PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi. |
Nhận định về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới lỏng tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi, Giám đốc trường Đào tạo và Phát triển nhân lực VietinBank, cho rằng nếu cho vay để đầu cơ sẽ gây bất ổn.
* Bà nhận định thế nào về động thái hạ lãi suất vừa qua của NHNN?
- PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi: Việc hạ lãi suất là tất yếu. Kiềm chế lạm phát là ưu tiên hàng đầu nhưng không phải kiềm chế bằng mọi giá mà cần để nền kinh tế phát triển được về chất, để người lao động có công ăn việc làm, bất ổn xã hội giảm đi, như vậy yêu cầu về ổn định vĩ mô mới đạt được. Nếu kéo lạm phát xuống nhưng không nắn được dòng vốn vào chỗ cần thiết thì mới sợ lạm phát trở lại.
Quay lại câu chuyện lãi suất. Muốn hạ đầu ra phải hạ đầu vào. Nhưng thực chất, xã hội quan tâm nhiều đến việc doanh nghiệp tiếp cận vốn như thế nào. Nếu nói do độ trễ của chính sách thì độ trễ là bao nhiêu để nền kinh tế và doanh nghiệp tiếp cận được vốn - đó mới là chuyện cần bàn.
* Theo bà, liệu NHNN có mở nút thắt cho bất động sản (BĐS) quá sớm hay không và tại sao lại nới lỏng tín dụng cho một lĩnh vực đã từng góp phần gây ra những bất ổn vĩ mô?
- Nếu quy kết tất cả BĐS vào nhóm không khuyến khích hay phi sản xuất thì tôi không tán đồng. Nhưng nới lỏng cái gì trong nhóm đó thì cần phải cân nhắc. Tiếp vốn cho những dự án để nó nhanh chóng hoàn thành, có sức lan tỏa đến ít nhất là vài lĩnh vực khác thì nên, chẳng hạn như kéo theo các lĩnh vực sắt, thép, xi măng, nhà ở cho người lao động, các công trình đưa ngay vào khai thác, tạo ra khối lượng dịch vụ lớn cho xã hội... Nhưng nếu bảo tôi sẵn sàng cho anh vay để anh tiếp tục đầu cơ BĐS thì tôi cho là bất ổn. Khi xem xét nới lỏng tín dụng cần cân nhắc kỹ từng đối tượng một.
* Thống đốc NHNN đã khẳng định, trước đây chỉ cho vay mua nhà để ở, nay cho vay mua nhà để đầu cơ, đầu tư, để bán, để cho thuê... đều được?
- Đã gọi đầu cơ là chờ lên giá để đẩy hàng. Cũng phải thấy là trong thời gian qua, khi các sàn BĐS thu được lợi nhuận lớn, chả bao giờ thấy họ gọi đến chính phủ hoặc cơ quan quản lý nhà nước đề nghị xem xét vì sao tôi lãi nhiều thế. Hiện nay nhiều doanh nghiệp BĐS, sàn BĐS chủ yếu sử dụng vốn ngân hàng để kinh doanh theo kiểu “tay không bắt giặc”. Nhờ vốn ngân hàng mà anh đầu tư được một lượng BĐS nhất định. Giờ anh không bán được hàng, bị tồn đọng, bị lỗ, mà lại được tiếp vốn để đầu cơ chờ thị trường phục hồi mới bán thì khó chấp nhận. Theo tôi, chỉ nên nới lỏng tín dụng ở những phân khúc, đối tượng nhất định, còn nới để kinh doanh mua bán đất, nới để đầu cơ là tôi không đồng tình.
* Vậy theo bà, giải cứu BĐS sẽ là giải cứu ai, bởi có nhiều thành phần liên quan đến BĐS, doanh nghiệp nhà nước lẫn tư nhân, ngân hàng và cả cá nhân?
- NHNN nói đưa ra giải pháp này là để cứu nền kinh tế, cứu doanh nghiệp, nhưng mỗi động thái chính sách sẽ tác động đến một nhóm lợi ích nào đó.
Trong bối cảnh hiện nay, khi cầu giảm thì cầu nhà ở giảm trước tiên. Người ta không thể giảm ăn, giảm đi lại đến bằng 0 được, nhưng cầu nhà ở thì vẫn có thể giảm bằng 0 vì từ trước đến giờ không có nhà họ vẫn sống được. Giá BĐS được đẩy qua nhiều khâu đã vượt quá giá trị thật và với mức thu nhập bình thường của người dân, của công chức, không mấy khi họ vươn tới được mức giá đó.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: