Top

Chủ tịch Quốc hội: Mua nhà như thế thì "lạ quá"

Cập nhật 13/08/2014 08:35

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lo lắng: "Nếu cứ qua cửa khẩu vào Việt Nam là được mua nhà thì lạ quá".

Lo lắng của Chủ tịch Quốc hội và một số đại biểu khác bắt nguồn từ nội dung của điều 156, quy định “cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được quyền sở hữu nhà”.

Cần quy định chặt chẽ tránh gây lũng đoạn

Vấn đề mở cửa cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam tiếp tục được hâm nóng tại cuộc thảo luận về Luật nhà ở (sửa đổi) diễn ra vào hôm qua (12/8) của Thường vụ Quốc hội.

Theo phản ánh của Vnexpress, mặc dù hầu hết đại biểu Quốc hội thống nhất với quy định mở rộng đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài nhưng một số cho rằng cần quy định chặt chẽ hơn về thời hạn cư trú cũng như các điều kiện hạn chế cụ thể khác để tránh đầu cơ, gây lũng đoạn thị trường nhà ở.

Băn khoăn lớn nhất được đặt ra với Điều 156, quy định “cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được quyền sở hữu nhà”. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Nguyễn Kim Khoa nhận xét đối tượng như trên là quá rộng, vì bao gồm cả khách thăm thân, du lịch…

Theo ông Khoa, cần giới hạn nhập cảnh bao nhiêu ngày thì mới được mua nhà, để đồng bộ với quy định tại Luật Xuất nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài vừa được Quốc hội thông qua.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nêu quan điểm: "Nếu cứ qua cửa khẩu vào Việt Nam là được mua nhà thì lạ quá".


Vấn đề mở cửa cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam tiếp tục nhận được nhiều ý kiến lo lắng, băn khoăn của các Đại biểu Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh trường hợp người nước ngoài về Việt Nam mua nhà để định cư, làm ăn, học tập nhưng nếu chỉ nhập cảnh vào vài ngày rồi đi mà được mua nhà thì ông lưu ý ban soạn thảo cần cân nhắc lại.

Đây không phải lần đầu tiên các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về vấn đề mở cửa cho người nước ngoài mua bất động sản Việt Nam vì tại buổi thảo luận tổ về dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi diễn ra vào ngày 27/5 vừa qua, nhiều ý kiến cũng cho rằng luật phải hết sức chặt chẽ, tránh những bất lợi có thể xảy ra trong tương lai.

Cụ thể, theo đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình), dự luật cũng đã quá nới lỏng, khi quy định người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam không hạn chế số lượng.

"Với những người có nhiều tiền sẽ mua số lượng lớn thì sao? Mục đích của ta là giải quyết chỗ ở cho mọi người sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng nếu theo quy định mới thì nhà đầu tư có thể trục lợi trên thị trường”, ông Kiêm nói.

Về điểm này, đại biểu Đỗ Văn Đương (Tp.HCM) kiến nghị, có thể “thoáng” với nhiều quốc gia khác, song với nước láng giềng Trung Quốc, Nhà nước nên thận trọng, bởi hiện nay Trung Quốc đang thực hiện chủ trương biên giới “mềm”, nếu không tính toán chặt chẽ, Việt Nam sẽ đón nhận một làn sóng ồ ạt người Trung Quốc sang định cư.

DN nước ngoài - "kền kền" nhặt xác chết

Thời gian vừa qua lĩnh vực bất động sản cũng đang nhận một dòng vốn chảy mạnh từ các doanh nghiệp nước ngoài. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong nửa đầu năm nay đã có 10% trong tổng số 5,7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tương đương 570 triệu USD được giải ngân đã đổ vào lĩnh vực bất động sản trong đó có các dự án nhà ở thương mại, trung tâm thương mại, resort… dẫn đến hàng loạt các dự án BĐS đã được chuyển nhượng cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Nhận định về vấn đề này, chuyên gia kinh tế TS Alan Phan cho biết, luôn luôn có dòng đầu tư “cá mập”, “kền kền” lợi dụng giá bất động sản đang xuống, nhiều nhà đầu tư trong nước đang kẹt tiền sẽ bán lại dự án để tháo chạy.

Mặc dù các doanh nghiệp nước ngoài mua lại các dự án bất động sản của các doanh nghiệp trong nước với giá rẻ song theo TS Alan Phan khó kỳ vọng việc người Việt sẽ được mua lại từ các chủ đầu tư này với giá rẻ.

TS Alan Phan cho biết, người mua không nên có những mong đợi quá đáng về việc giá bất động sản sẽ giảm. "Ai cũng muốn thu lợi tối đa, người ngoài hay người Việt. Nếu tình hình FDI, kiều hối tăng và kinh tế tốt đẹp, không có khủng hoảng Biển Đông, nợ công, sức khỏe ngân hàng tốt… nhà đầu tư sẽ giữ giá bán để kiếm lời nhiều nhất", TS Alan Phan nói.

Bác thẳng đề xuất của Bộ Xây dựng

Một nội dung khác cũng khiến người đứng đầu Quốc hội băn khoăn là đề xuất lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội của Bộ trưởng Xây dựng - Trịnh Đình Dũng: “Nguồn tiền phát triển nhà ở cần rất lớn, trong khi thu nhập của đối tượng được mua nhà xã hội lại thấp. Do vậy, tôi tha thiết mong được lập quỹ", ông Dũng nói.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cân nhắc vì "không thể cứ làm một dự án luật luật lại đẻ ra một cái quỹ". Chủ tịch dẫn chứng trước đây Việt Nam đã lập ra ngân hàng chính sách, quỹ phát triển đất... Nay nếu chấp thuận đề xuất của Bộ Xây dựng, sẽ lại sinh ra quỹ phát triển nhà ở.

“Có nhất thiết đưa quỹ phát triển nhà vào luật không? Đừng có bao cấp nửa chừng. Trong trường hợp Quốc hội chấp thuận, cần lưu ý quản lý phải chặt chẽ. Hiện thủ tục hành chính đang vô vùng lộn xộn”, Chủ tịch Quốc hội nói.


DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt