Năm 2012 được coi là năm khó khăn nhất của thị trường bất động sản. Theo dự báo của CBRE, xu hướng bán lại dự án sẽ tăng trở lại và thị trường chỉ hồi phục khi có lại niềm tin.
Theo TS Trần Kim Chung, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương lại đưa ra phân tích về 3 kịch bản cơ bản của thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm 2012. Kịch bản thứ nhất là thị trường tiếp tục ở đáy và không có triển vọng gì tốt đẹp (đây là khả năng ít xảy ra nhất nhưng không phải không thể xảy ra). Kịch bản thứ hai là thị trường sẽ đi lên vào quý III và tốt lên vào quý IV (kịch bản này được mong muốn nhất và có thể xảy ra, tuy xác suất không lớn). Kịch bản thứ ba là thị trường “chọn lọc” doanh nghiệp với việc triển khai hoàn thành dự án. Bên cạnh đó, một số dự án, một số doanh nghiệp sẽ buộc phải rời khỏi thị trường. Theo đánh giá của TS Trần Kim Chung, kịch bản thứ ba có xác suất hiện thực cao nhất.
Ở một khía cạnh khác, các chuyên gia kinh tế nhận định rằng nhu cầu thực về nhà ở của người dân còn lớn nên đây chính là yếu tố để thị trường bất động sản phải chuyển hướng, tìm lối đi lên. Khi đó, thị trường này sẽ khắc phục những nhược điểm trước kia, phát triển chậm lại, sát với nhu cầu thực tế.
Hiện nay, thị trường bất động sản đang tồn tại một nghịch lý, trong khi hàng “tồn” thì rất nhiều nhưng không đáp ứng được nhu cầu cho người dân. Trong khi đó doanh nghiệp muốn bán sản phẩm nhưng người mua khó tiếp cận được bởi giá nhà vẫn vượt quá khả năng chi trả. Nghịch lý này trùng hợp với nghiên cứu của CBRE cho thấy, 86% người mua có nhu cầu mua nhà đất, căn hộ mức giá dưới 5 tỷ. Tuy nhiên, người mua đã thay đổi mục đích sử dụng khi chuyển từ đầu cơ, tích cóp bất động sản sang mua để cho thuê và để ở. Trong khi đó, nguồn cung ra thị trường có tới trên 70% nhà đất, căn hộ có mức giá trên 5 tỷ đồng, còn lại 30% số nguồn cung ra thị trường có giá trị dưới 5 tỷ hầu hết là những nhà đất, căn hộ chưa hoàn thiện.
Nói về vấn đề cung – cầu chưa gặp nhau trong giao dịch bất động sản giai đoạn trầm lắng này, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, hiện thị trường hoàn toàn thuộc về khách hàng có nhu cầu thực, nên chủ đầu tư phải tiếp tục giảm giá đến một điểm cân bằng giữa cung và cầu thì mới bán được hàng.
Nhận định về thị trường BĐS trong giai đoạn tới, tại một hội thảo tổ chức cuối tháng 9, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam phân tích, trước mắt, thị trường BĐS vẫn gặp nhiều khó khăn chưa thể sôi động ngay được. Tuy nhiên, khi Nhà nước có sự điều chỉnh chính sách tín dụng linh hoạt, lãi suất ngân hàng tiếp tục giảm thêm, dòng tiền được hướng vào các phân khúc thị trường có tính thanh khoản cao, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người mua nhà... thì tình hình thị trường sẽ ấm dần lên, tạo đà phát triển cho những năm sau.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang chủ động đôn đốc các địa phương nghiêm túc rà soát các dự án phát triển nhà ở, các dự án khu đô thị mới để phân loại các dự án cho phép tiếp tục triển khai, dự án nào cần tạm dừng, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó Ngân hàng nhà nước Việt Nam cũng sẽ phối hợp rà soát, tiếp tục cho vay đối với các dự án bất động sản sẽ hoàn thành và có khả năng bán, thu hồi vốn đầu tư trong năm 2012.
Nhằm kích cầu mua nhà, Bộ Xây dựng cũng đang đề xuất với Ủy ban Kinh tế Quốc hội giảm 50% thuế GTGT đối với các hộ gia đình, cá nhân khi mua nhà ở chung cư thương mại bình dân có diện tích căn hộ nhỏ hơn 90m2, giá bán dưới 20 triệu đ/m2 và mua lần đầu để ở. Đồng thời chuẩn bị đưa giải pháp cho phép xây dựng nhà ở có diện tích nhỏ vào dự thảo Nghị định trình Chính phủ phê duyệt để thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đẩy mạnh lĩnh vực nhà ở cho thuê nhằm phát triển nhà ở bền vững và dài hạn… Đây chính là những yếu tố góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường này trong thời gian tới.
DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: