Top

Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng: Hãy đặt mình vào vị trí người dân để soạn luật

Cập nhật 16/01/2013 08:31

Từ ngày 1-2 đến 31-3 sẽ lấy ý kiến nhân dân về toàn văn Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Dù đã bố trí thêm nhiều thời gian để thảo luận, chỉnh sửa nhưng Dự án Luật Đất đai sửa đổi khi trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) một lần nữa vẫn bị chê chưa đạt yêu cầu. “Chúng ta phải đặt mình vào vị trí người dân và người thực hiện để thấy dự luật có phù hợp không. Và khi đặt mình vào vị trí đó thì tôi thấy chưa ổn tí nào” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói tại phiên thảo luận chiều 15-1.

Có thu hẹp hay không?

Báo cáo về việc tiếp thu, sửa đổi, bổ sung Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho hay sau khi TVQH yêu cầu chỉnh sửa lại, Thường trực Chính phủ đã họp và đã bỏ bảy điều, bổ sung 21 điều vào dự thảo. Trong đó bổ sung đáng kể là quy định: Trước khi trình hoặc phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, UBND cấp tỉnh, cấp huyện phải trình HĐND cùng cấp thông qua. Trường hợp địa phương không tổ chức HĐND cấp huyện thì UBND cấp huyện trình UBND cấp tỉnh xét duyệt. Đối với các dự án phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh thì UBND cấp tỉnh phải trình HĐND cấp tỉnh thông qua trước khi phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm.
 

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, dự thảo luật đã thu hẹp không đáng kể các trường hợp nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội. Ảnh: HTD


Một điểm mới nữa được Bộ trưởng Quang nêu ra là dự thảo luật đã thu hẹp các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, khi so sánh quy định trên với bản dự thảo luật trình ra phiên họp thứ 13 của Ủy ban TVQH thì lại thấy sự thu hẹp là không đáng kể. Cụ thể, việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội vẫn được thực hiện trong các trường hợp sau: thu hồi để xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; xây dựng, chỉnh trang khu đô thị, khu dân cư nông thôn; thực hiện dự án nhà ở tái định cư, nhà ở cho sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ; thực hiện các dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); thực hiện các dự án thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản…

Chạy theo giá đất ảo

Về quy định tài chính và giá đất, theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, dự thảo lần này đã tăng thêm một điều và bổ sung nhiều quy định cụ thể về khung giá đất, giá đất tại khu vực giáp ranh và bảng giá đất… Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển vẫn tỏ ra không hài lòng khi cho rằng còn nhiều điểm xung đột với nhau.

Theo ông Hiển, khi đất chưa được quy hoạch thì có một loại giá khác. Nhưng khi có quy hoạch, có quyết định đầu tư thì lại hình thành giá khác và khi đầu tư xong thì giá lại khác. “Như vậy có ba thời điểm và giá mỗi thời điểm đều chênh lệch nhau. Vậy chúng ta lấy thời điểm nào để tính giá đất? Nếu chúng ta quy định như trong dự thảo là chạy theo giá đất ảo!”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng yêu cầu phải chi tiết hơn nữa về giá từng loại đất. “Ví dụ năm nay chúng ta công bố giá đất đền bù khu vực A là 1 đồng/m2. Sau khi chúng ta công bố kế hoạch sử dụng đất và tiến hành thu hồi thì lúc đó giá lên 2 triệu đồng/m2 rồi. Vậy thì phải đền bù 2 triệu đồng chứ vì chúng ta quy định giá đất phù hợp với giá thị trường mà” - ông nói.

Ông Hùng cũng lo ngại dự luật này khó mà được Quốc hội thông qua. Vì vậy, ông đề nghị tạm thời chấp nhận dự thảo do Chính phủ trình nhưng sắp tới sẽ lấy ý kiến nhân dân rồi chỉnh sửa và nghiên cứu để quyết định có sửa thành Bộ luật Đất đai không.
 

Hai ý kiến về công chứng giao dịch quyền sử dụng đất

Về vấn đề công chứng, chứng thực các hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất trong Dự thảo Luật Đất đai, hiện có hai luồng ý kiến khác nhau. Ý kiến thứ nhất đề nghị quy định hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền: chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì phải được công chứng, chứng thực theo quy định pháp luật. Còn những trường hợp cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì được thực hiện công chứng, chứng thực theo nhu cầu của các bên. Ý kiến thứ hai tán thành quy định của dự thảo luật là không bắt buộc công chứng hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất.

Nêu quan điểm về vấn đề trên, Ủy ban Kinh tế cho rằng việc chuyển quyền sử dụng đất bắt buộc phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc đăng ký này đã xác lập đầy đủ tính pháp lý của việc chuyển quyền sử dụng đất. Nếu bắt buộc phải có công chứng các hợp đồng thì sẽ gây khó khăn cho người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất. Do vậy, việc công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch về chuyển quyền sử dụng đất nên để cho các bên tự lựa chọn.



DiaOcOnline.vn - Theo PLTP