Quyết định 123 của UBND TPHCM ban hành ngày 16 - 8 - 2006 đã mở ra cơ hội nhận thêm tiền hỗ trợ cho các hộ dân thuộc diện di dời giải tỏa tại Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, áp dụng hồi tố đối với những trường hợp đã nhận tiền đền bù và di dời sớm. Tuy nhiên, hiện tại, rất nhiều hộ dân khi quay lại nhận thêm tiền hỗ trợ lại bị yêu cầu… hoàn tiền cho Nhà nước(!).
Anh Võ Thanh Lâm có căn nhà diện tích 35,228m2 tại tổ 12, khu phố 2, phường An Lợi Đông, thuộc Khu quy hoạch Đô thị mới Thủ Thiêm. Năm 2003, anh chấp nhận di dời và được ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận đo vẽ, áp giá đền bù là 1,95 triệu đồng/m2 theo khung giá đất ở. Cộng cả tiền hỗ trợ về cây trồng, vật liệu xây dựng, anh được nhận tổng cộng 94 triệu đồng.
Tháng 7 - 2007, anh Lâm quay lại nộp hồ sơ để được nhận tiền hỗ trợ theo Quyết định 123 của UBND TP.HCM thì được quyết định điều chỉnh đơn giá bồi thường căn nhà. Theo đó, UBND quận 2 kết luận: qua kiểm tra pháp lý hồ sơ, UBND phường An Lợi Đông xác nhận nhà ông Lâm tạo lập năm 2000, không phải năm 1996 như hồ sơ đã làm năm 2003. Do đó, ông chỉ được nhận hỗ trợ về đất với mức giá 600.000 đồng/m2. Suy ra ông Lâm phải nộp lại cho Nhà nước 64.446.370 đồng.
Ba năm sau ngày nhận đền bù mới bị đòi trả lại hơn 2/3 số tiền, trong khi số tiền nhận lúc trước vốn đã không đủ để mua lại nơi ở mới, ông Lâm làm đơn khiếu nại lên UBND quận 2.
Chưa đến mức phải trả lại tiền như anh Lâm, ông Nguyễn Ngọc Quang, ngụ tại ấp 4, phường An Lợi Đông chưa được nhận tiền hỗ trợ do khu đất của ông bị kết luận là trùng ranh. Năm 2003, ông Quang bàn giao khu đất nông nghiệp trên 2.000m2 cho ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng quận với mức giá bồi thường 150.000 đồng/m2. Theo tiêu chuẩn tái định cư, ông được hoán đổi căn hộ chung cư nhưng ông quyết định nhận tiền và tự lo nơi ở mới.
Theo Quyết định 123, ông Lâm được hỗ trợ thêm 4.000.000 đồng/m2 trên diện tích căn hộ được nhận. Ngay khi Quyết định 123 của UBND TP có hiệu lực, ông Quang đã nộp hồ sơ nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền.
Ông Quang cho biết: “Hồ sơ của tôi nộp từ rất sớm, có số thứ tự 14, nhưng chưa thấy trả lời, lên phường hỏi thì được bảo là đất trùng ranh, phải chuyển lên quận xác minh. Tôi không hiểu tại sao hồi trước, cũng mấy ông phường, quận đo vẽ, áp giá mà không thấy bảo trùng ranh, nay lại nảy sinh chuyện đó…”.
Bác Chín Nuôi, ngụ tại số 512/74B phường An Lợi Đông bức xúc: “Hồ sơ nhà đất trước đây cũng do Nhà nước đo vẽ, áp giá, vận động dân di dời sớm. Cớ gì bây giờ khi có chế độ hỗ trợ lại không căn cứ theo hồ sơ đó mà chi tiền? Như vậy khác nào làm khó dân?”.
Không riêng gì anh Lâm, ông Quang, gần 1.400 hồ sơ chi trả bổ sung theo Quyết định 123 còn tồn ở 5 phường thuộc Khu quy hoạch Đô thị mới Thủ Thiêm hiện rơi vào tình trạng bị xác định trùng ranh, lấn ranh, phải xác minh lại nguồn gốc pháp lý của thửa đất, biến đổi về tỷ lệ các loại đất trong tài sản làm thay đổi giá trị đền bù v.v… Những vướng mắc này làm kéo chậm tiến độ giải ngân của dự án.
Tại bản vẽ mới?
Ông Hứa Ngọc Thảo, Trưởng ban Đền bù và Giải phóng mặt bằng quận 2 cho biết: “Nói là chi trả bổ sung cho các trường hợp đã nhận bồi thường, nghĩa là đã có hồ sơ đo vẽ nhưng theo quy định mới, chúng tôi phải làm lại từ đầu, từ khâu đối chiếu bản đồ, xác định diện tích, tỷ lệ.
Những hồ sơ bồi thường trước đây theo Quyết định 135/2002/QĐ - UB của UBND TP căn cứ theo bản đồ 299, vốn là bản vẽ tay theo hiện trạng nhà. Đến nay, theo quy định mới, chúng tôi phải áp dụng bản đồ 202 ban hành năm 2003.
Điểm khác nhau cơ bản của 2 bản vẽ này là bản vẽ 202 được đo vẽ bằng máy, chỉ xác định những công trình chính, kiên cố, riêng những công trình phụ, nhà tranh, tre, lá, nhà ven kênh rạch không được thể hiện. Trong khi đó, khu vực quận 2 vốn là địa bàn nghèo, nhà sơ sài bằng tranh, tre, lá, nhà ven kênh rạch rất nhiều. Nhiều hộ thật sự đã sống lâu năm ở đây nên việc áp dụng bản vẽ mới đã gây thiệt thòi cho người dân.
Theo ông Thảo, một vướng mắc nữa khiến nhiều hồ sơ bồi thường bị “ngâm” là tình trạng nhà “nhiều không”: không số nhà, không hộ khẩu, không chủ quyền, không kê khai.
Theo quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TPHCM, chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm xác nhận các nội dung về nguồn gốc, diện tích, quá trình sử dụng đất đai, nhà ở theo từng thời gian cụ thể.
Tuy nhiên, hiện tại, chủ tịch của 5 phường thuộc khu quy hoạch là Thủ Thiêm, An Lợi Đông, Bình Khánh, An Khánh, Bình An rất thận trọng trong việc xác nhận tính pháp lý của nhà “nhiều không”. Lý do được đưa ra là: “Cán bộ phường luân chuyển liên tục, không nắm kỹ được nguồn gốc nhà đất nên không dám ký vào giấy xác nhận”.
Tháng 7 - 2007, UBND quận 2 đã có kiến nghị gửi Sở Tài nguyên - Môi trường về những vướng mắc nảy sinh trong quá trình áp giá bồi thường Khu quy hoạch Đô thị mới Thủ Thiêm theo bản đồ 202. Tuy nhiên, văn bản trả lời của sở khẳng định vẫn phải tiếp tục thực hiện theo quy định. Nhiều hộ dân đã lãnh tiền bồi thường nhiều năm giờ nhận được quyết định thu hồi cả trăm triệu đồng.
Hiện tại, các hộ chỉ còn cách gửi đơn khiếu nại lên UBND quận trong vòng 90 ngày sau khi nhận được quyết định thu hồi tiền. Nếu không đồng ý với cách trả lời của quận, các hộ có quyền gửi đơn lên các cấp cao hơn. Điều này làm ảnh hưởng đến tâm lý của nhiều hộ dân chưa di dời.
Xem ra, nếu thành phố không sớm có hướng giải quyết, tiến độ bồi thường giải tỏa Khu quy hoạch Đô thị mới Thủ Thiêm sẽ còn kéo dài, tình trạng khiếu nại, khiếu kiện sẽ còn tiếp diễn.
Theo Sài Gòn Giải Phóng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: