Với những người yêu Hà Nội, sống và làm việc vì Hà Nội, dù là người Việt Nam hay người nước ngoài, dù là trí thức hay người dân thường, những ý kiến của họ về việc xây dựng, quản lý chợ đều đáng để các cơ quan chức năng quan tâm. Xin giới thiệu cùng bạn đọc những ý kiến sâu sắc, đầy tâm huyết của những người yêu… chợ Hà Nội.
“Trong quy hoạch hệ thống các công trình dịch vụ đô thị, chợ là một trogn 5 loại công trình dịch vụ cơ bản (4 loại khác là giáo dục, y tế, thể dục thể thao, văn hoá)… Đầu tư kinh phí lớn là thế mà thực trạng (chợ kết hợp trung tâm thương mại - PV) cho một kết cục như con tàu TITANIC, ngay chuyến ra khơi đầu tiên đã va phải tảng băng chìm. Các chợ truyền thống trong siêu thị, trung tâm thương mại diễn ra cảnh mua bán hắt hiu… trong khi các chợ xung quanh thì tấp nập… Đáng lo ngại là cho đến bây giờ, những nhận thức chưa đúng về việc xây chợ vẫn còn tồn tại” - KTS Nguyễn Văn Dũng - Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng)
“Cái gì của Ceasar thì trả lại cho Ceasar. Dù là quan điểm truyền thống hay hiện đại về phân phối hàng hoá, chợ vẫn có vị trí, vai trò và công năng riêng biệt, độc đáo như một thuộc tính của nó. Đứng nhầm chỗ, đứng nhầm vai hoặc sử dụng sai mục đích, chợ đều trở nên vô duyên” – PGS. TS Hoàng Thọ Xuân, PSG, TS Lê Trịnh Minh Châu (Viện nghiên cứu Thương mại)
Đầu tư kinh phí lớn là thế mà thực trạng cho một kết cục như con tàu TITANIC, ngay chuyến ra khơi đầu tiên đã va phải tảng băng chìm
|
"Muốn chuyển đổi gì thì chuyển đổi, chợ vẫn phải ra cái chợ. Nhìn từ ngoài vào cái chợ Hàng Da bây giờ, nhiều người không biết đó là cái chợ. Họ hỏi tôi, bà ơi, người ta làm cái gì ở trong đấy hả bà? Từ ngày họ xây chợ mới, tôi chỉ vào đó 1 lần. Còn bây giờ, muốn mua gì, người ta gánh đến tận ngõ." -
Bà chủ cửa hàng Phúc Ân - 41 phố Hàng Điếu.
"Tuy mặt ngoài chợ vẫn có cái biển ghi là “Chợ Cửa Nam”, nhưng đó chỉ là “biển đểu” thôi, bên trong thì “biến tướng”, chỉ còn một cái khoảnh rất nhỏ có bầy bán một số mặt hàng. Mà cái gì cũng đắt lắm, bày cho vui thế chứ ai mua?” -
người xe ôm trước cửa chợ Cửa Nam.
"Người ta xây hàng mấy trăm căn hộ lên chốc cái chợ Mơ cũ, rồi đây, người đến ở đông nghìn nghịt, toàn là người ngoại thành, ngoại tỉnh bán đất ruộng, đất phần trăm vào mua thôi. Rồi còn bãi đỗ của 500 cái ô tô nữa. Lúc ấy đường tắc, lại mở đường, lại lấy đất. Có khi chúng tôi lại phải dắt nhau đi chỗ khác ấy chứ" -
Bác Đàm Quang Hùng, (ngõ 490 Bạch Mai - đối diện với chợ Mơ)
"Tiểu thương chợ An Đông mỗi năm đóng góp cho ngân sách 60 tỷ đồng, trong khi đó, chợ Bến Thành là biểu tượng, biểu trưng của thành phố Hồ Chí Minh." -
một phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Hồ Chí Minh.
"Kẻ chợ và các chợ truyền thống Hà Nội là văn hoá sống, văn hoá thương mạinghìn năm ở Thủ đô. Hãy chú ý đến nhu cầu người dân, đừng áp đặt các Trung tâm thương mại mà thực chất là để mất các địa chỉ văn hoá, mất chỗ đất vàng vào tay các công ty.... Chưa nói là chỉ vài ít nữa, Trung tâm thương mại cũng thừa, bởi xu hướng mua bán trực tuyến đang phát triển mạnh. Rồi sẽ còn những hình thức mua bán khác tiên tiến hơn... Trung tâm thương mại cuối cùng làm cái việc cần làm, đó là xoá chợ truyền thống và dĩ nhiên đất ấy thành toà nhà cho thuê..." -
nhà báo Tân Linh.
"Nếu công nghiệp ô tô xe máy, tầu thủy, thép, ximăng, điện tử, giầy da, may mặc, chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, du lịch.... trong thời gian tới không thuận lợi thì có thể nông nghiệp với nông sản chất lượng cao có được ưu tiên cho kinh tế Hà Nội không? Nếu có, mô hình sẽ như thế nào để đóng góp tích cực, chủ động cho một ngã rẽ có nhiều hy vọng thành công cho phát triển kinh tế xã hội Thủ đô? -
KTS Trần Huy Ánh.
Chợ là của người dân. Vì thế, khi phá bỏ chợ, người cần phải được lấy ý kiến chính là người dân chứ không phải chỉ là sự thương lượng về mặt lợi ích kinh tế với những tiểu thương
|
“Hãy lưu ý đến những bài học kinh nghiệm ở nhiều nước phát triển phương Tây, như Pháp, Canada, Úc, Anh... sau nhiều thập kỷ từ bỏ chợ, đến nay, các quốc gia này đã phải quay lại mô hình chợ truyền thống. Tại các nước này, siêu thị đang nhường dần thị phần cho chợ thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp mua trực tiếp từ nông dân, cho các khu vườn cộng đồng. Việt Nam hãy cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra những kế hoạch xoá bỏ hay nâng cấp chợ truyền thống trong đô thị thành các trung tâm thương mại hay siêu thị, bởi thực tế đã cho thấy những gì mất đi sẽ khó có thể lấy lại được, hoặc sẽ chỉ lấy lại được với một giá rất đắt… Hãy làm sạch thay vì xoá bỏ các chợ để thay thế chúng bằng những siêu thị hay các chuỗi cửa hàng tiện ích lạnh lùng, vô cảm.” -
TS Stephanie Geertman (Tổ chức Health Bredge)
“Chia sẻ thông tin qua các kinh nghiệm quốc tế tạo thành một nguồn cảm hứng phong phú và ý tưởng để xây dựng một mô hình tổ chức và quản lý chợ tại Hà Nội và tại Việt Nam, kết hợp những ưu điểm chính của các chợ truyền thống, với sự đổi mới về cơ sở hạ tầng, dịch vụ và tổ chức cho phép các chợ gần đóng vai trò tích cực trong cuộc sống hiện đại, khoẻ mạnh và dễ chịu ở thành phố. -
Nguyễn Thị Tân Lộc (Trung tâm nghiên cứu Quốc tế phát triển nông nghiệp, Pháp - Cirad)
"Các khu chợ tồn tại như một điểm hẹn trong thành phố, gợi lại những hình ảnh thân thương xưa cũ, và chứa dựng các giá trị có sức lôi cuốn khách du lịch." -
PGS, TS Nguyễn Quốc Thông - (Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam)
“Điều quan trọng là tiếng nói của người bán hàng và khách hàng cần được cơ quan chức năng lắng nghe khi xây dựng các kế hoạch cải tạo lại chợ. Họ cần được tham gia công bằng vào các quá trình thương lượng, quy hoạch, thiết kế và xây dựng lại chợ” -
TS Stephanie Geertman.
“Chợ không phải của nhà nước, cũng không phải của tiểu thương. Chợ là của người dân. Vì thế, khi phá bỏ chợ, người cần phải được lấy ý kiến chính là người dân chứ không phải chỉ là sự thương lượng về mặt lợi ích kinh tế với những tiểu thương” -
KTS Trần Huy Ánh.
DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: