Top

Cấp giấy hồng mới: Tính cách tháo gỡ để dân đỡ vất vả

Cập nhật 07/04/2010 08:10

Sau hai số báo ra ngày 5 và 6-4 phản ánh những phiền hà, lãng phí phát sinh từ việc hễ đổi chủ sở hữu, sử dụng là phải đổi giấy chứng nhận, báo Pháp Luật TP.HCM nhận được nhiều ý kiến đồng tình.

Đa số mong muốn luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản (phần cấp giấy chứng nhận) và Nghị định 88/2009 sớm sửa đổi quy định này.

Sơ sài quá khó xử lý

Hiện tại, thời gian công chứng hợp đồng chuyển nhượng nhà đất được rút ngắn đáng kể (có thể là trong ngày hoặc một, hai ngày) và không hề có sự phân biệt nhà đất đó có giấy chứng nhận cũ hay mới. Tuy nhiên, do giấy mới không thể hiện được quá trình tạo lập nhà đất (thông qua việc mỗi lần chuyển nhượng phải được cấp giấy mới) nên các cơ quan công chứng khó có cơ sở xác định đó là tài sản thuộc sở hữu riêng hay sở hữu chung, được cho hay được thừa kế…

Để có thể công chứng hồ sơ, chúng tôi buộc phải đề nghị người dân xuất trình các giấy tờ xác định việc này. Ngặt nỗi, khi cấp giấy mới thì các quận, huyện đều thu hồi lại giấy cũ kèm theo hồ sơ liên quan nên trong nhiều trường hợp, người dân phải mất công đi trích lục hợp đồng, văn bản khai nhận di sản, xin cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân…


Bản vẽ nhà đất là một trong những khâu mà người dân ngán ngẩm khi làm thủ tục cấp giấy mới. Ảnh minh họa: HTD

Nếu giấy chủ quyền nhà đất được thiết kế tựa như bằng khoán điền thổ thời chế độ cũ để có thể ghi nhận đầy đủ lý lịch thửa đất, căn nhà thì các cơ quan công chứng cũng tiện việc công chứng và người dân cũng đỡ bị phiền hà. (Ông Hoàng Xuân Hoan, Trưởng phòng Công chứng số 2, TP.HCM)

Nếu được cập nhật thì rất mừng

Ngay từ bước góp ý cho việc xây dựng nghị định về cấp giấy, hầu như các quận, huyện trong TP.HCM đều đề xuất được cập nhật trên trang 4 giấy chứng nhận khi có sự thay đổi về chủ sở hữu. Thế nhưng sau đó quy định vẫn được ban hành theo hướng cứ đổi chủ là đổi giấy.

Nói thật, nếu được cập nhật thì chúng tôi rất mừng, đỡ tốn thời gian, tiền bạc của người dân cũng như cơ quan nhà nước. (Bà Nguyễn Thị Phấn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận 5)

Sẽ tiếp tục tháo gỡ vướng mắc


Một số địa phương đã có phản ánh đến Bộ về những vướng mắc trong việc cấp giấy mới, trong đó có đề nghị khi người dân mua bán nhà đất thì ghi tên chủ mới vào trang 4 của giấy đã có, không cấp giấy mới. Trên tinh thần cầu thị, chúng tôi đang xem xét các ý kiến này và sẽ tính cách tháo gỡ.

Về phía Tổng cục, chúng tôi cũng nhận thấy việc cấp giấy còn nhiều cái vướng. Như cách ghi nhận việc thế chấp để vay vốn ngân hàng vào trang 4 như hiện nay là bất hợp lý. Vì thời gian thế chấp ngắn, chỉ vài lần ký là hết giấy. Sau đó phải đổi giấy sẽ rất phiền hà… (Ông Lê Văn Lịch, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường))

Chỉ nên cấp giấy mới khi có yêu cầu


Theo tôi, không cần thiết nhà có nhiều đồng thừa kế thì phải cấp nhiều giấy khác nhau. So với việc cấp chung một giấy cho nhiều người, việc cấp giấy riêng cho từng người gây mất thời gian, lãng phí. Chẳng hạn, nhà có ba người thừa kế A, B, C. Khi cấp giấy cho A thì phải ghi ngay trang đầu là A đồng sở hữu với B, C; cấp giấy cho B thì phải ghi B đồng sở hữu với A, C; cấp giấy cho C thì phải ghi C đồng sở hữu với A, B. Quá mất công với việc nhặt ra từng người để không bị trùng tên, nhất là khi cả A, B, C đều không có nhu cầu được cấp giấy riêng!

Chính vì thế, tôi ủng hộ phương án ghi tên chủ mới vào trang sau của giấy. Trường hợp người nhận chuyển nhượng nào đó muốn được cấp giấy mới thì các quận, huyện có thể cấp giấy mới, còn không thì thôi. (Ông Phan Văn Cheo, Văn phòng Công chứng Sài Gòn)

Cách quản lý nhà đất của thời trước

Theo công chứng viên Phan Văn Cheo, chứng từ sở hữu bất động sản ở thời Pháp được gọi là bằng khoán điền thổ do ty điền địa lập cho toàn vùng. Bằng khoán này có nhiều trang, được sử dụng cố định trong thời gian dài. Trang chính ghi tên chủ sở hữu, diện tích, vị trí; các trang sau ghi tất cả giao dịch như thế chấp, mua bán, thừa kế, phân chia… (nếu hết chỗ ghi thì bổ sung thêm trang). Muốn mua bán nhà đất, người dân phải đến chưởng khế lập chứng thư đoạn mãi. Cơ quan này sẽ gửi thông tin đến ty điền địa kiểm tra và sau đó ty sẽ ghi tên người mua vào trang sau của bằng khoán.

Nếu không có bằng khoán thì người dân chỉ được mua bán nhà, không được mua bán đất (người mua phải trả tiền thuê đất hằng tháng cho chủ đất) và phải đến quận trưởng hay quận phó ký giấy. Trong trường hợp này, người dân phải tự chịu trách nhiệm về lời khai của mình và nếu khai gian thì có thể đi tù.

Vẫn trần ai với bản vẽ

Theo Thông tư 17/2009 của Bộ TN&MT, người dân không bị buộc phải nộp bản vẽ đất. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có nhiệm vụ trích bản đồ địa chính để làm sơ đồ thửa đất in vào giấy chứng nhận cho người dân.

Tuy nhiên, theo các cán bộ cấp giấy, bản đồ địa chính của TP.HCM có từ năm 2004 đến 2005. Đến nay do hiện trạng nhà đất thay đổi quá nhiều nên bản đồ này giờ bị lạc hậu. Chưa kể, qua thực tế sử dụng cho thấy có trên 30% bản đồ bị sai! Vì thế các quận, huyện không thể sử dụng bản đồ này để vẽ sơ đồ đất cho dân.

Việc vẽ lại sơ đồ nhà đất từ những bản vẽ cũ cũng khó khả thi bởi các bản vẽ đó không có tọa độ ranh, góc, không phù hợp với bản vẽ hiện hành. Cán bộ thụ lý không thể dựa vào đó vẽ lại cho dân vì sợ không chính xác, dễ phát sinh tranh chấp sau khi cấp giấy. Trường hợp cán bộ thụ lý tự đi thực tế và đo vẽ lại sơ đồ nhà đất thì thời gian cấp giấy sẽ kéo dài, mà cũng không đủ người để làm.
 


>>Chờ giấy hồng, nhiều giao dịch án binh bất động

>>Cấp giấy hồng mới: Cải “lùi”, khổ dân


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP