Top

Cận cảnh cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn qua TP.HCM và Long An

Cập nhật 17/01/2018 14:31

Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đi qua các tỉnh Long An, TP HCM và tỉnh Đồng Nai, được xem là một trong dự án trọng điểm quốc gia, là dự án thành phần trong hệ thống cao tốc Bắc - Nam. Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành dự kiến sẽ hoàn thành, hòa vào hệ thống cao tốc hiện đại Bắc-Nam vào năm 2020.


Dự án dài gần 60km khởi công từ năm 2014 và dự kiến hoàn thành năm 2020, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100km/giờ.

Do dự án đi qua vùng địa chất, thủy văn phức tạp với nhiều sông ngòi, sình lầy nên phải thực hiện đến hơn 20km cầu và cầu cạn. Dự án do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư

Đặc biệt, trong dự án phải thực hiện 2 cầu dây văng lớn là cầu Bình Khánh vượt sông Soài Rạp và cầu Phước Khánh vượt sông Lòng Tàu, mỗi cầu dài khoảng 3km. Hai cây cầu này có độ tĩnh không thông thuyền là 55m cho tàu biển có trọng tải đến 50.000 tấn lưu thông, được coi là lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Trước đó, dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ do trên địa bàn xã Vĩnh Thanh, xã Phước An, xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), công tác đền bù cho người dân bị chậm trễ cho ba gói thầu A5, A6, A7. Trước tình hình trên, các bộ, ngành, địa phương và các bên liên quan đã tập trung tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc.

Theo ông Hoàng Thanh Hải, Giám đốc Ban Quản lý dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành, thời gian thi công của 3 gói thầu A5, A6, A7 qua địa bàn tỉnh Đồng Nai đều là 36 tháng. Trong quá trình thương thảo với các nhà thầu, ngành chức năng đã yêu cầu các nhà thầu rút ngắn thời gian thi công các gói còn 30 tháng.

Như vậy, thời gian hoàn thành dự án phụ thuộc vào thời gian hoàn thành các gói A5, A6, A7. Đây là dự án công trình trọng điểm quốc gia sau khi hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội các tỉnh phía Nam và đặc biệt kết nối với Cảng hàng không Quốc tế Long Thành sắp được triển khai.

Về tổng thể, các gói thầu đã tiến hành lập tiến độ tổng thể hoàn thành toàn bộ gói thầu trong vòng 900 ngày, các nhà thầu đang tập trung thi công đường công vụ để tập kết máy móc thiết bị tới công trường. Các vị trí đã được bàn giao mặt bằng sạch sẽ được các nhà thầu ưu tiên thi công trước để rút ngắn thời gian thi công đảm bảo tiến độ.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành đang dần hình thành. Đây là công trình kết nối giữa đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (TP.HCM - Long An - Tiền Giang) với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.



Là dự án trọng điểm quốc gia, cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng mức đầu tư 31.320 tỉ đồng, tương đương 1.607 triệu USD. Dự án có tổng chiều dài 57,7km, đi qua 3 tỉnh, thành phố gồm Long An, TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai.


Hiện chủ đầu tư đang thúc tiến độ xây dựng đoạn đường kết nối với tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương


Quy mô đầu tư giai đoạn 1 gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn với vận tốc tối đa 100km/h; riêng đoạn Km16+600 - Km32+450, vận tốc tối đa 80km/h. Dự kiến, toàn tuyến sẽ thông xe vào tháng 12/2019.

Toàn tuyến có 2 cây cầu cao nhất nước được xây dựng tại Bình Khánh (Nhà Bè) và đoạn đi qua sông Soài Rạp (huyện Cần Giờ).

Sau khi đưa vào khai thác, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đóng vai trò là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là khu vực Đông Nam Bộ; góp phần giảm thiểu áp lực giao thông và tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1, Quốc lộ 51...

Theo VEC, Tổng giá trị sản lượng thực hiện đến nay đạt 62,55%, chậm 6,16% so với tiến độ yêu cầu, chủ yếu tập trung ở các gói thầu phần vốn ADB phía Tây (ngoại trừ Gói thầu A3).

Đoạn cao tốc đi qua huyện Nhà Bè, TP.HCM.




Sau khi cao tốc Bến Lức - Long Thành được kết nối thông suốt với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc TP.HCM - Trung Lương sẽ hình thành tuyến đường cao tốc liên vùng và tạo thành một phần của tuyến Hành lang kinh tế phía Nam thuộc Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) từ Bangkok qua Phnôm Pênh, TP.HCM - Vũng Tàu.


Đoạn xây dựng cầu trên sông Soài Rạp, đi qua huyện Cần Giờ, TP.HCM.

Vượt qua rất nhiều những trở ngại, khó khăn, đầu tháng 11/2017 chủ đầu tư và các nhà thầu thi công 3 gói thầu xây lắp cuối cùng phần vốn ADB phía Đông (Gói thầu A5, A6 và A7) đã triển khai thi công. Hiện mọi công tác chuẩn bị, khảo sát địa hình… đang được Nhà thầu rốt ráo thực hiện.


Đoạn cao tốc kết nối vào tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương (Long An).

Đoạn đi ngang qua huyện Bến Lức (Long An) và đây cũng là điểm cuối cùng của toàn tuyến. Tại khu vực này, các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công một số tuyến đường kết nối.



DiaOcOnline.vn - Theo Cafef