Top

Chủ đầu tư hết đường om quỹ bảo trì nhà chung cư

Cập nhật 30/03/2021 10:45

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 30/2021/NĐ-CP với một số quy định chặt chẽ hơn được cho là sẽ góp phần chặn đứng tình trạng chủ đầu tư chây ì, om 2% quỹ bảo trì nhà chung cư.

Với những quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn, Nghị định 30/2021/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ "chặn đứng" việc các CĐT cố tình om 2% quỹ bảo trì nhà chung cư

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị định 30/2021/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 30/2021/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở.

Theo Nghị định 30/2021/NĐ-CP, trước khi ký hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư, chủ đầu tư có trách nhiệm mở một tài khoản thanh toán tại một tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn nơi có nhà ở mua bán, thuê mua để nhận kinh phí bảo trì do người mua, thuê mua nhà ở, chủ đầu tư phải ghi rõ tên tài khoản là tiền gửi kinh phí bảo trì nhà chung cư.

Ngoài ra, khi ký hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hoặc phần diện tích khác, các bên phải ghi rõ trong hợp đồng thông tin về tài khoản đã mở theo quy định. Số tiền 2% quỹ bảo trì sẽ không bị tính thuế và được nộp thẳng vào tài khoản tài khoản mà chủ đầu tư dự án nhà chung cư đã mở trước đó.

Cũng theo Nghị định 30/2021/NĐ-CP thì chủ đầu tư sẽ không được yêu cầu tổ chức tín dụng trích kinh phí mà các bên đã nộp vào tài khoản đã lập theo quy định tại khoản 1 Điều này để sử dụng vào bất kỳ mục đích nào khác khi chưa bàn giao cho Ban quản trị nhà chung cư.

Bên cạnh đó, một điểm mới được cho là khá “mạnh tay” để điều chỉnh việc các chủ đầu tư “om” 2% quỹ bảo trì nhà chung cư là quy định đối với trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí đã thu, trong thời hạn 10 ngày (quy định cũ là 15 ngày), kể từ ngày nhận được văn bản của Ban quản trị nhà chung cư, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng nơi chủ đầu tư mở tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì cung cấp thông về số tài khoản, số tiền trong tài khoản.

Trong vòng 7 ngày sau khi có yêu cầu, tổ chức tín dụng nơi CĐT mở tài khoản quỹ bảo trì phải cung cấp thông tin trả lời để UBND cấp tỉnh có căn cứ ra quyết định cưỡng chế. Và sau 5 ngày có quyết định cưỡng chế của UBND cấp tỉnh thì tổ chức tín dụng phải chuyển số tiền trong quỹ này cho Ban quản trị nhà chung cư.

Thực tế cho thấy, tranh chấp 2% quỹ bảo trì được xem là 1 trong 4 tranh chấp phổ biến nhất liên quan đến nhà chung cư hiện nay. Theo nhận định của các chuyên gia pháp lý thì với những quy định có phần chặt chẽ, rõ ràng hơn liên quan đến việc thu, chi, quản lý phần 2% kinh phí bảo trì chung cư theo Nghị định 30/2021/NĐ-CP được cho là sẽ là công cụ pháp chế nhằm ngăn chặn, xử lý tình trạng các CĐT om phần quỹ bảo trì nhà chung cư thời gian qua.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng chia sẻ thêm, ở các nước trên thế giới hầu hết chủ đầu tư không trực tiếp thực hiện việc thu phí mà chuyển cho một đơn vị thứ 3 thực hiện công việc này. Đơn vị thứ 3 đó có thể là hiệp hội chung cư, hiệp hội nhà ở (Singapore, New Zealand, Hoa Kỳ....), hợp tác xã (Thụy Điển) hay Công ty TNHH chủ sở hữu căn hộ (Nga). Nhờ có sự thống nhất này nên phí bảo trì chung cư và các loại phí dịch vụ khác đều thống nhất.

"Nhìn chung sẽ có 3 loại hình quản lý nhà chung cư chính. Một là các chủ sở hữu nhà chung cư trực tiếp quản lý nhà chung cư và các tài sản chung. Hai là công ty quản lý nhà chung cư ký hợp đồng trực tiếp với từng hộ dân cư. Cuối cùng là các chủ sở hữu và các hộ dân thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) và công ty này ký hợp đồng thuê Công ty quản lý nhà" - ông Hà cho biết.

DiaOcOnline.vn – Theo DĐDN