Được kỳ vọng sẽ giúp thị trường đất nền TP.HCM phát triển lành mạnh hơn, bền vững hơn, nhưng Quyết định số 60/2017/QĐ-UBND của UBND TP.HCM vẫn có kẽ hở và ngay sau khi có hiệu lực (từ 1/1/2018), kẽ hở này đã được giới đầu cơ lợi dụng.
Một lô đất nông nghiệp đang được san lấp để phân lô bán nền tại Bình Chánh |
Quyết định 60 của TP.HCM được đánh giá đã khắc phục nhiều hạn chế của Quyết định 33 trước đó, giúp cho thị trường đất nền Thành phố phát triển lành mạnh hơn, bền vững hơn. Tuy nhiên, Quyết định 60 đang có kẻ hở được giới đầu cơ lợi dụng, khiến tình hình phân phô, tách thửa tại một số quận, huyện vùng ven Thành phố trong tháng đầu năm có diễn biến phức tạp.
Cụ thể, theo Quyết định 33, khi tách thửa, lô đất có diện tích từ 2.000 m2 trở lên phải lập dự án, nhưng Quyết định 60 không có quy định bắt buộc này. Do đó, sau khi Quyết định 60 có hiệu lực, giới đầu tư đã lùng sục săn tìm những khu đất có diện tích trên 2.000 m2 để phân lô bán nền, nhất là tại các quận, huyện vùng ven.
Được biết, trong Dự thảo Quyết định 60, Sở Tài Nguyên và Môi trường TP.HCM vẫn giữ quy định khi tách thửa lô đất có diện tích từ 2.000 m2 trở lên phải lập dự án, nhưng quy định này bị Sở Tư pháp bác bỏ. Bởi theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, quy định như vậy trái với thẩm quyền của UBND Thành phố, nếu ban hành sẽ bị Bộ Tư pháp thổi còi.
Dù bỏ quy định lô đất diện tích từ 2.000 m2 trở lại phải lập dự án, nhưng theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, trong Quyết định 60 đã có quy định cụ thể: UBND các quận, huyện xây dựng kế hoạch tách thửa đất, thành lập tổ công tác liên ngành để giải quyết tách thửa; thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm và chế độ báo cáo định kỳ theo quy định. Các sở ngành, đơn vị hướng dẫn quy chế tách thửa đất; điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật đối với trường hợp tách thửa đất có hình thành đường giao thông, đảm bảo hạ tầng xã hội; cấp giấy phép xây dựng và kiểm tra, xử lý vi phạm xây dựng; các thủ tục về đầu tư, đấu nối hệ thống điện, cấp nước, thoát nước theo quy định.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể nào để các quận, huyện có cơ sở thực hiện. Do đó, mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản gửi các ban ngành TP.HCM đề nghị nhanh chóng có văn bản hướng dẫn triển khai Quyết định 60.
Theo HoREA, Quyết định 60 tạo điều kiện cho người sử dụng đất thực hiện quyền được tách thửa đất ở đô thị, đất ở nông thôn, đất nông nghiệp theo quy định của pháp luật đất đai, phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị của Thành phố và kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng đô thị. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là công tác triển khai, tổ chức thực hiện cần phải kịp thời và hiệu quả của các Sở, ngành, quận, huyện, vì đến nay, dù Quyết định số 60 đã có hiệu lực gần 1 tháng, nhưng vẫn chưa có văn bản hướng dẫn để các địa phương có căn cứ triển khai, thực hiện.
Một dự án phân lô bán nền tại quận Tân Phú - Ảnh: Lê Thắng
|
Ngoài ra, các quận, huyện cũng chưa xây dựng quy chế giải quyết tách thửa đất để Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp nhằm thực hiện thống nhất trên địa bàn Thành phố, trong lúc tình hình phân lô, tách thửa tại một số quận ven và huyện ngoại thành đang diễn biến khá phức tạp, nhất là tại quận 9.
Bên cạnh đó, theo HoREA, có quan ngại về việc "đầu nậu" lợi dụng kẻ hở của Quyết định 60 để tách thửa các thửa đất lớn hơn 2.000 m2 và cũng có quan ngại về việc một số quận, huyện có thể dễ dãi trong việc cho phép cá nhân, hộ gia đình chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở, sau đó thực hiện tách thửa phân lô, dẫn đến tình trạng phân lô bán nền tràn lan, băm nát bộ mặt đô thị, hình thành các khu dân cư không có cơ sở hạ tầng đồng bộ, không có dịch vụ và tiện ích như trong thời gian trước đây.
Do vậy, HoREA đề xuất UBND TP.HCM nhanh chóng chỉ đạo, đôn đốc các Sở, ngành, quận, huyện sớm ban hành các văn bản hướng dẫn; quy chế giải quyết tách thửa đất để triển khai, tổ chức thực hiện theo Điều 7 Quyết định số 60/2017/QĐ-UBND.
HoREA đề nghị UBND TP.HCM xem xét giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng tiêu chí chặt chẽ để quản lý, kiểm soát các trường hợp tách các thửa đất lớn có hình thành đường giao thông nội bộ, nhất là các thửa đất có diện tích từ 2.000 m2 trở lên và các trường hợp xin chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở, để hạn chế việc "đầu nậu" lợi dụng để phân lô tách thửa đất nông nghiệp tràn lan.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: