Lợi nhuận sẽ là yếu tố dẫn dắt mọi hoạt động của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam (VFS), nhất là khi cổ đông chiến lược nắm 65% vốn điều lệ lại là một doanh nghiệp không liên quan đến nghệ thuật.
Mảnh đất vàng của VFS tại số 4 - Thụy Khuê (Hà Nội) đang nằm trong quy hoạch Khu chính trị Ba Đình
|
Nghệ thuật và cơm áo
4 tháng kể từ họp Đại hội cổ đông lần đầu (tháng 5/2017) và sau 3 tháng chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, mối quan hệ giữa các đạo diễn, quay phim, biên kịch và giới chủ tại VFS (tiền thân là Công ty TNHH MTV Hãng Phim truyện Việt Nam) rạn nứt khó có thể hàn gắn.
Trên thực tế, cuộc đối thoại giữa ông Nguyễn Thủy Nguyên, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) - đơn vị sở hữu 65% vốn điều lệ tại VFS và các nghệ sỹ vào giữa tuần này đã kết thúc mà không tìm được tiếng nói chung. Sự vênh nhau đầu tiên giữa hai bên liên quan đến cách điều hành của VFS, giờ đang được vận hành theo mô hình công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp.
Trong buổi đối thoại, các nghệ sĩ phản ứng gay gắt về tình trạng chậm lương, trả lương thấp và không theo ba-rem nào. Đạo diễn Trần Chí Thành cho rằng, điều này trái hoàn toàn với cam kết của Vivaso.
Trong khi đó, ông Nguyên cho biết, không có chuyện Ban lãnh đạo “xù lương”. Mức lương hiện được tạm trả như trước cổ phần hóa và sẽ được điều chỉnh sau khi có quy chế lương mới, nhưng phải trên tinh thần "có làm có hưởng, không làm không hưởng".
"Có đạo diễn, biên kịch tới 3 năm, 5 năm không lên cơ quan và cũng không có tác phẩm gì. Tôi khẳng định là sẽ không bao giờ trả lương, một khi tôi không biết nhân viên của mình làm gì hoặc không lên cơ quan. Cơ chế trả lương, quản lý tài chínhtrước đây là một trong những nguyên nhân đẩy VFS thua lỗ lớn", Chủ tịch Vivaso tuyên bố.
Quan điểm của ông Nguyên không nhận được sự đồng thuận của phần lớn nghệ sĩ khi họ cho rằng, cần phải có đặc thù thời gian cho hoạt động sáng tạo nghệ thuật.
Cần phải nói thêm rằng, ánh hào quang của VFS đã tắt từ nhiều năm trước, khi Hãng liên tục thua lỗ; phim gần như không ra được rạp khiến đời sống của đạo diễn, nghệ sỹ rất khó khăn. Trước thời điểm cổ phần hóa, mức lương bình quân của người lao động chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng.
Ngoài việc chưa được điều chỉnh lên mức lương tối thiểu 4,8 triệu đồng như cam kết của Vivaso, các đạo diễn, diễn viên cũng bày tỏ sự thất vọng khi sau 3 tháng hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, VFS mới chỉ triển khai được một bộ phim được đặt hàng bởi Cục Điện ảnh và mục tiêu trong cả năm 2017 cũng chỉ có thêm một bộ phim truyền hình.
“Lượng công việc này là không đủ cho 84 lao động tại VFS... Nếu chỉ có vậy, chúng tôi cần gì cổ phần hóa, cần gì nhà đầu tư tư nhân”, đạo diễn Nguyễn Quốc Tuấn chất vấn.
Đáp lại, lãnh đạo Vivaso cho biết, đây là kế hoạch được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch duyệt trong chính phương án cổ phần hóa. Nhà đầu tư mới chỉ có 3 tháng tiếp quản, phải vừa quyết toán thuế, đối chiếu công nợ, vừa dò dẫm tìm đường, nên việc kéo được một bộ phim đặt hàng trị giá 30 tỷ đồng đã là thành công.
“VFS chỉ có thể mạnh là dòng phim truyền thống, ít tính thương mại, được đặt hàng từ Nhà nước. Trong giai đoạn ngân sách khó khăn, Hãng phải chấp nhận làm các phim quảng bá doanh nghiệp, địa phương, miễn là đem lại doanh thu, lợi nhuận”, ông Nguyên khẳng định.
“Cục xương” mang danh đất vàng
Cần phải nói thêm rằng, ngay cả khi nhà đầu tư thực hiện đúng cam kết là trích 30% trong tổng số 50 tỷ đồng vốn điều lệ để hỗ trợ sản xuất phim, thì khả năng vực dậy “xác sống” VFS là rất thấp nhất.
Ngoài việc nhà đầu tư tay ngang, không có nhiều kinh nghiệm về điện ảnh, thương hiệu “Hãng Phim truyện Việt Nam” bị bào mòn…, VFS rất khó cạnh tranh với các nhà sản xuất phim tư nhân ở các dòng phim thị trường - lĩnh vực mà các đạo diễn, biên kịch của Hãng chưa bao giờ để lại dấu ấn.
Ánh hào quang của VFS đã tắt từ nhiều năm trước, khi Hãng liên tục thua lỗ; phim gần như không ra được rạp khiến đời sống của đạo diễn, nghệ sỹ rất khó khăn.
|
Trong bối cảnh pháp nhân mới đang phải kế thừa khoản lỗ gần 40 tỷ đồng, nợ tiền thuế đất 23 tỷ đồng… nếu không nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, không tiếp tục nhận được đơn đặt hàng phim của Nhà nước, rất khó để VFS tồn tại.
Không chỉ các nghệ sỹ mất niềm tin, bản thân nhà đầu tư cũng thất vọng về những khó khăn đang vỡ dần ra mỗi ngày kể từ khi tiếp quản VFS.
Bản thân ông Nguyên cũng không cảm thấy được tôn trọng tại Hãng phim khi liên tục bị móc máy là “dân buôn đất”, “bán cát sỏi”...
Ngay việc khai thác quỹ đất của VFS, với nhiều điểm được đánh giá là “đất vàng” cũng đang trở thành “cục xương” đối với nhà đầu tư.
Theo công bố thông tin bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng vào đầu năm 2016, VFS quản lý và sử dụng 4 khu đất ở Hà Nội và TP.HCM. Trong đó, có 2 khu đất “vàng” là số 4 - Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội) và số 6 - Thái Văn Lung (quận 1, TP.HCM).
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các khu đất trên phố Thụy Khuê đang nằm trong quy hoạch Khu chính trị Ba Đình, nên sẽ không được phép sử dụng tùy tiện.
Tại khu đất số 4 - Thụy Khuê rộng hơn 5.000 m2, nhà đầu tư không được phép chuyển đổi công năng và bị giới hạn chiều cao không quá 8 tầng, ngay cả khi VFS có vốn đầu tư xây dựng các trung tâm chiếu phim, giao lưu điện ảnh mà nhà đầu tư cam kết trước đó.
“Không được chuyển đổi, không được cho thuê kinh doanh các lĩnh vực khác, trong khi mỗi năm phải trả hàng tỷ đồng thuế đất…, thương vụ mua bán VFS sẽ sớm trở thành trái đắng cho ông chủ Vivaso”, một chuyên gia nhận định.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: