Top

'Chết' vì đem lợi nhuận sản xuất đầu tư chứng khoán, địa ốc

Cập nhật 17/08/2012 08:00

Thay vì dành tiền lãi kiếm được tái đầu tư sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp lại đem "nướng" vào ngành rủi ro như bất động sản, chứng khoán. Theo các chuyên gia, đây là sai lầm khiến họ "chết dở" như hiện nay.

Tại cuộc tọa đàm về chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tín dụng, nhiều chuyên gia và bản thân doanh nghiệp - ngân hàng tiếp tục "mổ xẻ" những khó khăn về tín dụng hiện nay. Riêng chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đã đưa ra những nghịch lý trong cơ cấu dòng tiền của các doanh nghiệp. Lâu nay, nền kinh tế Việt Nam vẫn bị coi là phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn ngân hàng, ít doanh nghiệp có nguồn vốn tự lực lớn, phần nhiều vẫn phải trông chờ vào các nhà băng.

Ông Ánh cho biết, nguyên nhân các doanh nghiệp "chết" nhiều là họ đã đổ dòng tiền vào sai chỗ. Chuyên gia này phân tích: "Một số năm, doanh nghiệp làm ăn có lãi lớn nhưng họ lại chuyển khoản lợi nhuận này để đầu tư vào chứng khoán, bất động sản trong khi tiền sản xuất kinh doanh lại đi vay ngân hàng. Như vậy, phần tiền đáng lẽ ra họ tự chủ được lại ném vào ngành nghề đầu tư rủi ro trong khi tiền để kinh doanh lại không có, vẫn phụ thuộc vào ngân hàng".

Nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đã "chuốc họa vào thân" vì đem tiền đầu tư vào bất động sản. Ảnh: Hoàng Hà.

Các chuyên gia cho rằng cần phải làm rõ quy mô tín dụng nền kinh tế đã đổ vào bất động sản là bao nhiêu. "Tôi quen không dưới chục người có những dự án bất động sản đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Như vậy đủ thấy dân ta đổ tiền vào đây nhiều như thế nào. Theo tôi, cần đánh giá chính xác tồn kho bao nhiêu ở bất động sản", chuyên gia Vũ Đình Ánh đề xuất.

Cách đây một tháng, trong cuộc đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp, chính Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, một số doanh nghiệp đổ vỡ thời gian vừa qua là do sử dụng vốn ngân hàng không đúng mục đích. Thống đốc Nguyễn Văn Bình lấy dẫn chứng: "Ví dụ vay hàng trăm tỷ với lý do làm thủy sản để trả tiền nông dân. Nhưng doanh nghiệp thực tế dùng tiền đó vào bất động sản. Nhưng rồi không thu hồi vốn được nên họ vỡ nợ, vừa không trả được ngân hàng lại nợ nông dân. Tôi nói đùa, các anh làm thủy sản, anh mệnh thủy mà đi đầu tư vào thổ nên thua".

Bản thân các ngân hàng thương mại lẫn Ngân hàng Nhà nước đang vô cùng bế tắc trong việc xử lý tài sản thế chấp là bất động sản. Theo thông tin được Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Hữu Nghĩa cung cấp, 85% các khoản nợ trong số hơn 200.000 tỷ nợ xấu (tính đến 31/3) đều được bảo đảm bằng tài sản. Tổng giá trị tài sản bảo đảm bằng 135% tổng nợ xấu.

Tuy nhiên, hầu hết tài sản thế chấp là nhà, đất hoặc dự án bất động sản trong khi các ngân hàng chỉ giải ngân khoảng 50% giá trị tài sản thế chấp đó. Chuyên gia Vũ Đình Ánh thông tin, nhiều doanh nghiệp địa ốc bây giờ còn tuyên bố, nếu ngân hàng đòi nợ họ thì ngoài phải tiếp nhận khối bất động sản đó còn phải trả thêm cho họ 50%. Lý do là trước đây ngân hàng chỉ cho vay 50% giá trị tài sản đó.

Tại buổi tọa đàm, đại diện khối doanh nghiệp, ông Nguyễn Huy Khách (Công ty TNHH Vĩnh Hưng Thịnh) cũng than thở về việc hàng tồn kho đang rất nhiều. Ông Khách đặt vấn đề tại sao trước đây họ bán được hàng nhiều còn giờ thì không thể. "Do người trúng chứng khoán, bất động sản trước đây rất nhiều nên họ sẵn sàng mua hàng mà không cần suy nghĩ. Còn bây giờ sức mua thực của nền kinh tế suy giảm mạnh", ông Nguyễn Huy Khách lý giải. Đại diện doanh nghiệp này còn chia sẻ, mặc dù họ đã cố gắng giảm giá tới mức lỗ mà hàng vẫn không đẩy đi được.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress