Khi điều tra xây nhà tái định cư, cơ quan quản lý nhà nước TP.HCM đã không khảo sát kỹ nhu cầu, nguyện vọng của người dân.
Hô biến dự án tái định cư TP.HCM: Xử lý trách nhiệm
Thiếu sót từ đầu
Sở Xây dựng TP.HCM vừa có văn bản gửi Ban quản lý Đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm về hướng giải quyết quỹ nhà không còn nhu cầu sử dụng thuộc chương trình đầu tư xây dựng 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Một trong những kiến nghị được Sở Xây dựng TP.HCM đưa ra đó là, đối với 1.330 căn hộ thuộc khu 38,4ha phường Bình Khánh do liên danh Sacomreal - Thuận Việt - Thành Thành Công làm chủ đầu tư, Tổ công tác thực hiện chương trình đầu tư 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư giao Ban quản lý Thủ Thiêm báo cáo tình hình và kiến nghị UBND TP.HCM báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về hướng giải quyết của thành phố.
Theo đó, không tiếp tục thực hiện việc thanh toán và mua lại quỹ nhà; chủ đầu tư phát triển dự án theo quy hoạch trên khu đất được giao mặt bằng với mục tiêu nhà ở thương mại; TP.HCM sẽ xác định giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường phù hợp với mục đích sử dụng đất, để thu tiền sử dụng đất đối với khu đất đã giao.
Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học - kỹ thuật - môi trường (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM), chuyện "hóa kiếp" cho các khu tái định cư đã từng xảy ra ở TP.HCM và coi đó là giải pháp tình thế dù còn nhiều vấn đề chưa phù hợp.
Với giải pháp này, TP.HCM thu được chút tiền thuế sử dụng đất, có được khoản kinh phí để quay lại hỗ trợ người tái định cư theo một cách khác; chủ đầu tư có điều kiện thu hồi vốn, còn người dân thì thiệt.
Dù vậy, nhìn lại quá trình dẫn đến hàng loạt căn hộ tái định cư của TP.HCM để hoang hóa, không có người đến ở và đến giờ chuyển đổi sang nhà thương mại, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh nhận xét, ngay từ đầu khi chuẩn bị xây dựng các dự án tái định cư cơ quan quản lý nhà nước ở TP.HCM đã sai sót.
Cụ thể, TP.HCM xoay xở với suy nghĩ đơn giản: thu hồi đất của dân, không có đền bù thì xây một loạt nhà tái định cư để người dân đến ở. Có người dân không chấp nhận phương án này, có người chịu đến ở nhưng chỉ là số ít, có người đến ở rồi lại muốn đi...
Khu tái định cư Bình Khánh. Ảnh: NLĐ
"Ấy là vì những người quản lý đã tư duy hành chính, không để ý đến hoàn cảnh, tâm lý của người dân. Mỗi người có một nhu cầu riêng, nguyện vọng riêng nhưng cuối cùng TP lại cào bằng tất cả, chỉ lo chỗ ở cho người dân mà chưa lo vấn đề sinh kế, học tập, môi trường xã hội... cho họ.
Với cách này cơ quan quản lý nhà nước được lợi vì rảnh tay trong việc quản lý nhưng họ đã bỏ qua nguyện vọng của người dân. Vì thế, muốn làm gì phải lấy ý kiến của người dân, từ đó tìm ra giải pháp phù hợp hơn cả, khi người dân đồng thuận thì khi làm sẽ không bao giờ thất bại", PGS.TS Nguyễn Lê Ninh đánh giá.
Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra một nguyên nhân khác khiến người dân TP.HCM thờ ơ với nhà tái định cư, đó là giá cả không phù hợp với sức mua của người dân. Khu tái định cư Bình Khánh (quận 2) là khu đất vàng của TP.HCM, mức giá mỗi căn hộ có thể không đắt so với giá thị trường nhưng với người tái định cư thì nó lại quá cao.
"Việc tạo ra hàng loạt các dự án hoang phí này không phải là lỗi của một đơn vị mà có liên quan đến rất nhiều sở, ngành, quận, huyện. Lẽ ra trước khi xây dựng phải tính toán, lường trước các tình huống.
Bây giờ bao nhiêu tiền nằm đọng ngoài đó ai chịu trách nhiệm? Cuối cùng trăm dâu đổ đầu tằm", PGS.TS Nguyễn Lê Ninh nói.
Vị Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học - kỹ thuật - môi trường (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM) cho rằng, việc chuyển đổi 1.330 căn hộ tái định cư sang nhà thương mại có thể là một cách sửa sai nhưng ông vẫn hoài nghi, liệu có xảy ra tình trạng "sửa thì cứ sửa, sai thì cứ sai"?
Ai hưởng lợi?
Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, việc điều chỉnh nói trên sẽ đỡ thiệt hại cho Nhà nước và chủ đầu tư.
"Khi chủ đầu tư xây dựng các dự án tái định cư chắc chắn họ phải hưởng lợi thì mới làm. Giờ chuyển sang nhà thương mại, chủ đầu tư cũng sẽ được hưởng lợi bởi giá nhà thương mại cao hơn nhà tái định cư, trong khi chất lượng nhà tái định cư chưa chắc bằng nhà thương mại.
Nhưng cái lợi ấy ở mức nào thì người ngoài cuộc khó biết được, bởi cũng phải hiểu rằng xây nhà tái định rồi không bán được trong bao nhiêu năm, chủ đầu tư vẫn phải trả lãi ngân hàng, càng để lâu thì càng lỗ nhiều. Với chủ đầu tư trường vốn thì không sao, nhưng doanh nghiệp ít vốn thì ắt rơi vào khó khăn. Đó là chưa kể chủ đầu tư phải mất tiền quản lý, bảo trì, sửa chữa.
Về phía nhà nước, sẽ thu được chút tiền sử dụng đất. Chỉ có người dân là thiệt thòi vì như đã nói, giá nhà thương mại cao hơn nhà tái định cư, chất lượng nhà tái định cư chưa chắc đã bằng nhà thương mại", ông Ninh phân tích.
Vì lẽ đó, ông đề nghị TP.HCM cần phải có một ban khảo sát, đánh giá cho đúng giá trị hiện tại của các khu nhà chuyển đổi đến đâu, từ đó đưa ra mức giá phù hợp. Có như vậy quyền lợi giữa chủ đầu tư và người dân mới cân bằng. Còn nếu không một lần nữa việc chuyển đổi này sẽ là cơ hội cho giới đầu cơ.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: