặc "đo người may áo”, "thông thầu”… Chẳng hạn, khi đấu thầu trực tiếp, có diễn ra tình trạng, nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng thực hiện nhưng vẫn tham gia đấu thầu, bất kể khi trúng thầu họ có kham nổi khối lượng và chi phí cho công việc hay không… Hơn thế, đã từng xảy ra tình trạng một số chủ đầu tư vì "lợi ích nhóm” sẵn sàng đưa ra những quy định riêng để lựa chọn nhà thầu đã được "nhắm” từ trước cho riêng mình. Như vậy, từ khâu chuẩn bị hồ sơ cho đến khâu thực hiện đấu thầu đều bộc lộ những tiêu cực.

Và đấu thầu qua mạng là hình thức được đánh giá là có thể loại bỏ được những yếu tố bất minh nói trên. Nhận định về những ưu điểm của phương pháp đấu thầu qua mạng, luật sư Nguyễn Đình Hồng – Trưởng Văn phòng Luật sư Kim Minh khẳng định: Đây là hình thức đấu thầu mang lại rất nhiều ưu điểm cho cả bên mời thầu và bên đấu thầu. Đấu thầu qua mạng thể hiện tính công khai, minh bạch và đặc biệt, tiết kiệm được nhiều chi phí. Bên mời thầu và bên đấu thầu dù một ở trong Nam, một ở ngoài Bắc vẫn có thể hợp tác với nhau chỉ bằng những thao tác đơn giản, nhẹ nhàng bằng cách click chuột máy tính mà không cần tốn kém tiền bạc chi phí cho vận chuyển, cũng không tốn kém về mặt thời gian… Một ưu việt hơn hẳn của đấu thầu qua mạng là bên đấu thầu không tiếp xúc trực tiếp với chủ đầu tư. Do đó các hành vi tiêu cực hầu như bị triệt tiêu, bù lại tính minh bạch và tính cạnh tranh lại cao hơn.

Quả thực, nếu xét về mặt chi phí, kinh nghiệm của các nước đã triển khai đấu thầu qua mạng cho thấy, thực hiện phương pháp này, có thể giúp tiết kiệm chi phí từ 3% - 20% giá trị đấu thầu mua sắm, trung bình là 10%. Trong khi, số liệu thống kê cho thấy, tại Việt Nam, tổng giá trị các gói thầu thực hiện theo Luật Đấu thầu hàng năm khoảng 20% GDP (tương đương với khoảng 20 tỷ USD). Rõ ràng, việc triển khai đấu thầu qua mạng nếu được thực thi đối với 100% gói thầu, thì có thể tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hàng chục ngàn tỷ đồng. Và như lời khẳng định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông: Với hệ thống đấu thầu qua mạng, thực hiện mua sắm công điện tử, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm trong việc công khai, minh bạch hóa, giảm thiểu tham nhũng, tăng hiệu quả trong chi tiêu công, đây cũng là vấn đề xã hội cũng như cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm.

Lợi ích mang lại lớn như vậy, nhìn thấy rõ ràng như vậy, song không hiểu vì lý do gì mà sau 3 năm triển khai đấu thầu qua mạng, con số đạt được chỉ là một con số quá khiêm tốn: 60 gói thầu. Trong khi theo ông Nguyễn Xuân Đào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mỗi năm có tới hàng chục ngàn gói thầu cần phải giải quyết.

60/ hàng chục ngàn – một tỷ lệ quá chênh lệch – dường như đang chỉ ra rằng, những ưu điểm của đấu thầu qua mạng (nhanh, thuận tiện, ít chi phí) lại đang vô tình trở thành điểm yếu và khó có thể "cạnh tranh” được với đấu thầu trực tiếp. Một chuyên gia trong ngành khi được hỏi về nghịch lý này đã thẳng thắn nhấn mạnh về cái gọi là "giao dịch ngầm”, "đi đêm”. Vị chuyên gia này đặt câu hỏi: Phải chăng chính sự công khai, minh bạch là ánh sáng khiến những kẻ quen "đi đêm” phải e ngại trước ánh sáng ấy (?).

Chỉ với một vài minh chứng nhỏ nói trên, có thể thấy, khi những mối lợi lớn, lợi ích nhóm đã áp đảo hẳn lợi ích chung của cộng đồng, thì những cố gắng của Chính phủ đối với việc triển khai đấu thầu qua mạng vẫn chỉ như "muối bỏ bể”. Chỉ khi nào tư tưởng "đôi bên cùng có lợi”, lòng tham của cá nhân, của một nhóm đối tượng được loại bỏ thì may ra con số tham gia đấu thầu trên Internet sẽ được nhân lên nhiều hơn chăng?

DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt