Ngay cả những đại gia bất động sản cũng bắt đầu “nhỏ nước mắt” vì khan vốn. Mới chưa đầy nửa năm sau ngày Chính phủ hạ lệnh thắt chặt tín dụng, ngay cả các doanh nghiệp “nhà giàu” như Tập đoàn Sông Đà, Tổng công ty Xi măng Việt Nam, Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị... xưa nay vẫn “vỗ ngực” chẳng lo thiếu vốn giờ cũng đã phải lên tiếng cầu cứu.
Nhiều dự án bất động sản đang đứng bên bờ đình trệ do không còn vốn để tiếp tục thi công
|
Cầm hơi
Thay vì thông lệ báo cáo thành tích đã quy hoạch được bao nhiêu khu đô thị, triển khai được bao nhiêu dự án, xây dựng được bao nhiêu mét vuông nhà... như trước đây, cuộc giao ban hồi đầu tuần trước giữa các doanh nghiệp trong ngành với lãnh đạo Bộ Xây dựng đã trở thành diễn đàn để các doanh nghiệp than thở về chuyện thiếu tiền. Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) Lê Văn Chung “mở màn” với giọng điệu thê thiết: “Đi vay lúc này cũng chỉ là để nấu cháo ăn qua bữa, giống như một người sắp chết buộc phải vay thôi”. Ông Chung nói thẳng, lợi nhuận chỉ có vài phần trăm thì lấy đâu ra tiền để trả lãi trên 20%/năm. Thắt chặt tín dụng mà dẫn đến sản xuất đình đốn thì không hợp lý. Nếu siết đến mức các đơn vị sản xuất, kinh doanh đổ bể thì ngân hàng cũng không thể đòi được nợ. Tổng công ty Xi măng là một đơn vị sản xuất thực sự, quanh năm đào đá, xúc đất nhưng lợi nhuận chỉ khoảng 2-3%.
Cũng viện dẫn những con số của doanh nghiệp mình, ông Dương Khánh Toàn, Tổng giám đốc Tập đoàn Sông Đà cho biết, nhiều chỉ tiêu sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm nay thấp hơn hẳn so với kế hoạch, bởi chủ đầu tư các công trình mà tập đoàn này đang thi công cũng kẹt tiền thanh toán, dẫn tới công nợ của Tập đoàn đang ngày một phình ra. Vốn chủ sở hữu của Tập đoàn là 15.600 tỷ đồng, vốn Nhà nước chỉ có 4.600 tỷ đồng, mà hiện nay Sông Đà đã đầu tư 8.000 tỷ đồng. Trong khi đó dở dang công nợ quá lớn, đã lên tới 5.500 tỷ đồng. Riêng tại dự án Thủy điện Lai Châu - công trình trọng điểm của Nhà nước, tổng giá trị thi công của các đơn vị, nhà thầu trong Tập đoàn đã lên tới 1.300 tỷ, nhưng vốn (cả ứng và thanh toán của chủ đầu tư) thì đến nay mới được cả thảy 264 tỷ đồng. Ông Toàn than: “Hai tháng vừa rồi, các đơn vị thi công vẫn chưa được thanh toán một đồng nào. Chúng tôi phải huy động mọi nơi để trả lương cho công nhân. Khả năng chịu đựng của doanh nghiệp có hạn, tình hình hiện rất căng thẳng”.
Chia sẻ với người đồng nhiệm ở Tập đoàn Sông Đà, Tổng giám đốc Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị (HUD) Nguyễn Đăng Nam cho rằng, chưa bao giờ các doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư bất động sản lại khó khăn như thời điểm này. Các doanh nghiệp hiện đang chịu tác động kép, bởi ảnh hưởng tiêu cực từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu còn chưa chấm dứt, thì lại phải đối mặt với lạm phát tăng cao, chi phí xây dựng biến động, việc huy động vốn vào sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh thắt chặt tiền tệ. Ông Nam nói: “Chỉ sau một thời gian ngân hàng siết chặt tín dụng, áp dụng lãi suất ở mức cao thì gần như ngay lập tức chi phí đầu vào của các doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng. Kéo theo đó là tình trạng suy giảm, đóng băng của thị trường bất động sản khiến nguồn vốn huy động từ dân chúng càng khó khăn”.
Cứ “thắt” là... xì
Nhìn lại những gì đã diễn ra, người ta mới càng thấy thấm thía bình luận “thị trường bất động sản Việt Nam, hay nói cách khác là các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam, hiện nay lệ thuộc quá sâu vào hệ thống ngân hàng”. Không có tín dụng từ ngân hàng, nhiều doanh nghiệp chắc chắn không thể trụ được lâu. Gần đây nhất, năm 2010, thị trường cũng đã có giai đoạn ngắn bị đình trệ vì thắt chặt tín dụng. Cụ thể, tại thời điểm 31/7/2010, dư nợ cho vay xây dựng khu đô thị mới tăng trưởng âm 2,35% so với mức tăng trưởng 10,2% của cả năm 2009. Tương tự, dư nợ cho vay xây dựng, sửa chữa, mua nhà để ở chỉ tăng 5,47% so với mức 27,2% của cả năm 2009. Điều này cho thấy, nếu các yếu tố kinh tế vĩ mô không ổn định, lạm phát luôn đứng trước nguy cơ vượt ngưỡng cho phép thì khó có thể tạo dựng được một thị trường bất động sản phát triển bền vững.
Để tháo gỡ khó khăn hiện nay, theo các chuyên gia bất động sản, một mặt, phải khơi thông nhiều kênh vốn khác cho bất động sản như vốn FDI, nguồn tiền nhàn rỗi trong dân... Mặt khác, về lâu dài, cần thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở để hỗ trợ cho người lao động có điều kiện mua nhà, góp phần kích cầu trên thị trường. Đồng thời, phải nghiên cứu thí điểm thành lập Cơ quan tái tài trợ thế chấp và mô hình Quỹ đầu tư tín thác bất động sản để tạo thêm nguồn cung cấp vốn ngoài các tổ chức tín dụng cho thị trường.
Nhận định rằng giai đoạn trước mắt thị trường vẫn tiếp tục phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nhiều chuyên gia cho rằng, chính sách tài chính, tiền tệ cần rất linh hoạt để vừa đảm bảo không tạo ra “bong bóng” trên thị trường, nhưng cũng không thắt chặt đột ngột gây đổ vỡ thị trường trên diện rộng.
Trước mắt, các doanh nghiệp như HUD, VICEM tha thiết kiến nghị với Chính phủ xem xét, đánh giá lại và phân định rõ các lĩnh vực trong “vòng kim cô” phi sản xuất, để từ đó có những chính sách tín dụng phù hợp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng. Ông Nguyễn Đăng Nam đề xuất, Bộ Xây dựng cần tiếp tục làm việc với Ngân hàng Nhà nước để xem xét đưa ra các tiêu chí, điều kiện cho vay đối với các dự án bất động sản đang triển khai dở dang, các dự án xây nhà cho người thu nhập thấp... cũng như quan tâm đến việc cho vay mua nhà đối với các đối tượng khó khăn, đối tượng chính sách trên cả nước. Tập đoàn HUD cũng đề nghị xem xét xây dựng cơ chế cho phép thế chấp dự án hình thành trong tương lai để có cơ sở vay vốn. Hàng loạt doanh nghiệp khác kiến nghị Chính phủ chỉ đạo giảm lãi suất cho vay lẫn huy động để ngăn chặn nguy cơ thua lỗ do chi phí tài chính quá lớn...
Phải nói thêm rằng, hầu hết những đề xuất trên của các doanh nghiệp đã được Bộ Xây dựng gửi tới Ngân hàng Nhà nước hồi cuối tháng 6 vừa qua. Tuy vậy, gần 1 tháng trôi qua, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có câu trả lời. Thay vào đó, một số chuyên gia tài chính - ngân hàng đã lên tiếng cho rằng, bất động sản thực ra chưa tới mức phải giải cứu và không nên bơm thêm vốn ra để cứu các con nợ. Không rõ quá trình “thăm dò dư luận” còn kéo dài tới bao giờ trước khi một quyết định chính thức được Ngân hàng Nhà nước ban hành, gỡ khó cho doanh nghiệp?
DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: