Top

Đã chốt phương án thiết kế cầu Cần Giờ

Cập nhật 05/03/2019 15:31

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến vừa ký quyết định phê duyệt kết quả tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Cần Giờ.

Cầu Cần Giờ sẽ thay thế cho phà Bình Khánh, kết nối huyện Cần Giờ với trung tâm thành phố và các khu vực lân cận

Theo đó, phương án được chọn là cầu dây văng 1 trụ tháp với ý tưởng kiến trúc cây cầu phác họa hình tượng cây đước - đặc trưng của huyện Cần Giờ, sử dụng lan can hình tượng sóng biển, các trụ đèn chiếu sáng tạo nên hiệu ứng rừng đước khi đi qua cầu, đồng thời thiết kế chiếu sáng nghệ thuật cho cầu.

Với tổng chiều dài tuyến đường khoảng 7,41 km, cầu Cần Giờ được xây dựng sẽ thay thế cho phà Bình Khánh, kết nối huyện Cần Giờ với trung tâm thành phố và các khu vực lân cận, hình thành tuyến kết nối giao thông trực tiếp với khu vực ven biển phía nam thành phố. Điểm đầu cầu nằm tại nút giao giữa đường 15B với Đường số 2 - Khu đô thị Phú Xuân, huyện Nhà Bè. Điểm cuối cầu kết nối vào đường Rừng Sác tại điểm cách bến phà Bình Khánh khoảng 1,8 km về phía nam, thuộc xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ.
Cần Giờ có khu dự trữ sinh quyển là lá phổi của TP.HCM-NGỌC DƯƠNG

Cầu Cần Giờ vượt qua sông Soài Rạp, tại khu vực hạ lưu phà Bình Khánh hiện hữu, nối từ huyện Nhà Bè sang huyện Cần Giờ. Hướng tuyến trùng với đường 15B, vượt đường Nguyễn Bình, huyện Nhà Bè, sau đó vượt sông Soài Rạp sang huyện Cần Giờ, sau khi vượt sông, hướng tuyến rẽ sang hướng đông, đi song song với đường dây điện 220KV, tiếp tục vượt sông Chà và kết nối với đường Rừng Sác.

Quy mô, các thông số của công trình sẽ được tiếp tục nghiên cứu phù hợp với định hướng điều chỉnh quy hoạch huyện Cần Giờ và có thể được điều chỉnh khi có căn cứ xác đáng.

Cầu Cần Giờ là yếu tố quan trọng nhất tác động đến sự phát triển của du lịch biển Cần Giờ. Cuối tháng 9.2015, Công ty cổ phần đô thị du lịch Cần Giờ đã đề xuất xây cầu Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh hiện tại để kết nối giao thông thuận tiện từ trung tâm của TP. Tuy nhiên, vị trí xây cầu mà nhà đầu tư đề xuất lại không nằm trong quy hoạch giao thông nên TP phải chờ lấy ý kiến các sở, ngành rồi trình Thủ tướng xem xét.

Phải gần 1 năm sau, đến tháng 8.2016, Thủ tướng mới đồng ý chủ trương, giao Bộ GTVT rà soát, bổ sung dự án này vào Quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 để làm cơ sở triển khai. Và đến ngày 9.5.2017, Văn phòng Chính phủ mới chính thức có văn bản đồng ý cho TP.HCM xây dựng cầu Cần Giờ cùng 2 công trình khác.

DiaOcOnline.vn – Theo Thanh niên