Top

Cần Thơ góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Cập nhật 08/03/2013 13:13

Triển khai đợt lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các nhân sỹ, trí thức, nhà khoa học trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã có nhiều ý kiến cụ thể về những vấn đề quan tâm.

Tiến sỹ Phan Trung Hiền, Phó trưởng Khoa Luật - Đại học Cần Thơ có ý kiến đề xuất bổ sung Điều 9, Cần quy định về vị trí và vai trò của Hội Nông dân, bởi nông dân Việt Nam, lực lượng chiếm hơn 70% dân số của cả nước, 57% lực lượng lao động xã hội làm việc trong ngành nông nghiệp .

Tại Khoản 3 Điều 58 Dự thảo Hiến pháp về việc thu hồi đất, trong dự thảo đã có quy định nhưng theo tiến sỹ Phan Trung Hiền, các quy định này chưa đầy đủ, chưa giải đáp được nhiều câu hỏi đảm bảo các quyền công bằng, bình đẳng giữa các chủ thể trong điều kiện Đảng và Nhà nước Việt Nam không ngừng thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội.

Do vậy, tiến sỹ đề xuất Khoản 3 Điều 58 Dự thảo cần được ghi nhận, bổ sung nội dung trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế-xã hội, Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường về đất và các tài sản gắn liền với đất theo thời giá thị trường.

Việc chi trả bồi thường cho người sử dụng đất hợp pháp phải tương xứng với tất cả các thiệt hại mà người sử dụng đất gánh chịu do hoạt động thu hồi đất gây ra. Các dự án tái định cư phải được lập trước khi thu hồi đất nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở, đất ở cho người bị thu hồi đất ở mà phải di chuyển chỗ ở.

Khu tái định cư phải phù hợp với tập quán dân cư nhằm tái lập chỗ ở và cải thiện cuộc sống của người có đất bị thu hồi. Trường hợp thu hồi đất của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất mà không có đất để bồi thường cho việc tiếp tục sản xuất thì ngoài việc được bồi thường bằng tiền, người bị thu hồi đất còn được Nhà nước hỗ trợ để ổn định đời sống, đào tạo chuyển đổi ngành nghề và bố trí việc làm mới. Thể thức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do luật định.

Nghiên cứu cơ chế kiểm hiến, kiểm pháp trong hoạt động của bộ máy Nhà nước tại dự thảo sửa đổi Hiến pháp, thạc sỹ Trương Vĩnh Xuân, Khoa Nhà nước Pháp luật - Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia khu vực IV nêu ý kiến mong muốn Cơ quan kiểm hiến, kiểm pháp phải đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả.

Theo thạc sỹ, Quốc hội đúng nghĩa thực hiện quyền giám sát tối cao đối với văn bản quy phạm pháp luật được ban hành bởi các cơ quan có thẩm quyền khác.

Việc đánh giá một văn bản quy phạm pháp luật có phù hợp với Hiến pháp, với luật và văn bản quy phạm pháp luật hay không là một nghiệp vụ hoàn toàn mang tính pháp lý. Đó là địa hạt của những chuyên gia pháp lý, thiết nghĩ hoạt động đó phải thuộc về tư pháp - những thẩm phán chuyên nghiệp.

Vì vậy, tòa án là cơ quan phù hợp nhất cho việc kiểm hiến, kiểm pháp. Đó cũng là định hướng để nhìn nhận vai trò khách quan của cơ quan tư pháp trong thực hiện chức năng kiểm hiến, kiểm pháp.

DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN