Sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai vẫn còn tồn tại ở hầu hết các địa phương, trong khi phương pháp định giá đất nhiều bất cập nên dễ bị lợi dụng khiến NSNN thất thu lớn, người dân cũng thiệt hại lớn. Hoàn thiện phương pháp xác định giá đất là vấn đề cốt lõi tránh lợi dụng, bịt chỗ hổng thất thoát lãng phí.
Đất công và hiện tượng tư nhân hóa ngầm
Hàng loạt các kiểu sai phạm, và các hành vi lợi dụng, các lỗ hổng trong quản lý đất đai đã được chỉ ra tại Hội thảo về “Kiểm toán việc quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường và những vấn đề đặt ra” do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức.
Hội thảo đã nhắc tới nhiều sai phạm trong quản lý đất công được phát hiện gần đây. Ðáng chú ý là sự thất thoát không chỉ do định giá thấp, mà còn qua việc chuyển sở hữu, “tư nhân hóa ngầm” đất công thông qua việc chuyển từ hợp đồng hợp tác kinh doanh, theo tỷ lệ góp vốn và phân chia lãi lỗ, thành chuyển nhượng luôn khu đất sang tay tư nhân theo “quy trình tắt”, không công khai và không qua đấu giá...
Đất đai là tài nguyên có hạn nên cần quản lý chặt chẽ để tối ưu hiệu quả sử dụng
Đơn cử như việc có tỉnh “cho mượn” trái quy định hơn 17.000 m2 đất công thuộc công viên làm sân tập golf trong suốt 48 năm. Rồi hiện tượng lách luật, tách lô đất lớn thành nhiều thửa có giá trị dưới 10 tỷ đồng để cho thuê đất theo bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành, thay vì đấu thầu theo quy định, làm giảm nguồn thu NSNN. Hay vụ 30 ha đất công ở TP.Hồ Chí Minh suýt bị chuyển nhượng với giá chỉ 419 tỷ đồng (1,29 triệu đồng/m2) trong khi giá thị trường không dưới 2.000 tỷ đồng...
TS. Vũ Đình Ánh thẳng thắn chỉ ra 3 nhóm sai phạm nghiêm trọng nhất. Trong đó sai phạm gây tổn thất nhiều nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội là đất để hoang hóa hay giữ đất mà dự án chậm triển khai, hoặc sử dụng đất không đúng mục đích, giao đất không qua đấu giá, chuyển nhượng dự án sai phép… Tình trạng nghiêm trọng nhất là biến đất nông nghiệp, đất rừng thành đất ở, đất sản xuất kinh doanh trái pháp luật.
Nhóm vi phạm thứ hai là không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Có những dự án đổi đất lấy hạ tầng gây thất thoát là “khủng khiếp” khi dự án được xây dựng khống lên, giá trị đất khu vực đổi thì bị “dìm xuống”, gây thiệt hại kép cho Nhà nước.
Nhóm vi phạm thứ ba là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về quản lý đất đai. Nguyên nhân cơ bản là do sự buông lỏng quản lý của cấp có thẩm quyền, thậm chí dung túng, lạm quyền. Điều này khiến sai phạm nối tiếp sai phạm, gây thiệt hại lên tới hàng ngàn tỷ đồng như một số vụ án đang xét xử.
“Một phi vụ sai phạm liên quan đến đất đai không dưới vài ngàn tỷ đồng. Nếu xét trên phạm vi cả nước, sai phạm về đất đai cũng phải lên tới vài trăm ngàn tỷ đồng”, TS. Vũ Đình Ánh đánh giá.
Định giá rẻ: Nhà nước thất thu, người dân thiệt hại
Những câu chuyện nóng về đất đai được nhắc lại tại hội thảo với một thông điệp: Quản lý đất công đang có quá nhiều kẽ hở cả về quy định và việc vận dụng, chấp hành luật pháp. Trong đó, chính quy định về phương pháp định giá đất là kẽ hở lớn. Theo quy định hiện hành có 5 phương pháp xác định giá đất, song kết quả xác định giá giữa các phương pháp chênh lệch với nhau khá lớn, trong khi luật pháp cũng không bắt buộc áp dụng phương pháp nào. Đây là một lỗ hổng dễ bị lợi dụng để trục lợi. Giá đất được xác định quá rẻ so với giá trị thị trường chẳng những sẽ khiến ngân sách bị thất thu, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người dân khi bị thu hồi đất.
Theo TS. Hồ Đức Phớc - Tổng KTNN, những vụ việc sai phạm, tham nhũng lớn có liên quan đến đất đai chiếm tỷ lệ cao trong thời gian gần đây là do chấp hành pháp luật đất đai không nghiêm, quản lý lỏng lẻo thiếu trách nhiệm từ các cấp quản lý; nhưng cũng có phần do quy định pháp luật lỏng lẻo, chồng chéo, bất hợp lý, gây nên sự lúng túng, hiểu nhầm, cố tình lợi dụng để gây sai phạm làm thất thoát NSNN.
Mặc dù KTNN đã và đang triển khai thực hiện một số cuộc kiểm toán chuyên đề về đất đai, đã kiến nghị xử lý tài chính, truy nộp ngân sách nhiều ngàn tỷ đồng, và kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai. Nhưng kiểm toán mới chú trọng kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ với NSNN mà chưa đánh giá toàn diện, đánh giá tính kinh tế, tính hiệu quả và hiệu lực đối với hoạt động quản lý, sử dụng đất đai, đánh giá kiến nghị sâu về thay đổi cơ chế, chính sách của Nhà nước.
Vì vậy, KTNN sẽ kiến nghị với Chính phủ để có những quy định cụ thể, để việc quản lý sử dụng đất phải theo mục đích đã định, không được chuyển đổi mục đích sử dụng. Nếu DN không có nhu cầu sử dụng đất thì phải trả lại cho Nhà nước để tiến hành đấu giá. KTNN cũng kiến nghị hoàn thiện phương pháp định giá đất, trong đó chỉ lấy phương pháp tối ưu như phương pháp so sánh trực tiếp do phản ánh sát giá thị trường. “Việc hoàn thiện pháp luật về đất đai là hết sức quan trọng, trong đó, hoàn thiện phương pháp xác định giá đất là vấn đề quan trọng, cốt lõi tránh lợi dụng, bịt chỗ hổng thất thoát lãng phí”, TS. Hồ Đức Phớc khẳng định.
Tại hội thảo nhiều chuyên gia nhấn mạnh việc nhận diện rõ ràng, đầy đủ và chính xác các sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai là rất cấp bách và quan trọng để kịp thời ngăn chặn các sai phạm, để có các quy định về quản lý và sử dụng đất thật sự hiệu lực, hiệu quả.
DiaOcOnline.vn - Theo TBNH
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: