Top

Chưa yên tâm mua nhà trả góp

Cập nhật 26/07/2007 14:00

Doanh nghiệp địa ốc, ngân hàng và người dân đều hào hứng với hình thức vay vốn mua nhà trả góp, song chưa bên nào hoàn toàn yên tâm trong bối cảnh thị trường diễn biến khó lường.

Với thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng, vợ chồng anh Nguyễn Thanh Sơn (Tân Bình, TP HCM) hàng tháng trích một nửa thu nhập để trả nợ gốc lẫn lãi cho ngôi nhà trả góp. Anh mua trả góp căn nhà cách đây 4 năm, lúc đó mô hình này chưa rầm rộ và không có nhiều ưu đãi. "Tôi phải trả trước 50% tiền mặt trị giá căn nhà nhưng may mắn là giá trị bất động sản lúc đó không cao như bây giờ", anh cho biết thêm.

Chị Trương Thị Hồng Thủy (quận Bình Thạnh, TP HCM) cũng dự định mua nhà trả góp, song suy đi tính lại, hai vợ chồng quyết định tiếp tục ở trọ tại ngoại thành với chi phí 1 triệu đồng mỗi tháng. Thu nhập thấp trong khi số tiền trả trước chiếm 30-40% giá trị căn hộ, nợ gốc lẫn lãi 3-4 triệu đồng mỗi tháng là lý do cặp vợ chồng trẻ này từ bỏ ý định mua nhà. Theo chị Thủy, với thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng, chỉ những nhà dưới 400 triệu đồng, tiền nợ gốc cộng lãi dao động 1,5-2 triệu đồng/tháng và số tiền trả trước khoảng 100 triệu đồng mới phù hợp.

Trong khi đó, chị Phương, nhân viên một công ty nước ngoài tại Hà Nội cảm thấy không an toàn khi mua nhà trả góp vì không hiểu rõ các thủ tục, mức lãi suất. "Trong cả chục năm trả góp, việc bất ngờ có thể xảy ra khiến mình không có đủ tiền cho đúng thời hạn ngân hàng. Nếu bị thu hồi nhà, liệu quyền lợi khách hàng có được bảo đảm hay không", chị Lan băn khoăn.

Trong khi đó, với một vài người khác, vướng mắc lại là tâm lý về gánh nặng lãi suất ngân hàng phải lo trong nhiều năm. "Vài người bạn tôi nói, họ thà ở trọ trong một số năm, rồi vay mượn thêm họ hàng, bạn bè để mua nhà, còn hơn cả chục năm phải trả lãi ngân hàng", chị Phương cho biết thêm.

Mới tiếp cận khách hàng khá giả

Hiện thị trường không có căn hộ bán trả góp dưới 500 triệu đồng và các doanh nghiệp địa ốc chủ yếu hướng đến khách hàng có thu nhập khá trở lên. "Đó cũng là hạn chế của mô hình mua nhà trả góp”, Phó Tổng Giám đốc công ty địa ốc Sacomreal Bùi Tiến Thắng thừa nhận.

Khối khách hàng được các ngân hàng nhắm đến là người làm việc trong khối doanh nghiệp nước ngoài và liên doanh, song đối tượng có thể đáp ứng được khả năng trả nợ còn rất hạn chế. Một căn hộ chung cư Phú Mỹ Hưng có giá khoảng 1 tỷ đồng, ngân hàng cho vay thế chấp 70% giá trị căn hộ. Số tiền trên được trả trong vòng 20 năm cộng với lãi suất hàng tháng khoảng 1,7%, mỗi tháng khách hàng phải trả số tiền tương đương 11 triệu đồng. Cộng với chi tiêu hàng tháng của họ, ngân hàng sẽ xét cho vay với những cặp vợ chồng có thu nhập 15 triệu đồng/tháng trở lên.

"Việc liên kết một cách bài bản với chủ đầu tư để cho vay mua nhà rất ít, chủ yếu ở một số tổ chức có vốn nước ngoài như Phú Mỹ Hưng, Saigonpearl vì họ có cơ sở pháp lý đáng tin cậy, thủ tục đảm bảo", ông Đàm Thế Thái, Giám đốc khối khách hàng cá nhân Ngân hàng An Bình, nhận định.

Vì vậy theo ông Thái, số khách hàng được cho vay có nhu cầu thực sự về nhà ở rất hiếm, chủ yếu là "cò" kinh doanh nhà ở. Những "cò" này chỉ mua nhà trong thời gian ngắn, chờ giá lên rồi bán lại. Số tiền vay ngân hàng theo đó cũng được thanh toán trước hạn, thông thường chỉ khoảng 6 tháng đến một năm sau khi vay.

Một vướng mắc khác mà ngân hàng và người dân gặp phải là khó xác định nguồn thu nhập ngoài lương bởi người dân không thể kê khai thu nhập phát sinh và phía nhà băng cũng không tìm đâu ra căn cứ. Ông Nguyễn Phước Thanh, Giám đốc Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam cho hay, vì thế, giải pháp an toàn là cho cán bộ công nhân viên của chính ngân hàng vay song khó khăn cũng phát sinh vì tài sản được thế chấp là tài sản hình thành từ vốn vay. Trong khi đó, để có giấy tờ sở hữu căn nhà, người mua phải mất ít nhất 2-3 năm sau đó.

Đồng thời, không phải chủ đầu tư nào cũng chuyên nghiệp trong việc quản lý khách hàng. Giám đốc khối khách hàng cá nhân ngân hàng An Bình cho biết, việc thiết yếu là chủ đầu tư hợp tác với ngân hàng trong quản lý tài sản thế chấp, không xác nhận cho khách hàng đi vay thêm ở nơi nào khác. Và khi khách không có đủ khả năng trả nợ, ngân hàng được quyền phát mãi căn nhà.

Chung nhận định, theo Chủ tịch Công ty CP Vincom Lê Khắc Hiệp, một số ngân hàng và định chế tài chính dè dặt cho vay vốn mua nhà vì lo ngại không thể thu hồi vốn. "Nếu người mua không thể chi trả, ngân hàng khó có thể đẩy khách hàng ra khỏi nhà để phát mãi, vì người Việt Nam thường cư xử với nhau bằng tình", ông Hiệp nhận xét. Vì thế, vì chỉ khi có các chế tài cụ thể, người mua nhà và ngân hàng mới yên tâm bỏ tiền ra khi quyền lợi của mình đã được đảm bảo.

Theo nhóm phóng viên - Đô Thị