Top

Chỉnh trang đô thị bằng chính sách đột phá

Cập nhật 01/02/2018 10:40

Hôm nay 1-2, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị kêu gọi đầu tư thực hiện các dự án cải tạo, di dời nhà ven và trên kênh rạch trong kế hoạch chỉnh trang đô thị.

Tại hội nghị này, hàng loạt dự án về di dời nhà trên kênh rạch, cải tạo, xây mới chung cư cũ sẽ được đưa ra để kêu gọi sự tham gia của doanh nghiệp với những chính sách ưu đãi.

Nhiều dự án đang chờ nhà đầu tư

Về việc di dời và tổ chức lại cuộc sống cho người dân đang sống trên và ven kênh, rạch hiện có nhiều dự án, trong đó có những dự án thực hiện bằng ngân sách nhà nước (NSNN), dự án kêu gọi nhà đầu tư. Theo đó, nhóm dự án thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách gồm 52 dự án, quy mô di dời 14.403 căn; dự kiến kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khoảng 22.381 tỷ đồng.

Chỉnh trang đô thị là chương trình lớn của Đảng bộ TP, nhằm chăm lo đời sống người dân sống ven kênh, rạch nên cần kiên trì thực hiện. Vì vậy, yêu cầu từ sở - ngành đến quận - huyện phải xác định tinh thần như vậy để làm với quyết tâm lớn nhất. Đây là nhiệm vụ không thể lùi. Bởi hiện nay nhà trên và ven kênh rạch nhếch nhác, làm xấu bộ mặt đô thị, cuộc sống người dân khổ, vệ sinh môi trường bị ảnh hưởng… Các đơn vị khi thực hiện các giải pháp phải đặt trong tổng thể như thế, chứ không chỉ đưa dân đi và khai thác tối đa tính hiệu quả của quỹ đất. Như vậy khi mời thầu, thiết kế, quy hoạch 1/500 phải đồng bộ với những tiêu chí trên.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM
 
Đối với nhóm dự án đã có chủ trương đầu tư, trong đó nhóm dự án đã được ghi vốn bồi thường gồm 7 dự án, quy mô ảnh hưởng 2.205 căn, trong đó đã thực hiện bồi thường 1.678 căn, còn lại 526 căn. Tổng vốn bồi thường đã được ghi trong đợt 1 năm 2018 là 1.200 tỷ đồng, nhu cầu vốn bồi thường còn lại 987 tỷ đồng.  Nhóm dự án đã được ghi vốn chuẩn bị đầu tư gồm 18 dự án, quy mô ảnh hưởng 7.910 căn, dự kiến tổng kinh phí thực hiện khoảng 12.458 tỷ đồng. Nhu cầu vốn còn lại từ nay đến 2020 là 12.444 tỷ đồng.

Đối với nhóm dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), gồm 6 dự án với 6.223 căn, tổng mức đầu tư dự kiến 19.024 tỷ đồng. Cụ thể, một số dự án đang kêu gọi đầu tư như dự án cải tạo tuyến chính rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) đi qua địa bàn quận Bình Thạnh, Gò Vấp với tổng chiều dài khoảng 6,21km, 3 tuyến nhánh với chiều dài 1,94km, quy mô sử dụng đất 59,9ha, số bị ảnh hưởng 1.620 căn, tổng mức đầu tư khoảng 5.106 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khoảng 1.098 tỷ đồng. Dự án cải tạo rạch Văn Thánh có phạm vi thực hiện từ cầu Điện Biên Phủ đến ngã ba kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, qua các phường 19, 21, 22, quận Bình Thạnh, tổng chiều dài khoảng 1,5km. Tổng số căn bị ảnh hưởng 834 căn (toàn phần 694 căn, một phần 140 căn). Tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư 1.355 tỷ đồng. Dự án Khu nhà ở cao tầng dọc rạch Hiệp Ân tại phường 5, quận 8 có quy mô sử dụng đất 5,29ha, di dời 492 căn nhà trên và ven kênh rạch rạch Hiệp Ân.

UBND TP cũng đưa ra danh sách các chung cư xuống cấp cần xây mới thay thế, trong đó yêu cầu đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác lựa chọn chủ đầu tư đối với 13 chung cư cấp D, gồm 6 chung cư nguy hiểm: 128 Hai Bà Trưng, 23 Lý Tự Trọng (quận 1); Trúc Giang, Vĩnh Hội (lô A,B,C quận 4); 440 Trần Hưng Đạo (quận 5); 43 Bình Tây (quận 6). Và 7 chung cư hư hỏng nặng: 155-157 Bùi Viện (quận 1); 6Bis Nguyễn Tất Thành (quận 4); 47 Long Hưng, 137 Lý Thường Kiệt, 149-151 Lý Thường Kiệt, 40/1 Tân Phước, 170-171 Tân Châu (quận Tân Bình)…

Ảnh minh họa: LONG THANH

Cần cơ chế đột phá

Có thể nói khó khăn về nguồn vốn đầu tư rất lớn, do trước đây chương trình di dời nhà trên và ven kênh rạch chủ yếu từ vốn NSNN, các khoản hỗ trợ tài chính, vốn vay ODA  (nguồn vốn ưu đãi) từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm thuộc tiểu dự án nâng cấp đô thị. Song hiện nay ngân sách của TP đang cùng lúc phải cân đối cho các chương trình đột phát khác như giảm ùn tắc giao thông, chống ngập và giảm ô nhiễm môi trường. Vừa qua, theo định hướng kế hoạch tài chính, ngân sách giai đoạn 2017-2020, tỷ lệ TPHCM được giữ lại giảm từ 23% xuống 18%, nên trong thời gian tới việc chi đầu tư phát triển, đầu tư hạ tầng chắc chắn sẽ bị cắt giảm. Đồng thời, kể từ tháng 7-2017, WB đã chấm dứt cho vay vốn ưu đãi ODA với Việt Nam, tiến tới vay theo điều kiện thị trường (nguồn vốn không ưu đãi của Hiệp hội phát triển quốc tế - IDA). Theo đó, nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên 2-3,5%. Trong bối cảnh điều tiết ngân sách chung và hạn chế từ nguồn vốn vay ODA, càng phải đẩy mạnh xã hội hóa để đầu tư các dự án hạ tầng và cho chương trình di dời nhà ở trên và ven kênh rạch.

Hiện nay, chủ trương chung của Thành ủy và UBND TP là huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội cùng tham gia đầu tư các dự án chỉnh trang và phát triển đô thị, giảm tối đa việc chi từ NSNN. Tuy nhiên, TP vẫn phải thực hiện chỉnh trang đô thị bằng nguồn vốn ngân sách đối với các tuyến rạch nhánh, rạch nhỏ, không thực hiện mở biên chỉnh trang hoặc không có giá trị thương mại, không hấp dẫn các nhà đầu tư. Theo kết quả phân nhóm kênh rạch do các quận huyện báo cáo, dự kiến vốn ngân sách cần cân đối, phân bổ cho các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch cho giai đoạn 2016- 2020 hơn 22.381 tỷ đồng.

Để đảm bảo tính khả thi về mặt tài chính cho dự án TP phải thu xếp được quỹ đất khác có giá trị tương đương để bù đắp phần kinh phí thiếu hụt giữa giá trị quỹ đất và chi phí đầu tư bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án. Bên cạnh đó, TP hiện có 73 dự án BT (xây dựng, chuyển giao) đang triển khai, cần cân đối quỹ đất có giá trị khoảng 200.000 tỷ đồng để thanh toán cho nhà đầu tư. Song chủ trương của Chính phủ không cho phép thực hiện theo phương thức thanh toán dự án BT bằng quỹ đất từ sắp xếp cơ sở nhà đất. Do đó, về thủ tục đầu tư cần phải có tính đột phá.

Nhìn chung, hệ thống các quy định pháp luật trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng và phát triển đô thị chưa có các quy định riêng, đặc thù cho các đô thị đặc biệt như Hà Nội và TPHCM, chưa có cơ chế cho phép chỉ định chủ đầu tư đối với các dự án chỉnh trang đô thị nói chung, đặc biệt đối với các dự án di dời các hộ dân đang sống trên và ven kênh rạch. Trong khi đó, trình tự đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án mất rất nhiều thời gian, khi tổng thời gian thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư tối thiểu 647 ngày (khoảng 29 tháng) đối với trường hợp đấu thầu, và tối thiểu 572 ngày (khoảng 27 tháng) đối với trường hợp chỉ định nhà đầu tư. Do đó TP sẽ đưa ra nhiều chính sách mang tính đột phá để thu hút nhà đầu tư.

DiaOcOnline.vn - Theo SGĐT