Top

Đất nhà nước kê khai được xem xét bồi thường

Cập nhật 02/06/2014 08:54

Hàng trăm hộ dân tại TP HCM không được bồi thường khi nhà nước thu hồi đất với lý do đất do nhà nước kê khai mặc dù họ vẫn quản lý và sử dụng mảnh đất qua nhiều thế hệ

“Mảnh đất có nhà của tôi nằm trong một dự án nên bị thu hồi. Tôi chấp hành chủ trương giao đất nhưng phải được bồi thường thỏa đáng, đằng này chính quyền không bồi thường với lý do đất do nhà nước kê khai. Tôi hoàn toàn bất ngờ với lý do này bởi mảnh đất có nguồn gốc do ông bà tổ tiên để lại và gia đình tôi sử dụng từ xưa cho đến nay”. Đây là phản ánh của bà Cao Thị Cẩm Nhung - phường Long Bình, quận 9, TP HCM - khi UBND quận 9 thu hồi đất mà không bồi thường cho gia đình bà.

Đất của dân, phường đăng ký

Năm 1933, ông cố của bà Nhung là Cao Văn Vạng được thừa kế phần đất vườn cây ăn trái có diện tích 3.280 m2. Năm 1945, ông Vạng quản lý thêm khu đất của gia đình có diện tích 700 m2. Theo đo đạc hiện nay, 2 khu đất lần lượt có diện tích là 3.259 m2 và 655 m2. Sau khi ông cố chết, ông bà nội của bà Nhung là Cao Văn Cột và Hồ Thị Tý tiếp tục quản lý sử dụng 2 mảnh đất trên. Khi ông bà nội bà Nhung qua đời, 2 mảnh đất được cha bà Nhung là Cao Hùng Sơn thừa hưởng. Tháng 1-2002, ông Sơn cất nhà trên khu đất 655 m2 , rồi cho bà Nhung. Năm 2013, UBND quận 9 thu hồi diện tích đất 655 m2 của bà Nhung để thực hiện dự án Chỉnh trang phát triển đô thị tại phường Long Bình, quận 9 nhưng không bồi thường.

Khu đất 655 m2 có mộ của ông bà tổ tiên bà Nhung được UBND quận 9 lý giải là đất do nhà nước kê khai để không bồi thường

Ông Huỳnh Văn Tỵ, Phó Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 9, lý giải hồ sơ diện tích đất 655 m2 của bà Nhung do UBND phường đăng ký nên không có cơ sở để bồi thường. Khi được hỏi vì sao người dân đang quản lý, sử dụng ổn định mà UBND phường lại đăng ký, kê khai, ông Tỵ trả lời: “Do lịch sử để lại!”.

Tương tự, tại dự án này, nhiều hộ dân như hộ bà Dương Mỹ Châu, Trần Thị Viết, Ngô Thị Liễu… có một phần đất hoặc toàn bộ diện tích đất cũng không được bồi thường với lý do nêu trên. Không chỉ ở quận 9 mà nhiều hộ dân có đất bị thu hồi tại một số dự án ở các quận, huyện như: 2, 7, Thủ Đức, Bình Thạnh, Bình Chánh cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Xem xét bồi thường, hỗ trợ

Để tháo gỡ vướng mắc trên, ngày 24-3, Văn phòng UBND TP HCM có thông báo truyền đạt ý kiến kết luận và chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín tại cuộc họp nghe báo cáo, giải quyết vướng mắc việc bồi thường, hỗ trợ đối với đất nông nghiệp, đất hoang có nguồn gốc do UBND xã, tập đoàn, HTX đăng ký kê khai theo Chỉ thị 299 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín giao Hội đồng Thẩm định bồi thường TP chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp, Thanh tra TP và các cơ quan có liên quan khẩn trương rà soát kỹ, phân nhóm đối tượng cụ thể gắn với nguồn gốc pháp lý, thực trạng quản lý và quá trình sử dụng đất của từng trường hợp và từng nhóm đối tượng để xác định trường hợp nào thì được bồi thường, trường hợp nào thì được xét hỗ trợ, trường hợp nào phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với đất nông nghiệp, đất hoang do UBND cấp xã, tập đoàn, HTX đăng ký kê khai, thống kê theo Chỉ thị 299 của Thủ tướng Chính phủ. Tinh thần chung là nếu nhà nước không có văn bản ngăn chặn thì được giải quyết bồi thường về đất theo quy định. Nếu nhà nước đã có văn bản ngăn chặn nhưng trên thực tế nhà nước không quản lý và sử dụng thì người đang sử dụng đất được xét hỗ trợ về đất với mức hỗ trợ không quá mức bồi thường về đất cùng loại trong cùng dự án bồi thường, tái định cư đã được phê duyệt; đồng thời cũng được xét hỗ trợ chính sách tái định cư phù hợp quy định (nếu không còn nơi ở nào khác và thực sự có nhu cầu về chỗ ở để ổn định cuộc sống sau giải tỏa).

Theo một số cán bộ bồi thường giải phóng mặt bằng, trên tinh thần chỉ đạo này, ngoài các hộ dân ở phường Long Bình, quận 9, sẽ có rất nhiều hộ bị thu hồi đất trên địa bàn TP có thể được xem xét bồi thường, hỗ trợ.

Không được bồi thường vẫn được hỗ trợ

Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín, các trường hợp không đủ điều kiện bồi thường vẫn được áp dụng chính sách hỗ trợ khi thu hồi đất, gồm: các dự án có phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt từ ngày 17-1-2013. Đối với các dự án có phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 17-1-2013, áp dụng theo nguyên tắc không áp dụng hiệu lực trở về trước.Cụ thể: Đối với dự án đã thực hiện chi trả xong tiền bồi thường hỗ trợ trước ngày 17-1-2013 thì không áp dụng. Đối với dự án đang thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ theo phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì tiếp tục thực hiện theo phương án đã được phê duyệt.


DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao động