“Trong thời gian qua, hoạt động công chứng đã góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa tranh chấp, vi phạm pháp luật trong việc giao kết những hợp đồng về bất động sản” - bà Đỗ Hoàng Yến, Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp khẳng định.
Bà Đỗ Hoàng Yến - Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp
|
Mang lại lợi ích cả về pháp lý và kinh tế
*
Là đơn vị giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lĩnh vực bổ trợ tư pháp, trong đó có hoạt động công chứng, bà đánh giá thế nào về hiệu quả hoạt động công chứng đối với các giao dịch về bất động sản trong thời gian vừa qua?
- Hiện chưa có tổng kết đánh giá toàn diện về hiệu quả của việc công chứng đối với các giao dịch về bất động sản nhưng qua các tổng kết của một số ngành chuyên môn, các nhóm xã hội và ý kiến trên các diễn đàn khác nhau của cá nhân, tổ chức là đối tượng thụ hưởng dịch vụ công chứng, có thể khái quát sơ bộ hai nét cơ bản, đặc trưng bao trùm nhất thể hiện hiệu quả hoạt động công chứng đối với các giao dịch về bất động sản trong thời gian vừa qua như sau:
Thứ nhất: việc công chứng các giao dịch về bất động sản mang lại lợi ích cho các bên không chỉ về pháp lý mà còn về kinh tế, thương mại trong một xã hội dân sự, cụ thể như các hoạt động kinh tế, thương mại không bị ảnh hưởng, thậm chí là bị phá sản do những hợp đồng, giao dịch mà trong quá trình giao lưu dân sự, thương mại tiềm ẩn những rủi ro do không được công chứng.
Thứ hai: từ mục tiêu chính của hoạt động công chứng mà pháp luật đã quy định là chứng nhận các hợp đồng, giao dịch về bất động sản theo đó công chứng viên là người thay mặt nhà nước kiểm soát các giao dịch này nên tất cả các giao dịch về bất động sản không bị lọt lưới, điều đó cũng có nghĩa là hạn chế nhiều thất thu thuế cho Nhà nước, thị trường bất động sản không bị mất ổn định, các tranh chấp, khiếu kiện ít xảy ra, giảm gánh nặng cho Toà án. Đây là hiệu quả khá rõ có tác động tích cực đến quản lý Nhà nước và duy trì trật tự xã hội.
Khác nhau về độ an toàn pháp lý
*
Về độ an toàn pháp lý, giữa các giao dịch về bất động sản được công chứng, chứng thực và các giao dịch về bất động sản không được công chứng, chứng thực có sự khác nhau như thế nào?
- Pháp luật hiện hành từ Bộ luật Dân sự đến các luật chuyên ngành như Luật Đất đai, Luật Nhà ở... có quy định một số hợp đồng về bất động sản như mua bán chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn v.v... bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực.
Rõ ràng các giao dịch về bất động sản được công chứng, chứng thực khác với các giao dịch về bất động sản không được công chứng, chứng thực.
Thứ nhất: về mặt quy định của pháp luật, thì các giao dịch về bất động sản được công chứng, chứng thực sẽ đảm bảo về hình thức theo quy định, một trong những điều kiện để giao dịch đó tiếp tục được các cơ quan có thẩm quyền thực hiện các bước tiếp theo.
Thứ hai : các giao dịch về bất động sản được công chứng, chứng thực là chứng cứ chứng minh về pháp lý là các bên có tham gia các giao dịch đó.
Đối với công chứng, thì Luật Công chứng quy định văn bản công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Toà án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thoả thuận khác.
Văn bản công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong văn bản công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Toà án tuyên bố là vô hiệu. Hợp đồng được công chứng là hợp đồng đã được các “thẩm phán hợp đồng” tức là các công chứng viên xác nhận, an toàn hơn nhiều so với các hợp đồng không được công chứng.
Thủ tục công chứng không có gì phiền hà
*
Theo đánh giá của bà, việc yêu cầu bắt buộc người dân phải công chứng, chứng thực các giao dịch về bất động sản có gây thêm phiền hà hoặc tốn kém cho người dân không?
- Như trên tôi đã nói, hiệu quả công chứng, chứng thực mang lại là rất lớn nhưng tôi xin nói ngay về thủ tục không có gì phiền hà. Với tinh thần xã hội hoá hoạt động công chứng, Luật Công chứng 2006 đã đổi mới rất nhiều so với nghị định trước đây thể hiện cả về tổ chức và hoạt động. Về tổ chức, việc phủ sóng tổ chức hành nghề công chứng trên toàn quốc đã và đang được thực hiện mạnh mẽ.
Về hoạt động, các thủ tục, trình tự, chi phí công chứng rõ ràng được công khai trên phương tiện thông tin, được niêm yết tại trụ sở các tổ chức hành nghề công chứng. nhiều giấy tờ trong hồ sơ công chứng khi tiếp nhận và lưu giữ không nhất thiết phải chứng thực v.v... Về chi phí, nếu công chứng thì tăng chi phí cho người dân, nhưng chi phí này so với giá trị tài sản khi giao dịch rất khiêm tốn. Đổi lại giao dịch của người dân được sự an toàn. Nếu không an toàn mà dẫn đến tranh chấp, dẫn đến rủi ro thì chắc chắn rằng chi phí còn lớn hơn rất nhiều. Cùng với Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020 cộng với việc sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng, xây dựng Luật Chứng thực thì thủ tục công chứng chắc chắn sẽ được tiếp tục an toàn, thuận tiện hơn rất nhiều.
"Tôi ủng hộ phương án 1"
*
Là một chuyên gia pháp luật, ý kiến góp ý của bà đối với 2 phương án được đưa ra tại khoản 2 Điều 161 Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (bắt buộc hoặc không bắt buộc công chứng các giao dịch về quyền sử dụng đất) lần này là gì?
- Trong quá trình soạn thảo Luật Đất đai sửa đổi, vấn đề này cũng có một số ý kiến tranh luận. Quan điểm của tôi là ủng hộ phương án 1, tức là: Luật Đất đai sửa đổi cần quy định một số loại hợp đồng, giao dịch liên quan đến chuyển dịch hoặc có khả năng dẫn đến chuyển dịch quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cần thiết phải được công chứng, cụ thể là các hợp đồng: chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Đây là những hợp đồng, giao dịch dễ tranh chấp phát sinh, cần thiết bắt buộc phải công chứng để bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng giao dịch. Còn các hợp đồng ít rủi ro như hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì có thể lựa chọn công chứng, chứng thực theo nhu cầu của các bên.
Có thể nói, việc pháp luật quy định một số loại hợp đồng liên quan đến giao dịch, mua bán... nhà đất phải được công chứng là sự bảo hộ của Nhà nước đối với các quan hệ dân sự trong khi nhận thức pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế, chưa có ý thức cao trong việc sử dụng các dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp để tự bảo vệ mình, để giảm thiểu rủi ro cho các bên tham gia giao dịch.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Hiện cả nước đã có 684 tổ chức hành nghề công chứng với 1.280 công chứng viên. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, đến năm 2015 cả nước sẽ phát triển khoảng 1.000 tổ chức hành nghề công chứng và đến năm 2020, toàn quốc sẽ có khoảng 1.700 tổ chức hành nghề công chứng phân bố rộng khắp trên toàn quốc.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật VN
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: