Địa ốc Hà Nội khép lại một năm đầy thăng trầm với hàng loạt cuộc đối đầu trong lĩnh vực nhà đất. Chủ đầu tư cương quyết không nhượng bộ, khách hàng cũng không chịu thỏa hiệp khiến quan hệ 2 bên càng căng thẳng.
Mới đây, hàng chục nhà đầu tư đã biểu tình phản đối chủ đầu tư là Công ty Đầu tư hạ tầng và đô thị Viglacera, chủ đầu tư dự án Xuân Phương (Từ Liêm). Theo phản ánh của khách hàng, vào năm 2007, chủ đầu tư đã ký công văn bán nhà cho cán bộ nhân viên với giá chuyển nhượng đất là 8 triệu đồng một m2 và đơn giá hoàn thiện là 3,5 triệu đồng. Số tiền huy động vốn tối thiểu là 20% giá trị một căn nhà tương đương 330 triệu đồng với lãi suất 0,8% mỗi tháng và hạn vay trong vòng 6 tháng. Người đăng ký mua căn hộ có vốn góp huy động sẽ được ưu tiên chọn hướng và vị trí lô đất phù hợp.
Anh Trần Hữu Sử một nhà đầu tư cho biết, năm 2007, anh đã bỏ tiền mua 2 lô đất liền kề thuộc dự án này với mức giá chênh là 2 tỷ đồng. Sau 5 năm bặt vô âm tín, đến cuối tháng 10, anh cùng nhiều nhà đầu tư nhận được thông báo thanh lý sổ tiết kiệm và mức giá bán đất mới được công ty đưa ra là 34-40 triệu đồng một m2 và tiền xây dựng 9,3-10,8 triệu đồng một m2 xây dựng. "Như vậy, giá nhà đất đã tăng lên tới 3-4 lần, nhà đầu tư chung vai sát cánh cùng chủ dự án cuối cùng lại chịu thiệt", anh Sử cho hay.
Thời kỳ lướt sóng kiếm lời hàng trăm thậm chí hàng tỷ đồng đã qua. Ảnh minh họa: Hoàng Lan |
Tương tự, hơn chục nhà đầu tư mua dự án biệt thự trong khu Villa 1 của dự án Hillstate (Hà Đông) Hà Nội cũng tố chủ đầu tư ép khách nhận nhà khi chưa hoàn thiện đầy đủ. Chị Nguyễn Thị Mai Hoa, đại diện nhà đầu tư cho hay, chị mua hai căn biệt thự rộng 180 m2 với giá khoảng 400.000 đôla mỗi căn. Theo chị Hoa, chủ đầu tư đã chậm bàn giao nhà trong 2 tháng và còn ép khách nhận nhà trong điều kiện "mặt ngoài ngôi nhà chưa trát xong, các cửa sổ, cửa chính chưa có khóa, nhà phân chia ranh giới".
Chưa hết, chị Hoa còn tố chủ dự án đã cố tình quy tỷ giá USD hai lần để hưởng chênh lệch. Lần đầu, số tiền nộp phạt đóng chậm được quy đổi vào thời điểm đến hạn đóng từ USD ra VNĐ để tính lãi suất VNĐ cao và đến ngày khách đóng tiền thực tế lại ép khách quy USD lần nữa để thu lời. "Số tiền chênh lệch tỷ giá đóng cho hai căn hộ đã lên tới hơn 230 triệu đồng, một con số quá cao", chị Hoa cho hay.
Hơn 5 tháng sau khi bị Ngân hàng Nhà nước tuýt còi, chủ đầu tư mới chịu quy đổi từ đôla sang tiền Việt. Trong thư phúc đáp khách hàng, chủ đầu tư khẳng định, công ty đã chuẩn bị một phụ lục hợp đồng cho việc chuyển đổi toàn bộ giá trị hợp đồng sang cùng kỳ thanh toán từ đôla sang tiền Việt theo quy định Nhà nước từ 7/10. Bác lại quan điểm này, phía khách hàng khẳng định, chủ đầu tư phải bồi hoàn lại toàn bộ số tiền chênh lệch tỷ giá trong suốt gần 2 năm qua.
Mâu thuẫn không chỉ bùng phát ở các dự án liền kề, biệt thự mà nổ ra ở ngay cả chung cư. Cuối năm, mâu thuẫn giữa chủ đầu tư TSQ và khách hàng lại căng thẳng khi công ty bất ngờ đưa ra thông báo sẽ nhượng bộ cho những khách hàng không phát đơn khởi kiện chủ đầu tư. Theo đó, chỉ những khách hàng chấp nhận nộp tiền chênh lệch tỷ giá sẽ được ưu tiên giãn tiến độ đến giữa tháng 6 năm sau và giảm 25% số tiền phát sinh chênh lệch tỷ giá. TSQ khẳng định, khách hàng không ký phụ lục hợp đồng tiền chênh lệch tỷ giá và những trường hợp có phán quyết của Tòa án sẽ không được hưởng ưu đãi tại chênh lệch tỷ giá và giãn tiến độ đóng tiền.
Thông điệp TSQ đưa ra được những người phát đơn khởi kiện chủ đầu tư coi như một lời tuyên chiến. Những khách hàng này khẳng định "sẽ tiếp tục theo vụ kiện đến cùng, bất chấp mọi biến cố".
Ông Đào Đình Thi, Phó tổng giám đốc Viglacera khẳng định, trong bối cảnh thị trường khó khăn, dù rất muốn đẩy nhanh tốc độ song do nhiều lý do bất khả kháng nên chủ đầu tư không thể thực hiện đúng cam kết. Và theo ông, khi địa ốc trầm lắng, nhà đầu tư bức xúc là dễ hiểu, nhưng doanh nghiệp cũng ở thế bí. Ông Thi phân trần, theo quyết định của thành phố Hà Nội, đơn giá sử dụng đất thời điểm 2007 đối với dự án Xuân Phương chỉ là 3 triệu đồng mỗi m2. Tuy nhiên, đến ngày 2/12/2011, Hà Nội đã ban hành quyết định 5639 phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất tại dự án này là 15 triệu đồng mỗi m2, tức tăng 5,1 lần so với quy định trước đó.
Thêm vào đó, chủ đầu tư cũng mất hàng loạt chi phí phát sinh như bỏ 150 tỷ đồng để di dời các nhà máy, làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng của khu đất, chi phí lãi vay... Từ năm 2007 - 2011 giá cả vật liệu trên thị trường biến động mạnh, đã tăng khoảng 1,64 lần, giá tiền lương, chi phí nhân công tăng khoảng 1,96 lần. Lãnh đạo Viglacera khẳng định, để chia sẻ với khó khăn của cán bộ, nhân viên đã cho Tổng công ty vay tiền, chủ đầu tư sẽ xem xét giãn tiến độ thu tiền xây dựng và sẽ hoàn thiện nhà ở trước cho cán bộ, nhân viên nào có nhu cầu. “Trường hợp không có nhu cầu mua nhà tại dự án hoặc từ chối đăng ký mua nhà tại thời điểm này, công ty sẽ hoàn trả lại số tiền cộng lãi suất như hai bên đã thỏa thuận”, ông Thi nói.
Ông Phạm Trung Hà, Tổng giám đốc Hòa Phát Land nhận định, trong điều kiện thị trường rơi vào cảnh khó khăn, không thể lướt sóng thu hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng tiền chênh thì nhà đầu tư và chủ đầu tư đều "kỹ tính" hơn. Họ không dễ dàng bỏ qua cũng như xuề xòa mua bán như thời kỳ địa ốc sôi động. Trước đây, người dân phải xếp hàng dài, nhờ mối quan hệ để mua nhà đất thì nay hàng loạt dự án giảm giá, vai trò của người mua được đổi chiều. Khách hàng có quyền lựa chọn nhiều hơn, nhờ vậy, họ biết đứng lên để tự bảo vệ quyền lợi cho mình.
Tuy nhiên, theo ông Hà, trong kinh doanh, đặc biệt là đầu tư bất động sản, chuyện lỗ lãi, rủi ro là điều khó tránh khỏi. "Bởi khi khó khăn thì cả nhà đầu tư và chủ dự án đều có nỗi khổ riêng. Điều quan trọng là cùng chia sẻ khó khăn, giảm bớt lợi nhuận kỳ vọng để chung tay phát triển dự án, thay vì việc phải mang nhau ra tòa", ông Hà nói.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: