Gần 70% lượng hàng tồn kho nằm ở phân khúc biệt thự, liền kề và đất nền dự án. Dân buôn bất động sản “tay to” cũng chủ yếu bị kẹt vốn ở đây.
Thống kê mới nhất của Bộ Xây dựng cho biết, có đến 62% lượng hàng tồn kho bất động sản nằm ở phân khúc biệt thự, liền kề và đất nền dự án. Trong đó, biệt thự, liền kề chiếm 25%; đất nền dự án chiếm 31% và đất nền thương mại khác chiếm 6%. Tổng lượng hàng tồn kho ở phân khúc này, theo ước lượng của Bộ Xây dựng, tương đương 80.968 tỷ đồng.
Gần 70% lượng hàng tồn kho nằm ở phân khúc biệt thự, liền kề và đất nền dự án
|
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhận định, thống kê trên chưa phản ánh hết quy mô thực sự của lượng hàng tồn kho là biệt thự, đất nền, vì nó chỉ thuần túy dựa trên báo cáo của các sở xây dựng và cũng chỉ có 56/63 sở xây dựng của các tỉnh, thành phố báo cáo về vấn đề này.
Tuy nhiên, câu chuyện sẽ không khó để hình dung khi số biệt thự, liền kề và đất nền tồn kho có thể tìm thấy ở bất cứ đâu tại các dự án xung quanh Hà Nội.
Đơn cử, tại Dự án Khu đô thị Văn Phú do Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest làm chủ đầu tư, hầu hết lô biệt thự, nhà phố của dự án rộng 94,8 ha này đã hoàn thành từ quý I/2012.
Song đến nay, sau hơn 1 năm bàn giao nhà cho khách hàng, có đến 90% trong số 200 biệt thự, nhà liền kề tại đây đang trong tình trạng bỏ hoang.
Nếu tính trung bình, mỗi căn nhà phố tại đây trị giá 10 tỷ đồng, thì đã có ít nhất 1.800 tỷ đồng của giới đầu tư bất động sản bị “kẹt” tại dự án này. Có lẽ, cũng đã đến lúc cơ quan chức năng cần đặt câu hỏi, khoản tiền này là “của ai” và “ở đâu ra” mà lại để lãng phí như vậy(?).
Đất nền và biệt thự xây thô tồn kho nhiều nhất phải kể đến các dự án khu đô thị trên địa bàn huyện Mê Linh. Tại đây, có gần 50 dự án nhà ở, khu đô thị mới, tập trung nhiều tại các xã Tiền Phong, Tráng Việt, Đại Thịnh, Thanh Lâm với các dự án quy mô lớn từ vài chục đến vài trăm héc-ta, như Khu đô thị Minh Giang Đầm Và, Khu đô thị Tiền Phong, Phúc Việt, Hà Phong, Cienco 5, Chi Đông, Diamond Park New, River land, AIC…
Trong đó, hàng chục ngàn nền đất dùng để xây nhà thấp tầng tại các dự án này đang bị bỏ hoang.
Điển hình là Dự án Khu đô thị Quang Minh (huyện Mê Linh) do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Long Việt làm chủ đầu tư. Dự án với hàng trăm biệt thự, nhà liền kề trên diện tích 45 ha này hoàn thành từ cuối năm 2007, nhưng đến nay, hầu hết vẫn không có người ở. Vào thời điểm đó, mỗi căn biệt thự được bán với giá 3 - 5 tỷ đồng.
Tại các khu vực khác, như Khu đô thị Nam An Khánh (huyện Hoài Đức), đất nền đang được rao bán với giá 17,5 triệu đồng/m2; tại Kim Chung - Di Trạch (huyện Hoài Đức) là 17 - 22 triệu đồng/m2, nhưng số giao dịch thành công rất ít.
Tại báo cáo thị trường bất động sản Hà Nội 6 tháng đầu năm 2013, ông Leon Cheneval, Phó giám đốc Công ty CBRE Việt Nam cho biết, thị trường ghi nhận có 70 căn biệt thự tại Khu đô thị Đặng Xá và 153 biệt thự và nhà liền kề ở Khu đô thị Nam An Khánh được chào bán.
Trong khi các dự án hoàn thiện ngày càng nhiều, thì hầu như không có khách hỏi mua, vì cơ sở hạ tầng đi kèm chưa được hoàn thiện. Giá chào bán thứ cấp nói chung vẫn đang trong xu hướng giảm. Mức giá chào bán trung bình tại huyện Mê Linh giảm 30% và huyện Từ Liêm giảm khoảng 20%.
Theo ông Leon Cheneval, khi tình hình kinh tế chưa có nhiều dấu hiệu khả quan, các nhà đầu tư chưa thực sự quan tâm đến phân khúc này, vì vốn đầu tư ban đầu rất cao, trong khi giá thị trường vẫn đang trên đà giảm và tính thanh khoản thấp.
Trong tương lai gần, khi lượng hàng tồn kho vẫn còn vượt xa nhu cầu và điều kiện thị trường không thể có sự thay đổi đặc biệt, giá sẽ tiếp tục giảm hơn nữa, nhất là ở những nơi có cơ sở hạ tầng và các tiện ích không được hoàn thiện đồng bộ.
Tại thời điểm này, giá chào bán trên thị trường đã giảm mạnh, nhưng người mua chưa mua vào. Nguyên nhân do ngày càng có nhiều dự án được hoàn thành, với nhiều mức giá hấp dẫn và người mua có tâm lý chờ giá giảm hơn nữa mới ra quyết định.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: