Top

“Đánh thức” phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng

Cập nhật 26/11/2010 14:15


 
Hiện bất động sản nghỉ dưỡng đang tạo nên xu hướng mới cho thị trường. Loại hình bất động sản (BĐS) kết hợp giữa khách sạn và căn hộ, giữa nhà ở và du lịch sinh thái được kỳ vọng như một phương án đầu tư có tiềm năng.

Đã có trên 50 dự án

Nếu so sánh con số này với sự phát triển của khu đô thị mới (khoảng 486 dự án 20 - 100ha) thì chẳng thấm vào đâu. Nhưng theo các chuyên gia, BĐS nghỉ dưỡng có sức hấp dẫn riêng, bởi khả năng thu hồi vốn nhanh, dễ dàng khi chuyển nhượng lại.

Bên cạnh đó, nó cũng cho phép chủ sở hữu quyền khai thác căn hộ trong khách sạn có thêm doanh thu hàng năm, nếu họ ký hợp đồng với công ty quản lý khách sạn để cho khách du lịch thuê lại.

Theo ông Nguyễn Trí Dũng - TGĐ Cty CP Sông Đà - Thăng Long, dự án hạng trung là phân khúc phù hợp nhất để đầu tư giai đoạn này, cũng như dễ dàng cho thuê khi dự án đi vào vận hành. Vì vậy, khả năng thu lợi nhuận của nhà đầu tư cũng cao hơn.

Theo khảo sát của CBRE Việt Nam, tính đến hết năm 2010, Việt Nam có khoảng trên 50 dự án BĐS nghỉ dưỡng, cung cấp cho thị trường khoảng 5.300 căn biệt thự và hơn 6.600 căn hộ cao cấp.

Trong đó, khu vực miền Trung, với lợi thế lớn để phát triển du lịch, có tới hơn 3.700 biệt thự và căn hộ nghỉ dưỡng. Đặc biệt, 85% chủ nhân số biệt thự, căn hộ nghỉ dưỡng là người Việt. Khách hàng từ Hà Nội chiếm tới 40%, còn TP HCM chiếm khoảng 30%. Phần lớn khách hàng còn rất trẻ.

Điển hình là gần đây nhất, ngày 19/11, Dự án khu đô thị sinh thái - du lịch - nghỉ dưỡng Tam Nông (Phú Thọ, cách Hà Nội 60 km, giáp tuyến đường Đền Hùng - rừng quốc gia Xuân Sơn và gần Sông Hồng) rộng hơn 2.000ha có một sân gofl 336ha, 2 khu biệt thự cao cấp rộng hơn 500ha, khu resort chiếm 350ha, trung tâm đô thị rộng 152ha, casino chiếm 107ha, trường đua ngựa chiếm 144ha... đã được Cty TNHH Thương Mại Quảng cáo Xây dựng địa ốc Việt Hân (chủ đầu tư) giới thiệu tại Hà Nội.

Đầu năm 2011, dự án trên sẽ khởi công, với tổng số vốn đầu tư lên tới 5.800 tỷ đồng. Dự án còn có các dịch vụ tiện ích đi kèm gồm trung tâm triển lãm, khu vực mua sắm để phục vụ khách đến vui chơi nghỉ dưỡng và tham quan du lịch.

Ngoài ra, chủ đầu tư còn dự kiến xây công viên động vật bán hoang dã, công viên vui chơi giải trí tầm cỡ Disneyland cùng khu khách sạn 5 sao kết hợp vui chơi giải trí. Đây là khu đô thị du lịch sinh thái kết hợp dịch vụ vui chơi giải trí lớn nhất miền Bắc tại thời điểm này.

Nhiều nhà kinh doanh cho biết, trong phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, biệt thự, căn hộ hạng trung thu hút các nhà đầu tư hơn cả. Một nghiên cứu mới đây của CBRE cho thấy, nhóm khách hàng quan tâm và có khả năng chi trả cho BĐS nghỉ dưỡng có trị giá 200.000 đến 300.000 USD chiếm khoảng 32%.

Trong khi đó, BĐS trị giá dưới 200.000 USD thu hút tới 61% khách hàng. Tương tự, nhóm nhà đầu tư trong nước, nhóm khách hàng nước ngoài, mặc dù thu nhập hàng năm ở mức cao (60.000 - 80.000 USD) nhưng cũng chỉ có khoảng 27% có nhu cầu và trang trải được cho loại BĐS có giá từ 300.000 đến 400.000 USD. Số còn lại tập trung đầu tư BĐS có mức giá 200.000 - 300.000 USD.

Thận trọng hơn trong chiến lược

Căn hộ du lịch nghĩ dưỡng đã phát triển nhanh chóng và dần trở thành một trong những phân khúc khá hấp dẫn của thị trường BĐS tại các nước phát triển.

Còn tại Việt Nam, hình thức này vẫn là một khái niệm mới, nhưng đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư thời gian gần đây nhờ vào tiềm năng lợi nhuận và những ưu thế vốn có, thông qua hình thức này, ngành du lịch Việt Nam có thể hoàn thiện hạ tầng một cách nhanh nhất để kịp đón đầu lượng khách du lịch quốc tế đến thăm Việt Nam mỗi năm đều tăng mạnh. Bởi vị trí xây dựng dự án là nơi có lợi thế về du lịch, điểm du lịch, thiên nhiên, nhất là biển.

Năm năm kể từ khi có mặt tại Việt Nam, mặc dù mô hình dự án BĐS nghỉ dưỡng đã phát triển khá mạnh, song vẫn đang trong giai đoạn sơ khai. Phát triển BĐS du lịch ở thời điểm này không chỉ để đón đầu xu hướng thị trường mà còn giúp tạo ra việc làm và nhu cầu tiêu dùng cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, đầu tư BĐS nghỉ dưỡng nếu không gắn với quy hoạch tốt và một chiến lược phát triển rõ ràng thì không chỉ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển chung của ngành du lịch mà còn là sự lãng phí đối với những ưu đãi mà thiên nhiên đã dành cho Việt Nam.

DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị