Top

‘Đất vàng’ FCS giao cho Bến Thành Land đã bị thu hồi

Cập nhật 08/11/2018 14:25

Trong báo cáo tài chính của FCS nêu rõ, khu đất 400 Nguyễn Duy từng được giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Bến Thành thực hiện dự án xây trung tâm thương mại đã bị Bộ Tài chính thu hồi và sẽ bàn giao lại cho UBND TP.HCM.

Thu hồi ‘đất vàng’ 400 Nguyễn Duy

Năm 2010, Công ty TNHH MTV Lương thực TP.HCM (tiền thân của Công ty Cổ phần lương thực TP.HCM – FCS) từng ký hợp đồng kinh doanh với Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Bến Thành (Bến Thành Land) về việc hợp tác kinh doanh, xây dựng trung tâm thương mại.

Theo đó, 2 bên cùng hợp tác để thực hiện dự án khu cao ốc liên hợp trung tâm thương mại – dịch vụ, văn phòng cho thuê và căn hộ tại khu đất số 400 Nguyễn Duy (Phường 9, Quận 8, TP.HCM).

FCS góp vốn bằng giá trị tài sản trên đất và lợi thế kinh doanh của mặt bằng, Bến Thành Land góp toàn bộ vốn để đầu tư xây dựng dự án (dự kiến 992,9 tỷ đồng).

FCS sẽ được chia một khoản lợi nhuận cố định và không phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh của dự án (khoảng 35 tỷ đồng). Sau khi hoàn thành nghĩa vụ lợi nhuận cho FCS, Bến Thành Land được hưởng toàn bộ lợi nhuận từ việc kinh doanh, khai thác của dự án.

Tuy nhiên, trong báo cáo tài chính quý 3/2018 của FCS cho biết, đến ngày 12/3/2018, Bộ Tài chính có quyết định thu hồi và bàn giao cơ sở nhà đất 400 Nguyễn Duy về UBND TP.HCM.

Khu đất số 400 Nguyễn Duy vẫn quây tôn nhiều năm nay. (Ảnh: Tân Nguyên)

Theo tìm hiểu của PV, khu đất số 400 Nguyễn Duy được chủ đầu tư lập dự xây dựng Khu phức hợp Trung tâm thương mại - Căn hộ Bella Vista trên tổng diện tích hơn 13.000 m2. Quy mô công trình gồm 2 tầng hầm, 19 lầu.

Đây là khu vực trung tâm Quận 8, có dân cư đông đúc cách chợ Bến Thành khoảng 5 km, với hệ thống giao thông thuận lợi, kinh doanh sầm uất và có 2 mặt tiền đường Nguyễn Duy và Hưng Phú, nằm ven sông và bên cạnh Đại lộ Đông Tây. Bella Vista được dự kiến khởi công vào quý 4/2010, đến năm 2012 sẽ hoàn thành.

Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa thể hoàn thành và khu đất 400 Nguyễn Duy đang trong quá trình chờ bàn giao về cho UBND TP.HCM.

FCS kinh doanh bết bát dù sở hữu nhiều lợi thế

Trong thông tin được công bố về dự án Bella Vist không hề xuất hiện FCS. Thay vào đó, chủ đầu tư của Bella Vist là Công ty TNHH Bình Tây, trong khi đó Bến Thành Land chỉ là đơn vị phát triển dự án.

Tuy nhiên, ít người biết Công ty TNHH Bình Tây đã được sáp nhập vào FCS vào năm 2013. Tính đến thời điểm sáp nhập, Bình Tây lỗ lũy kế khoảng 87 tỷ đồng và lâm vào tình trạng mất cân đối tài chính, không có năng lực để trả các khoản nợ vay ngân hàng khi đáo hạn.

FCS thời điểm đó với tư cách bên nhận sáp nhập phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ của Bình Tây. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến tình hình kinh doanh nhiều năm nay của FCS không khả quan, lỗ chồng lỗ.

Trong báo cáo tài chính quý 3/2018 vừa được FCS công bố, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của FCS trong quý 3 là 147,5 tỷ đồng, giảm 38,6% so với cùng kỳ 2017.

Cửa hàng FoodcoMart ở Tây Ninh của FCS. (Ảnh: Thế Vinh)

Lợi nhuận sau thuế quý 3/2018 của FCS có phần khả quan hơn khi ghi nhận mức lỗ gần 7 tỷ đồng (giảm 40,2% so với cùng kỳ), kéo theo lỗ lũy kế 9 tháng đầu năm 2018 ở mức 20,9 tỷ đồng, giảm 61,4% so với 9 tháng đầu năm 2017.

FCS hiện đang quản lý chuỗi 29 cửa hàng FoodcoMart tại TP.HCM, 2 cửa hàng FoodcoMart ở Đăk Nông và Tây Ninh, cùng CoopMart, Big C làm mưa làm gió trên thị trường bán lẻ. Ngoài ra, FCS còn quản lý và sử dụng và 3 cửa hàng kinh doanh xăng dầu được thuê lại với thời hạn lên tới 50 năm.

Cửa hàng FoodcoMart trên đường Võ Văn Kiệt (Quận 8, TP.HCM). (Ảnh: Tân Nguyên)

Dù kinh doanh trong lĩnh vực nhiều lợi thế là lương thực và xăng dầu, lại sở hữu nhiều cơ sở nhà đất nhưng tình hình kinh doanh hiện nay của FCS bết bát thấy rõ.

Không chỉ vậy, vừa qua, UBND TP.HCM đã có quyết định bàn giao 7 cơ sở nhà đất không sử dụng của FCS về cho địa phương quản lý và sử dụng, gồm các vị trí ở Tân Bình, Củ Chi, Quận 3, Bình Thạnh, Quận 1 và Phú Nhuận.

Được biết, hiện nay FCS đang làm thủ tục bổ sung đăng ký kinh doanh, điều chỉnh vốn điều lệ từ 294,5 tỷ đồng giảm xuống còn hơn 255,1 tỷ đồng.

Trong báo cáo cuối năm 2017, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) và FCS thuộc Vinafood 2 đã góp vốn hoặc chậm thoái vốn trong lĩnh vực bất động sản không đúng quy định, trong đó có nhắc đến khu đất 400 Nguyễn Duy và một số cơ sở nhà đất khác của công ty này.


DiaOcOnline.vn - Theo VTC