Top

Chỉ thị 01: Chứng khoán ngóc lên, BĐS cúi đầu

Cập nhật 27/02/2012 09:35

Đã không cần đến bất cứ động thái giảm lãi suất nào của Ngân hàng nhà nước khi trong thực tế TTCK vẫn tiếp tục đà phục hồi của nó. Còn bất động sản? Hãy cứ đợi đấy!

Thị trường đầu cơ: Không cần giảm lãi suất nữa!


Từ thời điểm chính thức lập đáy vào tuần đầu tháng 1/2012, TTCK này đã có một cú tăng vượt quá mong đợi của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Một lần nữa, Chỉ thị 01 và công văn 674 của NHNN cần được nhìn lại dưới một chiều cạnh khác. Khi các văn bản này được ban hành vào ngày 13/2, đã có không ít dư luận tỏ ra lo ngại về việc cả chứng khoán lẫn bất động sản đều bị "siết" tín dụng. Cách nhìn này có vẻ đúng nếu chỉ xét đến những cụm từ mang tính hình thức như "không khuyến khích" và "room" cho vay tối đa 16% của các ngân hàng đối với chứng khoán và BĐS.

Nhưng nếu để ý kỹ hơn, có thể nhận thấy là vào đầu năm 2011, cũng với chỉ thị số 01 về kế hoạch tín dụng trong năm, NHNN đã chỉ đề cập chung nhất về sự cần thiết hạn chế cho vay đối với khu vực phi sản xuất chứ không "hàm ý" về việc các ngân hàng vẫn có thể cho vay như trong công văn 674 kèm theo Chỉ thị 01 vào đầu năm 2012.


Kết quả đáng ghi nhận là chứng khoán đã trở thành thị trường được phục hồi đầu tiên. Không chỉ phục hồi, điều mà giới đầu tư mong đợi cũng đã xảy đến khi thị trường này tự nâng mức thanh khoản lên hàng ngàn tỷ đồng trên hai sàn, thậm chí có những phiên giao dịch lên đến 1.200-1.300 tỷ đồng, vượt xa con số 400-500 tỷ đồng vào giai đoạn cuối năm 2011.

Cũng đã diễn ra một động thái "cộng hưởng" nào đó từ phía Trung Quốc. Vào ngày 18/2/2012, Ngân hàng trung ương của quốc gia này đã hạ 0,5% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại - một động tác đã được dự kiến tiến hành từ trước tết mà các hãng tin Bloomberg, CNN... đặc biệt quan tâm. Rõ ràng, đây chính là động thái nới lỏng tín dụng của chính phủ Trung Quốc nhằm bơm thêm tiền cho thị trường và do đó khôi phục phần nào đó cho các TTCK lẫn thị trường BĐS đang có nguy cơ giảm mạnh giá trị giao dịch.

Chứng khoán: "Đánh lên"?

Hiện tượng TTCK Việt Nam bất ngờ phục hồi cũng một lần nữa chứng minh cho tính không thể dự đoán được của nó. Cần nhắc lại, trong con sóng lao dốc và bán tháo cổ phiếu vào cuối năm 2008, đầu năm 2009, thị trường này đã không có bất kỳ biểu hiện nào về khả năng hồi sinh. Cũng như giai đoạn cuối năm 2011, khi đó mặt bằng giá cổ phiếu đã giảm đến 70-80% so với giá trị đỉnh của nó được thiết lập vào tháng 3/2007. Tuy thế, sự kỳ lạ và trái khoáy lại là một đặc trưng không tồi của TTCK.

Nếu sau khi kết thúc tuần đầu sau tết Nhâm Thìn với ấn tượng tiếng cồng khai trương sàn giao dịch chứng khoán của bộ trưởng tài chính Vương Đình Huệ, đã có thể khẳng định chuyện TTCK đã chính thức lập đáy, với VNI tại 366 điểm và HNX tại 55 điểm; thì cho đến nay, đã hoàn toàn chắc chắn về một xu thế phục hồi "bền vững" của thị trường này.

Chỉ thị 01 và công văn 674 vì thế cũng đang phát huy cái tác dụng "vô tình" của chúng. Có ý nghĩa như một động thái đầu tiên đề cập đến tín dụng đối với chứng khoán, hai văn bản này đã tạo ra một "tác dụng phụ" mà chỉ giới thạo tin và những nhà đầu tư nhạy cảm mới nhận biết được. Một hiện tượng rất đáng lưu tâm đối với giới phân tích là sau khi hai văn bản này ra đời, TTCK đã có một bước chuyển ngoặt lên, báo hiệu cho sự chuyển mình vào giai đoạn tăng nóng.

Cũng đáng lưu ý không kém là ngay trước và sau khi ban hành Chỉ thị 01 của NHNN, một số ngân hàng thương mại lớn đã giảm dần lãi suất cho vay. Sau BIDV, những ngân hàng vốn trước đây chỉ quen "nhìn ngó" như Vietcombank, Vietinbank, thậm chí cả một ngân hàng có dư nợ xấu khá cao như Agribank cũng đã tham gia vào chiến dịch "hỗ trợ doanh nghiệp".

Tất nhiên, hỗ trợ như thế nào và hiệu quả hỗ trợ ra sao vẫn còn là vấn đề cần tranh cãi, nhất là khi đại đa số doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu và kể cả nông nghiệp vẫn chưa thể "tiếp cận được nguồn vốn vay giá rẻ". Nhưng ít nhất, đã diễn ra một hiện tượng có tính hệ thống và có tính xu thế về giảm dần lãi suất, mang lại hy vọng thêm một lần nữa cho khối doanh nghiệp đang đói vốn trầm trọng.

Bất động sản: hãy đợi đấy!


Tuy vậy, ngay vào lúc này hoặc trong ngắn hạn, vẫn chưa thể khẳng định là Chỉ thị 01 và công văn 674 có tác dụng trực tiếp về dòng tín dụng cho TTCK và thị trường BĐS. Cùng với việc một số ngân hàng có xu hướng giảm dần lãi suất cho vay, việc các ngân hàng này xúc tiến cho vay thật sự đối với chứng khoán và BĐS nhiều khả năng sẽ diễn ra, nhưng không phải một sớm một chiều. Mà thời gian có thể phải tính bằng quý.

Tiến độ cho vay của các ngân hàng cũng phụ thuộc rất lớn vào chủ trương kéo giảm mặt bằng lãi suất của NHNN. Chỉ trương này lại phụ thuộc vào lạm phát và... tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Nói chung, có hàng loạt lý do hoặc cái cớ để người ta có thể vận dụng nhằm đạt được mục đích của mình.

Vì thế, những dự báo của giới chuyên gia vẫn tỏ ra có lý khi sớm nhất phải qua tháng 6/2012, tín dụng cho khu vực "không khuyến khích" mới có thể mở rộng hơn.

Riêng với BĐS, giai đoạn 6 tháng đầu năm và có thể cả trong quý 3/2012 vẫn là thời gian "gom hàng giá rẻ". Khác hoàn toàn với chứng khoán, thị trường này vẫn tiếp tục "ngủ đông" tại nhiều phân khúc và nhiều khu vực. Hy vọng duy nhất cho thị trường này trong 6 tháng đầu năm nay chỉ có thể là sự hồi sức nhẹ tại một vài khu vực cục bộ.

Cũng bởi thế, trong khi chứng khoán đã thoát đáy và nhà đầu tư đang bắt đầu hình dung sẽ "lấy lại những gì đã mất", thì nhiều doanh nghiệp BĐS vẫn đang gồng mình trả lãi vay cho ngân hàng, trước mắt vào cuối quý 1 và cuối quý 2 năm 2012. Nếu qua hai thời điểm này mà doanh nghiệp BĐS không thể thu xếp với ngân hàng về các khoản cần phải đảo nợ, điều đó cũng có nghĩa là họ sẽ phải bị "ép" vào hai tình huống: hoặc phải chấp nhận bán tháo bằng mọi cách sản phẩm tồn đọng của mình, hoặc để cho ngân hàng được quyền phát mãi tài sản với giá hết sức rẻ rúng.

Nhưng ngân hàng - khối thương mại đã tồn tại "trên nỗi đau của doanh nghiệp" vào năm 2011, lại vẫn sẽ ung dung trong năm nay. Một khi nợ xấu BĐS không phải là vấn đề quá "xấu", như những lãnh đạo của NHNN khẳng định, bất cứ doanh nghiệp BĐS nào không có khả năng trả nợ sẽ đều có thể được "giải quyết" nhanh gọn bằng chính nguồn vốn dồi dào của các ngân hàng.

DiaOcOnline.vn - Theo VEF