Top

Chủ đầu tư "chê" dự án nhà ở xã hội

Cập nhật 11/06/2012 09:45

Mặc dù Đà Nẵng đưa ra nhiều chính sách ưu đãi cho cả nhà đầu tư lẫn người mua nhưng nhà thu nhập thấp bán không có lãi vẫn chưa có người mua, còn nhà ở cho công nhân KCN thì không có nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Mặc dù Đà Nẵng đã có nhiều chính sách ưu đãi nhưng chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân KCN vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn - Ảnh: HC

Ngày 10/6, Sở Xây dựng Đà Nẵng cho hay, thực hiện chương trình có nhà ở trong chương trình "3 có" của TP, hiện trên toàn địa bàn đã và đang triển khai xây dựng 104 nhà chung cư với gần 13.700 căn hộ từ nguồn vốn ngân sách (86 nhà với 9.565 căn hộ) và nguồn vốn của các doanh nghiệp (18 nhà với 4.155 căn hộ).

Tuy nhiên chương trình nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp đang gặp rất nhiều khó khăn. Sở Xây dựng Đà Nẵng đã tham mưu cho TP đưa ra nhiều chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư lẫn người mua nhưng cả 2 vẫn chưa “gặp nhau”. Hiện giá bán mỗi căn hộ cho người thu nhập thấp là 400 triệu đồng/căn 60m2, cho nợ 50%. Đây là khung giá mà nhà đầu tư không có lãi nhưng vẫn chưa có người mua.

Về nhà ở cho công nhân KCN, trước đây Đà Nẵng đã giao Công ty Hưng Phú thi công khu nhà 5 tầng với 183 phòng, đáp ứng 1.464 chỗ ở. Nhưng do tiềm lực tài chính của nhà đầu tư khó khăn, công trình chậm tiến độ nên TP đã thu hồi từ tháng 4/2012 và chuyển thành dự án ký túc xá sinh viên tập trung do đơn vị khác tiếp tục xây dựng. Hiện khu chung cư cho công nhân và người thu nhập thấp ở KCN Hoà Khánh do Công ty cổ phần Địa ốc xanh Sài Gòn Thuận Phước đầu tư chỉ mới trong giai đoạn lập dự án với 3,944ha.

"Việc thu hút các nhà đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân đang hết sức khó khăn. TP Đà Nẵng cũng đã quan tâm giao đất sạch miễn phí, có cơ chế giảm thuế thu nhập doanh nghiệp... nhưng vẫn không có nhiều nhà đầu tư quan tâm" - Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Phạm Việt Hùng cho hay.

Để giải quyết tình trạng này, theo ông Hùng, các cơ quan chức năng cần linh động trong việc hỗ trợ vốn vay với lãi suất thấp cho doanh nghiệp, vốn đã được quy định tại Quyết định 66/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho công nhân tại các KCN thuê, nhưng thực tế doanh nghiệp rất khó tiếp cận với nguồn vốn vay này.

Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cũng đề nghị UBND TP kiến nghị Chính phủ sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi để đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân; đồng thời có quy định các doanh nghiệp trong KCN phải dành một phần vốn của mình để đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân.

Bên cạnh đó, ông Hùng cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm tra thật kỹ năng lực tài chính của các nhà đầu tư trước khi quyết định giao triển khai dự án nhà ở cho công nhân KCN. Thực tế cho thấy đã có hiện tượng nhiều nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính nhưng vẫn "nhảy" vào các dự án này, dẫn tới kéo dài thời gian triển khai, gây lãng phí trong việc sử dụng đất và khai thác chính công trình đó.

DiaOcOnline.vn - Theo Infonet