“Thời hoàng kim của bất động sản có ngày tôi kiếm được cả tỷ đồng, khách hàng nhiều vô kể thậm chí còn không có hàng để giao cho khách. Không khi nào tôi ăn cơm ở nhà, mỗi ngày tôi tự thưởng cho được phép hưởng thụ những gì mình làm ra. Còn bây giờ, mọi thứ đều hết, lãi suất ngân hàng cứ đeo bám mãi”, anh Bùi Đình Việt chia sẻ.
Không bằng cấp, kiếm tiền tỷ
Mới 30 tuổi nhưng anh Bùi Đình Việt (quê ở Quỳnh Phụ, Thái Bình, trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) một thời sớm phất lên nhờ bất động sản. Không qua một trường đại học nào về bất động sản, anh Việt chỉ học hết cấp 3 rồi sau đó đi làm tiếp thị chở nước cho hãng nước khoáng Tiền Hải.
Năm 2006, anh Việt chuyển sang làm “cò đất”. Với tài ăn nói trong thời gian đi làm tiếp thị nước, anh Việt nhanh chóng bắt mối với ngành kiếm tiền dễ như mua rau này.
Việt cho biết, thời điểm năm 2006, 2007 nghề môi giới bất động sản chưa phất lắm. Lúc đó anh chỉ đi săn những căn nhà thổ cư để cho khách vào ở sẵn.
Nhà cửa lúc đó đắt đỏ cũng chỉ 2 tỷ nên bán được mỗi căn nhà, chủ nhà cho cò đất 1- 2 %. Tháng đầu tiên Việt đã bán được hai căn ở Minh Khai. Trong nháy mắt anh kiếm được hơn 30 triệu.
"Kiếm tiền dễ nên tôi hăng lắm. Đi lùng nhà như lùng chuột vậy. Cứ chạy hết ngõ ngách này đến ngõ ngách khác, có ai rao bán nhà là vào đăng ký ngay", Việt nhớ lại.
Giờ anh Việt ngày ăn cơm bố mẹ nấu, đi xe Dream của bố và phụ mẹ phơi thóc
|
Sang năm 2008, lúc đó mới 26 tuổi nhưng Việt đã có cả tỷ đồng. Dù vào thời điểm đó, thị trường bất động sản gặp khó khăn, kiếm ăn khó hơn nhưng Việt vẫn có tiền và đủ tiền tiêu xài.
Hàng tháng, anh gửi về quê cho bố mẹ vài triệu đồng để chi tiêu, mang tiền về quê xây nhà và tự mua cho mình một con xe Lacetti chạy vi vu.
“Chưa bao giờ mình nghĩ một thằng chẳng có bằng đại học như mình lại kiếm tiền dễ như thế. Đến đầu năm 2009, bất động sản khởi sắc hơn, lúc này không chỉ còn bán đất thổ cư nữa mà anh lấn sân sang bán đất dự án.
Bán đất dự án vừa nhàn vừa dễ kiếm tiền, đỡ phải dẫn khách đi xem. Mỗi tháng anh cũng kiếm được 2,3 hợp đồng nhàn tênh. Ai cũng bảo anh có duyên với nghề cò từ cò nước giờ sang cò đất”.
Theo lời anh Việt kể, có lúc anh chẳng nhớ nổi mình có bao nhiêu tiền nữa. Về quê nhìn thấy con cháu nhà các anh chị, rút ra cho chúng 1, 2 triệu là bình thường.
Bạn bè đứa nào lên Hà Nội chơi cũng gọi cho anh để đi giải ngố. Từ những nhà hàng, quán bar hay bất cứ nơi nào đắt đỏ sang trọng nhất của thủ đô anh đều vào.
“Mình kiếm ra tiền thì phải hưởng thụ chứ. Lúc đó tôi chẳng nghĩ đến chuyện vợ con hay mua nhà Hà Nội đâu. Tôi nghĩ mình chỉ kiếm tiền rồi sẽ xây cho mình căn biệt thự ở quê sống yên ổn nên có bao nhiêu tiền anh chỉ dồn vào đầu tư và ăn chơi”.
Sang năm 2010, Việt tách hẳn ra mở văn phòng tư vấn nhà đất do anh trực tiếp làm chủ. “Ban đầu định mở công ty nhưng mắc về chuyện pháp lý và vốn nên tôi nghĩ mở tạm văn phòng rồi dùng mối quen và vốn của mình lướt sóng cho êm, sang năm mở công ty”.
Văn phòng của anh Việt mở tại đường 32, các dự án anh Việt chạy chủ yếu ở khu vực Từ Liêm, Hoài Đức và một số dự án chung cư của tập đoàn lớn.
Ngoài buôn bán bất động sản, anh Việt còn móc nối với các hãng ô tô để bán hàng nên thu nhập càng khủng hơn.
Còn đâu thời cho thiên hạ hít bụi
Bước sang năm 2011, kinh tế khó khăn, bất động sản đi vào thời kỳ ế ẩm rồi đóng băng. Hàng loạt dự án văn phòng anh Việt đang chạy bỗng dưng ngưng trệ.
Có những dự án anh nhảy vào gom hàng có giá 40 triệu/m2 cũng đành rơi vào cảnh khóc dở.
Anh Việt hãi hùng nhớ lại những ngày bị tiền nợ săn đuổi: "Từ tháng 4/2011, văn phòng tôi chết hẳn, trong khi ngân hàng đòi vốn. Chỉ trong vòng 2 tháng, từ 65 kg tôi tụt xuống còn 57 kg. Tiền thuê văn phòng mỗi tháng 14 triệu và tiền lãi suất ngân hàng hơn 40 triệu. Đến cuối tháng 7/2011, không chịu được nhiệt tôi sát nhập văn phòng với đối tác để mong qua ngày khó khăn".
Tuy nhiên, các dự án nhà cửa đến đợt xuống vốn cộng với hàng không bán được nên Việt không còn cửa nào chạy. Giá căn hộ ở Xa La mua vào 21 triệu đến khi bán ra chỉ còn 16 triệu, các công ty cạnh tranh nhau mua 35 triệu bán 28 triệu không có người mua.
Nhiều tỷ anh Việt có cứ ngày càng bỏ anh mà đi. Vốn là khách quen của mấy nhà hàng, anh chuyển sang ăn cơm bụi. Không còn tiền cho bố mẹ khoán cấy, khoán gặt ở quê, anh đành để bố mẹ ra đồng làm. Thậm chí, mảnh đất ở quê cũng bị anh cắm ngân hàng vay lấy tiền cầm cự qua giai đoạn khó khăn. Chiếc xe ô tô là niềm tự hào của anh cũng đành bán để lấy tiền trả ngân hàng.
Nhớ lại hình ảnh “công tử Bạc Liêu” một thời của mình, anh Việt tiếc nuối: “Cái thời mình vi vu ô tô về làng phóng qua mọi người ai cũng liếc mắt trầm trồ cái thằng đó thế mà giỏi. Về quê trong thùng xe lúc nào cũng có vài két bia xịn, rượu xịn. Tết về nhà mừng tuổi tiền trăm, đến tết vừa rồi đành đắp chăn đi ngủ”.
"Ngày ấy, tôi có sở thích phóng xe ô tô thật nhanh chạy ở đường làng. Xe càng chạy nhanh đường càng bụi, càng thích. Đến bây giờ, xe cũng chẳng có đi, về quê đi bằng xe khách mà thấy mình ngày trước thật ngốc”, Việt chua chát.
Nói về vận hạn cơ hội trong buôn bán, Việt chỉ chép miệng: “Anh hùng thời nước đục mà em, đến bây giờ chính sách ổn định hơn, những kiểu anh hùng như anh khó phất lại như ngày trước lắm”.
Khác với cái vẻ một tuần thay người yêu một lần, đầu tóc bóng bẩy, lái xế hộp đi chơi, quần áo đồ hiệu hiện giờ anh Việt đành đóng cửa văn phòng về quê “nghỉ dưỡng” chờ cơ hội làm giàu lần hai.
Việt bảo, cuộc sống của anh bây giờ cứ đều đều: “Mỗi tối đi ngủ từ 8h, ăn cơm bố mẹ nấu, đi xe Dream của bố và phụ mẹ phơi thóc, thấy cuộc đời thanh thản nhưng cũng tiếc không biết đến bao giờ trở lại cái thời ăn suất cơm tiền triệu”.
DiaOcOnline.vn - Theo Phunutoday
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: