Top

Cẩn trọng với 'cơn sốt ảo' trên thị trường bất động sản

Cập nhật 18/03/2014 14:55

Từ cuối năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, giao dịch bất động sản đã tăng trở lại. Cũng vì thế mà nhiều người cho rằng thị trường bất động sản đang dậy sóng và phục hồi trở lại. Tuy nhiên, thực tế lại không hẳn như vậy.

Diễn biến trên thị trường hiện nay cho thấy, nhiều dự án nhà trong nội đô đã tăng giá bán hoặc bán giá chênh lên tới cả trăm triệu đồng vì hết hàng. Thống kê của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, nhiều khách hàng ngoại tỉnh đã đổ về thành phố để mua nhà giá rẻ cũng cho lượng hàng tồn kho giảm xuống.

Cũng liên quan đến thị trường bất động sản và giá cổ phiếu trên thị trường, một chuyên gia chứng khoán cho rằng: Gần đây giá cổ phiếu bất động sản tăng một phần do tâm lý thị trường. Những doanh nghiệp yếu kém nếu có lên thì sẽ không bền, còn những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính lớn, quỹ dự án tốt thì việc lên giá theo xu hướng thị trường là hợp lý.
 

Nhưng đó không phải là tín hiệu đáng kể để nói rằng thị trường đã ấm lên, giá bất động sản sẽ tăng và hàng tồn kho sẽ tiếp tục được giảm tải. Đó là nhận định của nhiều chuyên gia bất động sản.

Việc thanh khoản trên thị trường tăng thời gian qua được lý giải rằng, thời điểm trước và sau Tết, người dân có khoản tiền nhàn rỗi và nguồn kiều hối để về nhiều hơn thời điểm khác trong năm. Hơn nữa, nhiều người có nhu cầu nhà ở thực thì đã quyết định chọn mua thời điểm này.

Tuy nhiên, thị trường cũng vẫn chỉ tập trung vào các dự án hạ tầng tốt, sẵn sàng ở và chủ đầu tư "ngon". Nhưng những dự án tốt thì không nhiều, trên thị trường có đến 8/10 là những dự án chết không bán được.
 


"Quanh Hà Nội, có vô số dự án bỏ không mấy năm nay, rêu mọc kín, bẩn thỉu, hôi hám. Lãng phí vô cùng khi còn không biết bao nhiêu người không có nhà ở. Phải giảm giá bán thêm nữa, tiền phải đổ vào nhiều hơn hữa để hoàn thiện hạ tầng thì may ra mới bán được", một chuyên gia trong ngành nhận định.

Không nên tô hồng thị trường

Không kỳ vọng vào việc doanh nghiệp tìm lối thoát cho thị trường, TS. Nguyễn Minh Ngọc - Phó trưởng Khoa Bất động sản và Kinh tế Tài nguyên - Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, chủ đầu tư vẫn chưa thoát được vòng luẩn quẩn tài chính

"Tôi không hi vọng nhiều về thị trường bất động sản năm 2014. Nếu xét chung trong bối cảnh toàn thị trường thì có lẽ nó cũng sẽ diễn biến như trong năm 2013. Còn đối với doanh nghiệp, tôi cho rằng nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn hơn nhiều. Cái khó khăn về tài chính năm 2012 và năm 2013 sẽ biến thành hiện thực vào năm 2014 và năm 2015".

Ông Trần Như Trung, Phó Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng: "Phải đến giữa năm 2014, thậm chí qua năm 2014 chúng ta mới nên quay lại nhìn nhận, đánh giá thị trường được. Vì đáy chỉ được xác lập khi ta đã qua đáy.

Đặc biệt, phân khúc nhà biệt thự liền kề có thể vẫn tiếp tục là điểm "tối" của thị trường. Đây là phân khúc thị trường được đưa vào sử dụng chậm nhất. Tất nhiên, thanh khoản tại phân khúc này vẫn có. Thực tế, các căn biệt thự đã được bán cách đây 1 - 2 năm trước, chỉ tiếc là chưa được sử dụng và tận dụng sử dụng như các phân khúc khác.

Để khắc phục được tình trạng này có lẽ phải mất rất nhiều tiền và phải cần một thời gian dài chứ không thể nói trong 1 - 2 năm. Với quan điểm của tôi, nếu cơ quan chức năng có giúp được thì nên ưu tiên quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng từng vùng một để góp phần tạo điều kiện cho dự án lần lượt được sử dụng".

DiaOcOnline.vn - Theo Người đồng hành