Theo giới chuyên gia, trước sự tăng trưởng quá nóng của thị trường bất động sản phía Nam đã tạo điều kiện để các công ty lừa đảo, tung ra các dự án ảo để chiếm đoạt tài sản.
Tổng giám đốc Công ty Phát An Gia bị bắt vì bán 5 dự án ảo ở quận 9, TP.HCM, chiếm đoạt hơn 97 tỷ đồng. (Ảnh: Quế Sơn)
Trong 2 năm gần đây, TP.HCM và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Long An, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu... , cơ quan chức năng liên tục khởi tố các vụ lừa đảo của các công ty bất động sản, liên quan tới các dự án ảo. Số tiền chiếm đoạt của các vụ án đã lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Các công ty bất động sản (BĐS) lừa đảo thường có mô hình chung là gom đất nông nghiệp, đất chưa đủ điều kiện thực hiện dự án. Sau đó, chính các công ty này tự vẽ quy hoạch, tự ý phân lô, bán nền với mức giá rẻ, đi kèm với cam kết tạo ra lợi nhuận “khủng”, để lôi kéo khách hàng đặt cọc, hợp tác đầu tư nhằm chiếm đoạt tài sản.
Theo giới chuyên gia, chính sự tăng trưởng quá nóng của thị trường BĐS phía Nam đã tạo ra một làn sóng lừa đảo của các công ty BĐS bất chính.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn nêu quan điểm: So với thị trường miền Bắc, quy mô thị trường BĐS phía Nam lớn hơn, biên độ lợi nhuận cũng cao hơn khoảng 10% - 20%.
“Nhà đầu tư phía Nam cũng chịu chi hơn, thường mua số lượng lớn. Do đó, các công ty BĐS làm ăn bất chính thích “vẽ” dự án tại thị trường phía Nam hơn phía Bắc”, ông Tuấn nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) thừa nhận, đa phần các vụ lừa đảo BĐS lớn liên quan tới các dự án ảo đều diễn ra ở thị trường phía Nam.
Theo ông Đính, có 2 nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Thứ nhất, nguồn cung dự án tại thị trường TP.HCM và các tỉnh lân cận đang thiếu hụt nghiêm trọng, đẩy giá trị các sản phẩm BĐS lên cao.
Lợi dụng yếu tố này, các công ty BĐS lừa đảo đã tự tạo ra các dự án không có thật, các dự án không được chính quyền địa phương cấp phép.
“Cả thị trường phía Bắc, lẫn phía Nam đều có đặc điểm chung là cầu vượt cung. Tuy nhiên, tình trạng lệch cung - cầu ở thị trường phía Nam diễn ra nghiêm trọng hơn, nguồn cung mới gần như bằng không, cũng không được phê duyệt mới, dẫn đến tình trạng thị trường suy kiệt. Ngược lại, tại thị trường phía Bắc, nguồn cung tồn kho vẫn còn một ít”, ông Đính nói.
Thứ hai liên quan tới lỗ hổng của Luật Kinh doanh BĐS 2014. Ông Đính giải thích, trước khi Luật Kinh doanh BĐS 2014 có hiệu lực, mọi giao dịch đều phải niêm yết công khai, minh bạch thông qua các sàn BĐS. Các sàn giao dịch BĐS có trách nhiệm kiểm tra, thẩm định dự án trước khi phát sinh giao dịch.
Tuy nhiên, Luật Kinh doanh 2014 quy định, giao dịch bất động sản phải qua sàn giao dịch bất động sản hiện nay là không còn bắt buộc, do vậy các doanh nghiệp được toàn quyền quyết định quá trình giao dịch.
“Cũng chính vì không có ai thẩm định, không có ai kiểm tra, nên các công ty BĐS mới có thể tự vẽ ra dự án và cũng chính họ tự bán cho nhà đầu tư”, ông Đính chia sẻ quan điểm.
Đa phần các vụ lừa đảo BĐS lớn liên quan tới các dự án ảo đều diễn ra ở thị trường phía Nam.
Một số chuyên gia cho rằng, sự bùng nổ các vụ án lừa đảo BĐS có một phần trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.
Dù vậy, theo quan điểm của Phó Chủ tịch VARS, trong 2 năm gần đây, cơ quan chức năng tại nhiều địa phương phía Nam đã làm tốt các nhiệm vụ tuyên truyền, cảnh báo các dự án ảo và xử lý triệt để các công ty BĐS vi phạm, đưa nhiều “ông chủ” ra vành móng ngựa.
Cách đây vài này, thị trường BĐS phía Nam một lần nữa rúng động khi Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) Công an TPHCM quyết định bắt giam Hoàng Mạnh Cường (35 tuổi), Tổng giám đốc Công ty Phát An Gia vì bán 5 dự án ảo ở quận 9, TP.HCM, chiếm đoạt hơn 97 tỉ đồng.
Trước đó, vào năm 2019, hàng loạt vụ án lừa đảo BĐS đã được cơ quan chức năng triệt phá, bao gồm Công ty CP Địa ốc Alibaba lừa 3.300 nạn nhân, chiếm đoạt hơn 1.800 tỷ đồng; Công ty Angel Lina "vẽ" 9 dự án ảo, chiếm đoạt khoảng 300 tỷ đồng;...
DiaOcOnline.vn – Theo Dân trí
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: