Top

Cẩn trọng với "cơn sốt" BT

Cập nhật 01/07/2016 14:31

Từ đầu năm đến nay, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông và công trình công cộng được UBND TP.HCM giao cho các nhà đầu tư là doanh nghiệp tư nhân thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (hợp đồng BT, xây dựng - chuyển giao), phương thức thanh toán chủ chủ yếu là bằng quỹ đất.


Ngày 3/6, UBND TP.HCM có văn bản gởi Thủ tướng Chính phủ đề xuất đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 theo hình thức BT và cho phép chỉ định nhà đầu tư theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu. UBND TP.HCM đề xuất phương án nhà đầu tư sau khi xây dựng xong công trình sẽ chuyển giao cho Thành phố khai thác sử dụng, Thành phố sẽ thanh toán bằng quỹ đất trong khu đô thị mới Thủ Thiêm và tại các vị trí khác trên địa bàn.

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, hiện nay liên doanh Công ty CP Bất động sản Phát Đạt - Công ty Đầu tư và Phát triển Hạ tầng 620 - Công ty Đầu tư phát triển Xây dựng 168 đã đề xuất tham gia xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 với tổng vốn khoảng 5.254 tỷ đồng.

Cũng trong tháng 6 này, UBND TP.HCM và Tập đoàn Trung Nam đã ký hợp đồng BT xây dựng các công trình chống ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với tổng vốn đầu tư 9.926 tỷ đồng. Công trình được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (hợp đồng BT, Ngân hàng BIDV cho vay), dự kiến hoàn thành sau 36 tháng thi công.

Trước đó, UBND TP.HCM đã phê duyệt đề xuất đầu tư xây dựng khu tái định cư tại khu vực Xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn, phường 11, quận 3 theo hình thức PPP (hợp đồng BT) với khái toán tổng vốn đầu tư hơn 1.089 tỷ đồng. Được biết, Công ty CP Đầu tư xây dựng Cát Linh là nhà đầu tư lập đề xuất dự án.

Thực hiện dự án BT này, nhà đầu tư sẽ được Thành phố bàn giao phần căn hộ dôi dư (sau khi hoàn thành việc tái định cư theo nhu cầu của quận 3) tại khu đất số 540/21 đường Cách mạng Tháng 8, phường 11, quận 3.

UBND TP.HCM đang yêu cầu các sở, ngành nghiên cứu một số đề xuất dự án BT, như Tổng công ty Đền bù giải tỏa đề xuất dự án xây dựng Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng, Bitexco đề xuất xây dựng Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, Công ty CP Hà Nội Ngàn Năm đề xuất nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng và khai thác quỹ đất ven rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật).

Về cơ bản, BT là hình thức đầu tư ít rủi ro, vì nhà đầu tư triển khai xong là bàn giao ngay cho Nhà nước, hơn nữa, nhà đầu tư được thanh toán bằng quyền sử dụng đất sạch.

Thông thường, nhà đầu tư muốn có được quyền sử dụng đất cũng phải trải qua nhiều quy trình phức tạp, nhất là khi phải đấu giá. Bằng cách đề xuất làm dự án theo hình thức BT, nhà đầu tư không phải đấu giá, mà giá đất được hai bên thỏa thuận.

Tuy nhiên, theo ông Lê Quốc Bình - TGĐ Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII), đơn vị xây dựng trục đường Bắc - Nam tại khu đô thị mới Thủ Thiêm cùng hạ tầng kỹ thuật cho khu chức năng số 3, 4, cho rằng BT là phương thức tiềm năng thu hút nhà đầu tư, nhưng khi tham gia "sân chơi" này, doanh nghiệp hoặc có kinh nghiệm phát triển bất động sản, hoặc có khả năng kêu gọi nhà đầu tư khác để cùng phát triển dự án, không nên nghĩ đơn giản có đất bằng mọi giá.

Trong bối cảnh sức ép cải thiện hệ thống giao thông ngày càng lớn, nhất là tại các thành phố lớn, nguồn vốn tư nhân chảy vào các công trình là điều đáng mừng nhưng cũng cần cẩn trọng với "cơn sốt" này. Điều dễ nhận ra nhất là những "cơn sốt" BT thường diễn ra trùng với sự "nóng lên" của thị trường bất động sản.

Chính vì thế mà trong Chỉ thị 04/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm 2016, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng theo dõi, giám sát chặt chẽ và cảnh báo tổ chức tín dụng có quy mô và tốc độ tăng trưởng tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng trung, dài hạn, tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn, tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản, tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông.


DiaOcOnline.vn - Theo DNSG