Thông tin về trưng bày ga C9 lấy ý kiến người dân hồi tháng 3.2018.
|
Dự án xây nhà ga tàu điện ngầm cạnh Hồ Gươm vẫn tiếp tục gây tranh cãi trong giới khoa học. Liên quan đến vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch & Phát triển đô thị Hà Nội để tìm hiểu rõ hơn.
Thưa ông, vì sao đường sắt đô thị (ĐSĐT) Hà Nội có cả đi ngầm lẫn đi nổi?
- Năm 1992, Quy hoạch chung lần thứ 5 được phê duyệt của TP đã đặt ra vấn đề phải phát triển đường sắt đô thị. Thời điểm đó, Hà Nội đã cử đoàn công tác đi các nước Châu Âu để nghiên cứu về ĐSĐT. Khi Đoàn nghiên cứu thực tế tại Đức đã nhận thấy giải pháp ĐSĐT kết hợp cả ngầm và trên cao là thích hợp nhất với điều kiện của Hà Nội do TP có nhiều di tích lịch sử.
Mặt khác, Quy hoạch Hồ Gươm đã được Thủ tướng ủy quyền cho Bộ Xây dựng duyệt năm 1996. Trong đó xác định khu vực Hồ Gươm là di tích cảnh quan đặc thù của Hà Nội; được định hướng trở thành không gian đi bộ, tổ chức sự kiện...
Đồng thời cũng xác định 7 khu vực không gian xanh quanh Hồ Gươm để bảo tồn, không được làm các công trình nổi lên, không được phá hủy, làm lại; trong đó có khu vực vị trí ga C9 hiện nay. Vì vậy, việc phát triển ĐSĐT kết hợp cả đi ngầm và nổi là tất yếu của Hà Nội, đặc biệt với tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, có đi qua khu vực Bờ Hồ.
Thời gian gần đây có ý kiến cho rằng, việc lựa chọn vị trí ga C9 vi phạm Luật Di sản, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
- Ga C9 nằm ở Vùng II - Vùng bảo vệ; nằm ngoài Vùng I - Vùng bảo vệ nguyên trạng của Hồ Gươm. Trong Luật Di sản đã xác định, Vùng II có thể được cải tạo, chỉnh trang nhưng phải tuân thủ các quy định, đặc biệt là về chiều cao công trình. Như vậy nó không xâm phạm vào di tích lịch sử quốc gia, cũng không vi phạm Luật Di sản.
Trong Hiến chương Washington 1987 về bảo vệ TP và khu vực đô thị lịch sử, mà Việt Nam đã ký cam kết thực hiện, có câu: “Việc đưa các yếu tố đương đại vào các đô thị lịch sử hoàn toàn có thể chấp nhận, nhưng phải thận trọng, phù hợp với quy hoạch; với mục tiêu nâng cao chất lượng sống cho người dân và phải được cư dân khu vực ủng hộ”. Như vậy, từ Luật Di sản của Việt Nam cho đến các Hiến chương quốc tế đều cho thấy ga C9 phù hợp với yêu cầu về bảo tồn di sản.
Tôi cho rằng, Dự án đã có quá trình nghiên cứu thận trọng, công phu; quan tâm đầy đủ các yếu tố: Dân cư, di sản, kỹ thuật… Do đó kết quả đưa ra có thể chấp nhận và nên chấp nhận.
Vấn đề khai thác cảnh quan Hồ Gươm đã được đặt ra từ 20 năm nay, với mục tiêu phục vụ nhân dân, tăng giá trị, vị thế của Hà Nội. Việc xây dựng tuyến ĐSĐT số 2 và ga C9 sẽ tạo điều kiện để Hà Nội tận dụng tốt và gia tăng vai trò, vị trí của khu vực Hồ Gươm - trung tâm, không gian văn hóa, quảng bá của Hà Nội; thu hút người dân đến khu vực này.
Việc xây dựng ga C9 cần lưu ý những yếu tố gì, thưa ông?
- Bên cạnh đó, chúng ta phải lựa chọn cẩn thận, ứng dụng kỹ thuật xây dựng nào để đảm bảo không ảnh hưởng đến an toàn của các công trình di tích, ví dụ như Tháp Bút. Chủ đầu tư phải cam kết giải pháp, công nghệ thi công phù hợp, đảm bảo nhất; không để xảy ra các vấn đề, ảnh hưởng đến công trình di tích. Ngoài ra cũng cần nghiên cứu thêm về thiết kế kỹ, mỹ thuật của cửa lên xuống khu vực sát Hồ Gươm sao cho hài hòa với cảnh quan.
- Xin cảm ơn ông!
Theo phương án đã phê duyệt, tuyến ĐSĐT số 2 dài 11,5km (đoạn trên cao khoảng 2,6km, đoạn ngầm gần 9km). Ga C9 nằm chính trên đường Đinh Tiên Hoàng và một phần vỉa hè Điện lực Hà Nội, ga nằm dưới lòng đất sâu 25m, đỉnh ga đến mặt đất 5m, dài 150m, rộng 21m.
Tháng 3.2018, Ban Đường sắt đô thị đã tổ chức lấy ý kiến người dân về dự án đường sắt đô thị và ga ngầm C9. Đơn vị này đã tiếp nhận 1.718 phiếu đóng góp ý kiến, kết quả 90,3% ủng hộ, đồng ý; 7,2% phản đối và 2,5% không có ý kiến.
DiaOcOnline.vn - theo Báo Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: