Ông Phạm Quang Nghị. Ảnh: Ngọc Thắng |
Một cuộc dịch chuyển trụ sở nhiều cơ quan bộ, ngành trung ương từ bốn quận trung tâm nội thành cũ (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa) ra khu vực Mỹ Đình (quận Cầu Giấy) đã và đang được thực hiện.
Ngoài các bộ: Ngoại giao, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước... đã chuyển xong; các bộ: Xây dựng, Công an, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và phát triển nông thôn… đã lên kế hoạch chuyển đi. Đây là một cuộc di chuyển lớn có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến tổ chức, sinh hoạt hành chính, xu hướng phát triển dịch vụ... ở thủ đô Hà Nội. Trong giờ giải lao của Quốc hội, phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị đã phỏng vấn bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị về vấn đề này:
* Thưa ông, đã bắt đầu các cuộc dịch chuyển trụ sở nhiều bộ, ngành trung uơng ra khu vực Mỹ Đình. Liệu có thể chuyển hết tất cả các bộ không?
Nếu như có thực hiện cũng chỉ một bộ phận thôi chứ không phải tất cả. Có những bộ về cơ bản quy mô, diện tích làm việc hợp lý rồi, không có nhu cầu cấp bách chuyển thì không chuyển.
Một phần cũng do kinh phí di dời rất tốn kém. Số bộ di dời có thể bàn giao lại trụ sở cho những bộ đang thiếu văn phòng, hoặc bàn giao lại cho thành phố Hà Nội.
* Các bộ chuyển đi sẽ để lại diện tích đất rất lớn, nếu phá các trụ sở này đi chỉ để làm cao ốc, khách sạn… sẽ không giải quyết được vấn đề về quá tải, giao thông?
Đó là vấn đề Chính phủ đã tính đến và Hà Nội cũng phải tính đến để sử dụng một cách hiệu quả các khu đất ấy cho các mục tiêu khác. Chủ yếu số trụ sở này sẽ dành để giải quyết tình trạng quá tải, chật chội về nơi làm việc cho các bộ ngành không phải di dời. Chỉ có một số ít phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Ngay cả số ít đó cũng sẽ bị khống chế về mật độ, chiều cao xây dựng.
* Trụ sở các bộ phải chuyển đi đều nằm ở vị trí đẹp của khu vực trung tâm. Đó là những tài sản có giá trị rất lớn của Nhà nước. Nhưng một số bộ có chủ trương là bán hoặc đổi đất đó lấy cơ sở hạ tầng. Theo ông, làm thế nào để việc mua bán, chuyển nhượng, chuyển đổi này không gây thất thoát tài sản công?
“Đất vàng” trụ sở các bộ sẽ vào tay ai?
Cuối tháng 10 vừa qua, bộ Xây dựng đã thống nhất với bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng chủ trương triển khai đầu tư xây dựng trụ sở mới của bộ Giao thông vận tải tại phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Theo nguồn tin của báo Sài Gòn Tiếp Thị, để có được trụ sở mới là một toà nhà với quy mô ba tầng hầm và 21 tầng nổi (khoảng 7.000m2) mà không phải bỏ tiền ra xây dựng, bộ Giao thông vận tải sẽ nhượng lại khu đất vàng 80 Trần Hưng Đạo (diện tích hơn 8.000m2) cho công ty đầu tư và khoáng sản Hợp Thành theo kiểu “chìa khoá trao tay”, thay vì tổ chức đấu giá để lấy tiền xây trụ sở mới như nhiều bộ ngành khác.
Trước đó, bộ Xây dựng cũng thống nhất về chủ trương di chuyển trụ sở hiện nay của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ra khỏi trung tâm Hà Nội. Tuy nhiên, thay vì đổi đất lấy trụ sở mới, thì khu đất gần 20.000m2 tại số 2 Ngọc Hà sẽ được đấu giá quyền sử dụng đất. Tương tự, chính bộ Xây dựng cũng xin di dời và trụ sở cũ tại 37 Lê Đại Hành với diện tích hơn 13.000m2, dự kiến cũng sẽ được đấu giá. Chủ trương di dời là đúng, phù hợp với quy hoạch. Nhưng phương thức như thế nào thì chưa có quy định mang tính bắt buộc. Có những bộ, ngành di dời ra ngoài được Nhà nước cấp kinh phí toàn bộ như bộ Công an, bộ Ngoại giao. Còn cơ sở cũ được sử dụng thế nào sẽ do Chính phủ hoặc do bộ, ngành chức năng quyết định, không có chuyện đấu thầu, bán… |
Trụ sở bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn gần 20.000m2 – Ngọc Hà – Ba Đình cũng hết sức hấp dẫn. Ảnh: Chí Hiếu |
Một số bộ khác do Chính phủ chưa có khả năng cấp kinh phí xây trụ sở mới nên họ xin một cơ chế được đấu giá, đấu thầu, trao đổi… trụ sở để có kinh phí xây trụ sở ở nơi mới. Nhưng điều này chưa chính thức và còn có nhiều phương thức chứ không chỉ có trao đổi, chuyển nhượng.
* Theo ông, trước khi cho phép thực hiện các vụ trao đổi, chuyển nhượng như vậy, công việc thẩm định lại giá trị các khu đất này nên được thực hiện thế nào và phương thức nào (đấu giá, đổi đất lấy cơ sở hạ tầng (trụ sở xây sẵn), bán trực tiếp…) sẽ đảm bảo tránh thất thoát và công khai, minh bạch nhất?
Tất nhiên phải có cơ chế, có sự tham gia của các cơ quan định giá liên quan, các bộ, ngành không thể tự chuyển nhượng. Còn nếu tổ chức đấu giá công khai được thì khách quan hơn.
Tôi nghĩ, sau này Chính phủ sẽ chỉ đạo một cơ chế định giá để đảm bảo không có tiêu cực, lãng phí. Tôi cũng chỉ có thể nói nguyên tắc chung vậy thôi. Ví dụ như đấu giá công khai, nếu sử dụng vào mục đích công của Nhà nước thì Nhà nước sẽ quy định về mật độ, chiều cao công trình, công năng. Nên không thể chỗ nào cũng xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê hay nhà liên kế được.
Việc định giá đất cũng có cái khó bởi liên quan mật thiết với mục đích sử dụng đất. Ví dụ, cùng một mức giá nhưng nếu để xây dựng công trình văn hoá, hay bệnh viện… nhiều người sẽ không dám làm. Nhưng để xây văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại thì cao thế chứ cao nữa người ta vẫn cứ làm. Đối với những khu đất trụ sở ở vị trí đắc địa, tôi nghĩ, Chính phủ sẽ quyết định.
* Theo bảng giá đất của thành phố Hà Nội công bố thì giá đất ở các khu có trụ sở các bộ đã hoặc sắp chuyển đi hiện nay còn kém khá xa so với giá thị trường. Điều đó có thể làm cho khâu định giá thiếu chính xác?
Điều này liên quan đến việc sửa luật Đất đai. Bây giờ nó như thế nào phải chấp nhận như thế đã. Dù biết là giữa giá Nhà nước quy định và giá thị trường nó chênh nhau lớn, nhưng không vì thế mà tự ai có thể đưa ra một cái giá khác được.
Tránh thất thoát bằng định giá độc lập
TS Phạm Sỹ Liêm (phó chủ tịch tổng hội Xây dựng Việt Nam lo ngại): hai vấn đề quan trọng của quá trình hậu di dời là: thanh lý, bán đấu giá các khu đất vàng ra sao và chủ mới sẽ sử dụng nó như thế nào để vừa hợp quy hoạch vừa thực hiện được mục tiêu giảm áp lực dân cư và giao thông. Bởi thực tế, nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất đã từng di chuyển, ngoài tránh ô nhiễm môi trường thì áp lực về giãn dân và giao thông ùn tắc, không những không giảm mà còn gia tăng, khi chính trên khu đất vàng lại mọc lên hàng chục toà nhà cao tầng, thậm chí cả khu đô thị mới. Cho nên phải theo quy hoạch và giám sát thực hiện quy hoạch.
Phạm Đình Cường (cục trưởng cục Quản lý công sản (bộ Tài chính) cũng nhìn nhận): chủ trương bán công sở chật chội, không đáp ứng nhu cầu sử dụng là rất tốt. Điều quan trọng là, bên mua lại trụ sở sẽ phải sử dụng khu đất theo đúng quy hoạch. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý, theo ông Cường là việc tránh thất thoát khi cơ quan di dời tổ chức bán, đấu giá các khu đất cũ. “Trong trường hợp này, cần thuê các tổ chức tư vấn định giá độc lập để có đánh giá phù hợp, tránh thất thoát”, ông Cường nhấn mạnh.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: