Top

Cùng địa ốc vượt sóng

Cập nhật 30/08/2013 11:13

Thị trường bất động sản (BĐS) được tái cấu trúc với hàng loạt chính sách mới: mở cửa cho người nước ngoài mua nhà; cho phép chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, gói hỗ trợ 30.000 tỷ của Chính phủ cũng được tung ra lãi suất mềm 6%/năm cho cả doanh nghiệp (DN) và người có nhu cầu mua nhà thực. Những động thái đó làm thị trường BĐS ấm lên.

Khởi động mới

Nổi bật và đình đám trên thị trường BĐS trong 3 tháng vừa qua là triển khai gói tín dụng hỗ trợ nhà ở của Chính phủ với sự tham gia nhập cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương DN và cả người dân.

Các  chuyên gia BĐS cũng khẳng định, thị trường BĐS đang diễn biến theo chiều hướng thuận lợi cho các DN khởi động lại hoặc tăng tốc cơ cấu sản phẩm. Ngoài việc hỗ trợ lãi suất mềm khi tiếp cận gói tiền 30.000 tỷ các DN còn được đón nhận hàng loạt tin vui mới: Tất cả người nước ngoài có visa vào cư trú Việt Nam từ 3 tháng (90 ngày) trở lên có thể được mua, sở hữu nhiều nhà dài hạn tại Việt Nam. Đối tượng mua, kinh doanh nhà ở Việt Nam mở rộng tới các DN có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh DN nước ngoài, văn phòng đại diện các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành khẳng định, đây cũng là một giải pháp để giải phóng hàng tồn kho BĐS.

Thực tế trong nửa năm đầu 2013 và thời gian hiện nay nhiều DN đang nỗ lực  cùng cơ quan quản lý cấu trúc lại thị trường. Hiện toàn quốc đã có 50 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, với quy mô xây dựng khoảng 34.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng. Tại TP Hà Nội, số dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội là 21 với quy mô xây dựng khảng 11.400 căn, có tổng mức đầu tư khoảng 9.000 tỷ đồng. Tại TP. Hồ Chí Minh cũng đã có 24 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 14.800 căn với tổng mức đầu tư khoảng 8.800 tỷ đồng,

Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu tiếp tục hướng dẫn việc điều chỉnh cơ cấu các dự án phát triển nhà ở. Đặc biệt, liên ngành cần nghiên cứu cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nhà ở để cho thuê, chuyển đổi dự án nhà ở để bán sang dự án nhà ở cho thuê, ban hành quy định, hướng dẫn để các hộ dân đầu tư xây dựng nhà ở cho thuê, bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng.

Cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh các chương trình pháp triển nhà ở khác của Chính phủ, nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý và phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, cải tạo các chung cư cũ; xây dựng công trình văn hóa, cơ sở phúc lợi xã hội cho công nhân, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp tập trung.

Vực dậy niềm tin

Hiện tại, loại căn hộ với diện tích nhỏ, giá rẻ vẫn đang dẫn dắt thị trường, là sản phẩm có nhu cầu rất lớn hiện nay. Thực tế cho thấy, hầu hết các dự án này tung ra thị trường là hết hàng. Bên cạnh đó, việc các ngân hàng thương mại hạ lãi suất huy động, nhiệt tình hơn trong việc cho vay mua nhà ở, tâm lý nhà đầu tư tin tưởng hơn vào thị trường, nguồn vốn cho thị trường bớt căng thẳng, thị trường BĐS tại các thành phố lớn đã bắt đầu khả quan. Các DN đã tích cực, chủ động hơn trong việc đề xuất các giải pháp bán hàng, giao sản phẩm căn hộ xây thô để khách hàng tự hoàn thiện...

Trong khi đó, các ngân hàng tham gia giải ngân gói 30.000 tỷ đồng cũng cho biết, nhiều khách hàng cá nhân đến tìm hiểu về gói hỗ trợ. Khẳng định với Đại Đoàn Kết, GS.TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, thị trường BĐS đang được định hướng đúng.

Thị trường địa ốc đang dần sáng lên nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Việc các DN đưa ra đa dạng các loại sản phẩm chất lượng và người dân chủ động tìm đến các dự án phù hợp túi tiền, đang tạo ra điều kiện cần và đủ để vực dậy niềm tin thị trường vốn đã rất nguội lạnh này.

DiaOcOnline.vn - Theo Đại đoàn kết