Đó là quan điểm của gần 200 đại biểu đến dự hội thảo khoa học “Tiêu chuẩn thiết kế cho nhà cao tầng” do Viện Nghiên cứu kiến trúc quốc gia mới tổ chức tại TPHCM. Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Văn Liên - Thứ trưởng Bộ Xây dựng.
GS-TS Nguyễn Văn Liên cho rằng công tác quy hoạch và kiến trúc phải đi trước, đón đầu trong xu thế phát triển của xã hội. Theo Thứ trưởng, hiện nay, công tác phổ biến quy hoạch của chúng ta vẫn còn thiếu và yếu. Đây là một trong những lý do khiến nhà đầu tư lúng túng khi đầu tư vào thị trường xây dựng và bất động sản.
Thứ trưởng nhấn mạnh: “Trong thời gian qua, hàng loạt câu hỏi như: những tiêu chuẩn về nhà cao tầng của nước ngoài được lựa chọn và áp dụng một cách cảm tính ở Việt Nam là đúng hay sai, liệu rằng theo xu thế hiện tại sử dụng tư vấn thiết kế nước ngoài có phù hợp với môi trường xây dựng Việt Nam và dựa vào đâu để xác định tiêu chí cho nhà cao tầng… vẫn chưa có lời đáp”.
TS - KTS Nguyễn Đình Toàn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kiến trúc quốc gia thì cho rằng, các cán bộ, KTS của viện đã tập trung nghiên cứu, đi thực tế, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nước có nền kiến trúc tương đối giống Việt Nam như: Nga, Úc, Trung Quốc, Singapore… nhưng không thể áp dụng ở nước ta được vì những điều kiện phát triển riêng biệt.
Vì vậy chúng ta phải tự hoàn thiện trên cơ sở góp ý của các chuyên gia, các KTS có kinh nghiệm, có thực tiễn công tác. Không đồng ý với quan điểm của ông Toàn, nhiều ý kiến cho rằng nước ngoài đã nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng và kiểm chứng từ lâu lắm rồi, giờ ta chỉ cần áp vào cho hợp với điều kiện khí hậu, xã hội học… trong nước là được.
Tuy nhiên, quan điểm đó không được ủng hộ. Theo KTS Phan Tấn Lộc (Việt kiều Pháp) cho rằng nếu cứ theo Pháp, Đức, Trung Quốc, Nga… thì sẽ tạo nên một bức tranh lộn xộn và không đảm bảo tính dân tộc, không có được cái riêng của Việt Nam.
Còn Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho rằng, phải có những tiêu chuẩn hợp lý, đúng nghĩa là “yêu cầu tối thiểu” của công trình, đạt được sự thống nhất tương đối giữa người quản lý và nhà đầu tư cũng như người dân.
Kết thúc hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Liên cho rằng để phù hợp với đà hội nhập và phát triển, cần tham khảo ý kiến để biết các kiến trúc sư, kỹ sư nước ngoài nghĩ gì về tiêu chuẩn xây dựng của Việt Nam.
"Chúng ta đã nhận xét, đánh giá về nền kiến trúc nước bạn. Vậy thì hãy để họ nhìn chúng ta, đánh giá nền kiến trúc, quy hoạch của nước ta và cần phải nghe họ nói gì, nhất là sắp đến, khi nhiều tập đoàn nước ngoài đầu tư kinh doanh BĐS ở Việt Nam", Thứ trưởng Nguyễn Văn Liên nói
Ý kiến của KTS Lưu Trọng Hải :
Vấn đề nan giải nhất hiện nay cho bài toán xây dựng kiến trúc cao tầng ở các đô thị không phải là các tiêu chuẩn cụ thể (nhà bao nhiêu m2/người hay chiều cao của mỗi tầng, chiều rộng của hành lang…) vì những tiêu chuẩn này rất cần thiết nhưng nó quá phụ thuộc vào cơ chế thị trường vào yêu cầu cụ thể của từng trường hợp khác nhau.
Ví dụ hiện nay có những bệnh viện xây dựng theo tiêu chuẩn 4 - 5 sao, văn phòng cao cấp rất khác với văn phòng bình thường hoặc rất khác với công sở nhà nước. Một khách sạn siêu cao cấp có thể có những yêu cầu về cảnh quan ngoại thất rất cao, mật độ xây dựng rất thấp…
Vậy thì cái rất cần thiết đối với xây dựng kiến trúc cao tầng ở các khu vực đô thị khác nhau chính là xây cao bao nhiêu, mật độ xây dựng bao nhiêu, hệ số sử dụng đất bao nhiêu, khoảng lùi thế nào. Những điều này phụ thuộc vào QHXD chi tiết và thiết kế đô thị là chính, nhưng phải chăng nên có những quy định chung để có một sự thống nhất nhất định, tránh sự tùy tiện không có quy luật.
Nếu xét trên khía cạnh cụ thể, xây dựng kiến trúc cao tầng thường phụ thuộc các yếu tố sau đây: Chức năng khu đô thị; giá đất đai; Mật độ của dân cư và khách vãng lai; chiều rộng đường - chỉ giới đường đỏ (lộ giới) và mật độ đường giao thông và góc vát đứng (góc tới) khống chế chiều cao và khoảng lùi của công trình.
Theo tôi, cần đưa hệ số sử dụng đất vào “Tiêu chuẩn thiết kế nhà cao tầng”. Hệ số này phản ảnh hiệu quả sử dụng đất, đồng thời có thể khống chế được chiều cao và mật độ xây dựng một cách tổng hợp.
Trong kiến trúc cao tầng hiện nay thường đưa vào hai khối cho một công trình hoặc tổ hợp công trình: Khối bệ (Podium) thường có chức năng dịch vụ hoặc những chức năng sử dụng chung. Khối tháp (tower) thường có chức năng đơn thuần là văn phòng, khách sạn hoặc căn hộ hoặc hỗn hợp hai chức năng.
Khối bệ và khối tháp được thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu của góc vạt đứng và khoảng lùi, công trình càng cao thì càng lùi sâu vào phía trong. 2 khối này còn có tác dụng làm thay đổi hình thức kiến trúc nhằm tránh sự đơn điệu của một công trình. Việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng khác cần được xem xét lại sao cho phù hợp và đồng bộ với tiêu chuẩn thiết kế kiến trúc cao tầng…
Theo Sài Gòn Tiếp Thị
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: