Top

Đấu giá đất lấy tiền làm đường

Cập nhật 11/03/2011 13:45

Nhiều dự án giao thông tại TP.HCM sắp triển khai với số vốn đầu tư lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng. Không ít ý kiến đề xuất đấu giá quỹ đất hai bên đường để tạo vốn cho các dự án giao thông.

Việc đấu giá các khu đất dọc đường Nguyễn Hữu Thọ đã đem về cho TP.HCM hơn 430 tỉ đồng - Ảnh: P.P.H.

Theo ông Lê Quyết Thắng - giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1, TP.HCM, hiện TP rất thiếu vốn cho các công trình xây dựng giao thông. Nhưng để kêu gọi các nhà đầu tư bỏ vốn, Nhà nước cần có chủ trương, chính sách và cơ chế cụ thể.

Chẳng hạn, có thể giải tỏa nhà ở hai bên đường trong phạm vi 100-150m để nhà đầu tư sử dụng quỹ đất đó xây dựng nhà ở, công trình và nâng cấp mở rộng đường. Nếu thực hiện được hình thức đầu tư này, TP vừa mở rộng đường vừa chỉnh trang đô thị.

Đấu giá quỹ đất hai bên đường


“Con gà đẻ trứng vàng”

Một chuyên gia kinh tế ví quỹ đất hai bên đường như “con gà đẻ trứng vàng”. Nếu biết khai thác, TP không phải khó khăn khi tìm nguồn vốn cho các dự án giao thông.

Thực tế đã có hàng chục công ty kinh doanh địa ốc “bám” vào các dự án, mua đất, phân lô dọc hai bên đường từ nhiều năm trước và chờ Nhà nước làm đường, hưởng lợi.
Dọc đường Nguyễn Hữu Thọ (đoạn gần cầu Rạch Đỉa, thuộc xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè) giờ có những cụm chung cư cao đến vài chục tầng. Xen lẫn các cụm chung cư là dãy biệt thự xây dựng khang trang với vườn hoa, cây xanh.

Năm 1999, dự án đường Nguyễn Hữu Thọ dài khoảng 7.5km (nối từ đường Nguyễn Văn Linh đến Khu công nghiệp Hiệp Phước) được UBND TP phê duyệt, chiều rộng 60m. Thay vì chỉ thu hồi đất trong phạm vi dự án để phục vụ giao thông, TP đã quyết định thu hồi đất làm “biên chỉnh trang”, mỗi bên 75m. Gần 90ha đất mở rộng trong biên chỉnh trang đã được TP dùng làm đất dự trữ, đây là mô hình đầu tiên áp dụng trên địa bàn TP.

Tổng kinh phí đầu tư cho hai giai đoạn đường Nguyễn Hữu Thọ (dự án có ba giai đoạn) dự kiến 429 tỉ đồng. Tuy nhiên, chỉ riêng với hai khu đất đưa ra đấu giá cho hai công ty kinh doanh địa ốc, TP đã thu về 436 tỉ đồng. Các khu đất còn lại dọc hai bên đường sẽ tiếp tục đấu giá và làm nhà tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa.

“Việc bán đấu giá quỹ đất hai bên biên chỉnh trang không chỉ bù đắp chi phí vốn đầu tư mà còn có thể tạo ra quỹ đất phục vụ các chương trình nhà ở xã hội” - ông Dư Phước Tân, trưởng phòng nghiên cứu quản lý đô thị thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TP - người nghiên cứu về mô hình này, đánh giá.

UBND huyện Bình Chánh cũng vừa đề xuất UBND TP thu hồi đất hai bên đường nối đại lộ Đông - Tây với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương để tạo quỹ đất cho TP. Theo thiết kế, tuyến đường này có tổng chiều dài 2.7km, nối từ quốc lộ 1A đến nút giao thông Tân Kiên (giao với tuyến nối Tân Tạo - Chợ Đệm của đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương).

Chiều rộng tuyến đường là 60m, diện tích đất cần phải thu hồi để làm đường khoảng 32ha. UBND huyện Bình Chánh đề xuất thu hồi thêm khoảng 130ha để tạo quỹ đất trong tương lai, đồng thời có thể dùng đổi lấy hạ tầng.

Ông Nguyễn Hồng Ninh, giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng IDICO, cho biết Nhà nước giao cho nhà đầu tư được khai thác quỹ đất ở hai bên đường để tạo vốn. Ngược lại, nhà đầu tư làm đường sẽ chỉnh trang đô thị, xây dựng khu đô thị mới hoàn chỉnh, hiện đại. Việc đầu tư theo hình thức này giúp hạ tầng đi trước theo đúng quy luật, khu đô thị mới hình thành theo đúng quy hoạch.

Nhà nước phải thực hiện giải tỏa

Khó khăn lớn nhất trong việc triển khai các dự án giao thông là chuyện đền bù giải tỏa. Bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, giám đốc đầu tư Công ty cổ phần phát triển hạ tầng kỹ thuật CII, cho biết sẽ có nhiều nhà đầu tư bỏ vốn vào dự án làm đường nếu họ được giao đất hai bên đường để kinh doanh. Điều quan trọng là Nhà nước phải đứng ra lo đền bù giải tỏa.

Bà Trâm nói làm đường theo hình thức được giao đến hai bên đường đòi hỏi có sự phối hợp giữa nhà đầu tư địa ốc và nhà đầu tư hạ tầng. Cả hai nhà đầu tư này sẽ hình thành liên doanh trong một dự án. Nhưng bà Trâm nói không phải dự án nào cũng có thể thực hiện được. “Chỉ có thể thực hiện hình thức đầu tư dự án đổi đất lấy đường ở những tuyến đường mới, hai bên còn là đất ruộng, chi phí đền bù giải tỏa thấp” - bà Trâm nói.

Ông Nguyễn Hồng Ninh cho hay IDICO được UBND TP chấp thuận giao đầu tư dự án làm đường Hà Huy Giáp (Q.12) - tuyến đường đến cầu Phú Long - nối với tỉnh Bình Dương. Theo đó, khi đầu tư đường Hà Huy Giáp dài 4km, nhà đầu tư được sử dụng đất ở hai bên đường (dài 2.4km - chủ yếu là đất ruộng, còn 1.6km không thực hiện giải tỏa ở hai bên đường vì đa số là nhà ở và công trình có giá đền bù cao) và một số khu đất khác có tổng diện tích 185ha.

Băn khoăn của ông Ninh là nếu giao nhà đầu tư trực tiếp thương lượng với dân về giá đền bù giải tỏa thì khó thực hiện dự án. IDICO đang đề nghị sẽ đưa tiền để Trung tâm Phát triển quỹ đất TP kết hợp với UBND Q.12 lo đền bù giải tỏa. Sau khi đã đền bù giải tỏa (đất sạch), nên tổ chức đấu giá cho nhiều nhà đầu tư khác cùng tham gia. Có như vậy mới xác định đúng giá trị đất, loại bỏ được tiêu cực...

Ông Dư Phước Tân đề xuất để thực hiện mô hình biên chỉnh trang có hiệu quả cần triển khai tại các khu vực thuộc vùng ven, huyện ngoại thành, nơi có mật độ dân cư vừa phải để giảm chi phí đền bù. Một trong những yếu tố quyết định sự thành công, theo ông Tân, là giá đất đền bù phải phù hợp, yếu tố công khai, minh bạch về dự án cần phải được đặt lên hàng đầu.

DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ