Nguồn cung căn hộ dịch vụ sẽ bùng nổ vào năm 2013. (Ảnh: Đ.Hà). |
Việt Nam là điểm đến ưa thích thứ 11 của các công ty đa quốc gia luân chuyển nhân sự vào 2013-thời điểm hàng loạt dự án căn hộ hoàn thành.
Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc điều hành CBRE Việt Nam nhận định nguồn cung tương lai tiếp tục tập trung tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM với xu hướng dịch chuyển ra ngoài khu trung tâm với giá thuê thấp hơn để cạnh tranh.
TPHCM tiếp tục dẫn đầu về nguồn cung tương lai với hơn 4.500 căn hộ. Các dự án sẽ rời ra rìa khu trung tâm như quận 3, quận 2 và quận 7 (một số là các dự án nhà ở được chuyển đổi công năng), thậm chí còn lan đến những khu vực đang phát triển như quận Tân Bình và Phú Nhuận.
Tại Hà Nội, nguồn cung tương lai giảm với 938 căn, chủ yếu tập trung về khu vực phía Tây như Từ Liêm, Cầu Giấy hay các quận ven trung tâm như Tây Hồ, Ba Đình.
Các dự án tiếp tục dời tiến độ khai trương. Cuối năm 2011, Hà Nội và TPHCM sẽ chào đón 5 dự án căn hộ dịch vụ mới gồm Keangnam Landmark 72 (cung cấp cho Hà Nội 378 căn), các dự án khách sạn Nikko, Saigon Mansion, The Vista, An Phú Superior Villa Compound (cung cấp cho thị trường TPHCM 241 căn.
Nguồn cung mới chủ yếu tập trung vào năm 2012 và 2013 nhưng 85% đang trong giai đoạn quy hoạch. Do vậy, kế hoạch thi công có thể phải xem xét lại tùy điều kiện kinh tế vĩ mô.
Nhìn lại tổng quan thị trường căn hộ dịch vụ quý 3/2011, theo thống kê của CBRE, TPHCM dẫn đầu số lượng căn hộ dịch vụ với 3.590 căn, tiếp đến là Hà Nội với 2.300 căn, đứng thứ ba là Đà Nẵng - 146 căn.
Về giá cả, tại TPHCM, giá chào thuê căn hộ hạng A sau khi chạm đáy vào quý 3/2009 đã tăng lên 12,8%, đạt mức 37,58 USD/m2/tháng. CBRE nhận định căn hộ hạng A có tiềm năng lâu dài khi giá thuê tăng tới 10,5% và tỷ lệ trống giảm 11,6 điểm phần trăm so với quý 3/năm 2010.
Ngược lại, căn hộ hạng B giá giảm 8,7% so với cùng kỳ. Một số dự án đang trong giai đoạn điều chỉnh, đặc biệt là các dự án đã hoạt động lâu năm trên thị trường nhằm bắt kịp xu hướng và đẳng cấp sang trọng mới đang thịnh hành trên thị trường. Các dự án tiêu biểu đang nâng cấp là Saigon Sky Garden và Somerset Hồ Chí Minh.
Trong khi thị trường TPHCM phân chia theo hạng căn hộ thì thị trường Hà Nội được chia theo phương thức quản lý - gồm căn hộ do nước ngoài quản lý và căn hộ tự quản lý. Trong đó, giá chào thuê chỉ tăng khoảng 2%. Mức tăng mạnh nhất được ghi nhận tại các dự án có quản lý nước ngoài (6%) sau khi giảm nhẹ vào quý 2.
CBRE cũng cảnh báo sự cạnh tranh khốc liệt sẽ diễn ra trên thị trường căn hộ dịch vụ khắp Việt Nam khi xu hướng cá nhân mua biệt thự và căn hộ để cho thuê lại vẫn sẽ tiếp diễn. Điều này sẽ giúp bình ổn hoặc thậm chí giảm giá thực thuê tại nhiều dự án, nhất là những dự án không có nhiều dịch vụ.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, xu hướng căn hộ dịch vụ sẽ ít phòng ngủ với kích thước nhỏ hơn (1 - 2 phòng ngủ), đối tượng hướng tới là các chuyên gia trẻ độc thân, công tác ngắn hạn, theo dự án (thời hạn thuê dưới 1 năm), kiểu căn hộ như ở nhà với không gian sống yên tĩnh và lưu lượng khách viếng thăm ít.
Bên cạnh giá thuê tháng, đơn vị quản lý sẽ chào giá thuê theo ngày, cạnh tranh trực tiếp với phân khúc khách sạn.
CBRE cho rằng tiềm năng căn hộ dịch vụ của Việt Nam còn rất lớn do FDI tăng, thặng dư thương mại và tăng trưởng sản xuất lớn, tỷ lệ đô thị hóa cao và sự gia tăng số lượng khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, phân khúc này hiện đang bị bỏ ngỏ và thiếu hut nguồn cung lớn.
Ông Marc Townsend dẫn chứng, trong khi số lượng căn hộ dịch vụ cho thuê hiện hữu tại TPHCM vào cuối quý 3/2011 là 3.590 căn hộ, số lượng giấy phép lao động cấp cho người nước ngoài trong năm 2010 tại thành phố này là 6.700, chưa kể số lượng lớn lao động chui.
DiaOcOnline.vn - Theo DVT
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: