Top

Khu kinh tế Mộc Bài

Chưa thấy mặt trời

Cập nhật 06/11/2009 10:15

Các dự án thương mại tại khu kinh tế Mộc Bài đang phá sản, trong khi các dự án khác chưa tìm được lối ra

Nguyên nhân khiến khu kinh tế Mộc Bài (khu KTMB) lâm cảnh chợ chiều, theo các nhà đầu tư, các chuyên gia kinh tế, ngoài chính sách thay đổi còn do định hướng phát triển chưa rõ. Thương mại, công nghiệp hay đô thị là trái tim của khu kinh tế vẫn đang là câu hỏi .

Ban đầu, với chính sách ưu đãi riêng của Chính phủ dành cho khu kinh tế này (khách nội địa được mua hàng miễn thuế 500.000 đồng mỗi ngày một lần) hoạt động thương mại rất rầm rộ.

Tuy nhiên, khi sự ưu ái không còn (khách nội địa chỉ được phép mua hàng miễn thuế 500.000 đồng mỗi tuần) thì lập tức khu KTMB lâm cảnh chợ chiều. Những dự án thương mại teo tóp, kéo theo sự lụi tắt của thành phố Mặt Trời và đóng băng các dự án nhà ở.

Hiện nay, niềm hy vọng cuối cùng của những nhà quản lý là lấy công nghiệp làm xương sống để vực dậy khu kinh tế. Tuy nhiên, theo các nhà đầu tư thì đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, chắp vá và khó thành hiện thực.

Theo quy hoạch chi tiết của UBND tỉnh Tây Ninh, khu KTMB đã dành hẳn 533,08ha đất để phát triển các khu công nghiệp. Tính đến ngày 20.7.2009, đã có sáu dự án đăng ký đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Mặc dù các dự án khu công nghiệp đều được phê duyệt cách đây năm năm nhưng đến nay chưa có dự án nào bồi thường giải phóng xong mặt bằng. Tính đến nay mới có 290/533ha đất công nghiệp được bồi thường.

Đặc biệt, có nhiều dự án khi đăng ký đều quảng cáo có số vốn đầu tư hàng trăm tỉ đồng, diện tích xin giao đất cả trăm hécta nhưng sau nhiều năm vẫn trùm mền, diện tích đền bù mới được vài phần trăm.

Như dự án cụm công nghiệp số 4 của công ty cổ phần đầu tư HT CN&DC Tây Nam với diện tích được phê duyệt là 57,671ha, sau năm năm công ty này mới đền bù được 5,5ha. Hay dự án cụm công nghiệp số 1 của công ty cổ phần đầu tư xây dựng Ngọc Oanh mới đền bù được 34/103ha đất được giao. Dự án cụm công nghiệp của công ty cổ phần Teakwang Vina Industrial đền bù được 48/87ha…

Ông Hoàng Bá Phòng, phó giám đốc công ty cổ phần đầu tư xây dựng Nam Hiệp Thành – doanh nghiệp đã đầu tư 245 tỉ đồng vào khu kinh tế, lắc đầu ngao ngán: “Phát triển công nghiệp không phải là lối thoát mà chỉ nhằm mục đích chữa cháy.

Tinh thần của UBND tỉnh Tây Ninh là sẵn sàng cho các doanh nghiệp chuyển mục đích sử dụng đất từ thương mại sang công nghiệp. Tuy nhiên, điểm mấu chốt của vấn đề vẫn là nhà đầu tư. Dù làm công nghiệp nhưng không có nhà đầu tư thì các dự án công nghiệp cũng sẽ trùm mền như những dự án công nghiệp đã phê duyệt cách đây năm năm.

Đó là chưa kể địa thế ở đây khó cạnh tranh với khu công nghiệp Trảng Bàng hay địa bàn Củ Chi của TP.HCM”. Theo ông Phòng, cái cần làm trước mắt là lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, ban quản lý khu kinh tế cần phải xác định, hoạch định rõ mục đích cuối cùng, hạt nhân phát triển của khu kinh tế này là gì.

Khi đã xác định mục tiêu, tìm ra được cơ chế rõ ràng, dài hạn thì các nhà đầu tư mới yên tâm bỏ tiền của công sức vực dậy khu kinh tế đang trên đà xuống dốc này.

Chúng tôi đã đặt lên bàn ban quản lý khu kinh tế câu hỏi “Mộc Bài sẽ phát triển như thế nào khi mà kế hoạch phát triển thương mại đã phá sản?”, ngay cả ông trưởng ban Phan Minh Thành cũng chưa có câu trả lời cụ thể.
 

Thu hồi 22 dự án xí đất

Theo UBND tỉnh Tây Ninh, đến nay tỉnh này đã thu hồi 22 dự án tại khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, với tổng diện tích thu hồi gần 423ha đất. Đây là những dự án chiếm dụng diện tích đất lớn từ 10ha đến 128ha/dự án, nhưng do chủ đầu tư năng lực tài chính yếu, để kéo dài không triển khai dự án, gây lãng phí lớn về nguồn tài nguyên đất đai.

UBND tỉnh cũng kiên quyết rút giấy phép đối với chủ đầu tư thiếu năng lực về tài chính để thực hiện dự án hoặc cố tình kéo dài thời gian thực hiện. Theo lãnh đạo tỉnh này, từ nay đến cuối năm, tỉnh Tây Ninh sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát các dự án đã đăng ký đầu tư nhưng chưa thực hiện tại các khu, cụm công nghiệp còn lại…


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị