Top

Cứ khó khăn lại xin... giải cứu

Cập nhật 15/08/2011 10:40

Chỉ trong vòng chưa đến 2 tháng, đã có rất nhiều hội nghị, hội thảo bàn về những khó khăn của thị trường BĐS. Tinh thần chung của những hội thảo, hội nghị này là kêu khó cho các DN BĐS và những DN trong các ngành nghề liên quan.

Trong khi đó, lại có những luồng quan điểm khác cho rằng nên để thị trường tự điều chỉnh, tự lành mạnh hóa đưa giá nhà đất trở về giá trị thực để giải quyết vấn đề bức xúc nhà ở cho đại bộ phận người dân. Vấn đề đặt ra liệu có nên cứu thị trường BĐS hay không? Trong hội thảo “Những giải pháp khơi thông thị trường BĐS hướng tới an sinh xã hội” do Hiệp hội BĐS TPHCM (Horea) tổ chức mới đây, một lần nữa điệp khúc kêu gọi cứu thị trường BĐS lại vang lên.

Khó khăn nhất từ trước tới nay

Mở đầu hội thảo, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Horea - đã có phần trình bày một bản kiến nghị dài 5 trang A4 đề xuất một loạt các giải pháp nhằm kêu gọi tháo gỡ khó khăn cho các DN BĐS. Theo ông Lê Hoàng Châu, chưa bao giờ thị trường BĐS lại khó khăn như hiện nay. Do chính sách thắt chặt tiền tệ nên ngành BĐS hiện rơi vào tình thế vô cùng khó khăn. Giá vốn đầu vào, chi phí vốn tăng, DN và người mua nhà không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Mặt khác, sản phẩm làm ra bán không được đã khiến nhiều DN có nguy cơ phá sản.

Ông Lê Hoàng Châu dẫn chứng: “6 tháng đầu năm 2011, toàn TP chỉ có 5 dự án được khởi công, thấp nhất từ trước đến nay. Các DN chỉ cung ứng được gần 1.700 căn hộ, phần lớn là căn hộ giá thấp”.

Ông Lê Hoàng Châu cho biết thêm: “Dự báo sáu tháng cuối năm 2011 có khả năng nhiều DN BĐS phải đóng cửa, phá sản. Hiện hầu hết các DN BĐS phải tái cấu trúc, điều chỉnh cơ cấu đầu tư, giảm tiến độ hoặc hoãn triển khai một số công trình, thực hiện nhiều giải pháp bán hàng như tăng chiết khấu, hỗ trợ vốn vay...”. Bên lề hội thảo, nhiều DN sản xuất VLXD, thép thì cho biết hiện đang phải sản xuất cầm chừng. Có nơi công nhân nghỉ luân phiên...

Về nguyên nhân, theo ông Lê Hoàng Châu là do mặt bằng lãi suất quá cao, mặc dù lãi suất cao nhưng cả DN và người mua nhà đều khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Một nguyên nhân khác, do sức mua trên thị trường nhà ở sụt giảm mạnh và tâm lý chờ đợi giảm giá thêm. Về phía các DN, hiện đang đứng trước áp lực lớn trả lãi vay, đáo nợ nay và nhu cầu vốn để tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn tất các công trình...

Thị trường BĐS hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Quỳnh Mai

Đề nghị giải cứu

Từ thực tế khó khăn của đại bộ phận DN, Horea kêu gọi các bộ ngành chủ quản cần có những giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Theo đó, việc giải cứu thị trường BĐS dựa trên 2 nhóm giải pháp căn bản là tín dụng và cải cách thủ tục hành chính. Về nhóm giải pháp tín dụng, Horea đề nghị Chính phủ có lộ trình giảm dần lãi suất và tạo điều kiện cho một số dự án BĐS được vay vốn tín dụng NH.

Mặt khác, đề nghị không xếp BĐS vào nhóm dịch vụ phi sản xuất mà vào ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện. Phân biệt DN BĐS và dự án BĐS để cung cấp tín dụng, nhất là các dự án nhà ở cho thuê hoặc bán cho người có thu nhập trung bình, hoặc DN làm ăn hiệu quả... Đặc biệt cần giảm dần lãi suất cho vay xuống mức 15-16% trong tương lại ngắn và trong dài hạn nên duy trì lãi suất khoảng 11-12%/năm... Ông Đặng Đức Thành - TGĐ CTCP đầu tư Căn nhà Mơ ước - kiến nghị: “Trong khi chờ điều chỉnh của hệ thống NH cho ngành kinh doanh BĐS vay theo phương thức mới, nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, đề nghị Chính phủ và ngành NH đồng ý duy trì các khoản vay cũ của DN trong thời hạn một năm để DN có thời gian điều chỉnh cơ cấu tài chính DN, kể cả thời gian xử lý chuyển đổi sang nhượng dự án... Ngành NH cho NĐT cá nhân vay dài hạn mua nhà để ở đây là biện pháp tốt nhất tạo tính thanh khoản cho tín dụng BĐS”.

Đề nghị này của ông Đặng Đức Thành được nhiều DN tán đồng. Trước đó, ngày 2.8, UBND thành phố cũng có một văn bản gửi Bộ Xây dựng báo cáo tình hình thị trường BĐS TPHCM. Trong văn bản này, UBND thành phố cũng có chung nhận định về tình hình thị trường BĐS trong thời điểm hiện tại với Horea cũng như đề xuất một số giải pháp để làm lành mạnh thị trường.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động