Kế hoạch cải tạo chung cư cũ đang bước sang giai đoạn mới với sự hiện diện của nhiều đại gia bất động sản, hứa hẹn giải quyết bài toán "húc đầu vào đá" tồn tại hơn 10 năm vừa qua.
Các khu chung cư cũ trên địa bàn TP.Hà Nội đang xuống cấp nghiêm trọng, cần được cải tạo, xây mới. ảnh: Dũng Minh
|
Ngày 29/10, UBND TP.Hà Nội đã thống nhất giao Tập đoàn FLC lập quy hoạch chi tiết 1/500 cho dự án cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Kim Giang, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Theo đó, FLC đã làm việc với đơn vị tư vấn, đo đạc, khảo sát hiện trạng dự án. Dự kiến, từ nay đến tháng 4/2017 sẽ tiến hành khảo sát đo đạc hiện trạng, lập quy hoạch chi tiết 1/500 dự án. Từ tháng 4 - 5/2017 sẽ tiến hành các thủ tục để được chấp thuận chủ trương đầu tư. Từ tháng 4 - 11/2017 sẽ triển khai các bước thu hồi, giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng đất.
Việc một đại gia bất động sản như FLC chính thức tham gia vào “cuộc chơi” cải tạo chung cư cũ cho thấy, nỗ lực giải quyết tình trạng “húc đầu vào đá” trong kế hoạch cải tạo các chung cư cũ tại Hà Nội tồn tại hơn 10 năm qua bước đầu có lối thoát.
Không chỉ có FLC, trước đó không lâu, theo nguồn tin riêng của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, có tới trên dưới 60 nhà đầu tư đã được giao nhiệm vụ điều tra xã hội học, trong đó có khoảng 20 nhà đầu tư lập quy hoạch chi tiết tại các khu chung cư cũ. Chưa tiết lộ danh tính chi tiết, song theo thông tin mà phóng viên Đầu tư Bất động sản nắm được, ngoài FLC, sẽ có thêm một số đại gia địa ốc khác cũng sẽ tham gia cải tạo nhà chung cư trên địa bàn TP.Hà Nội. Hiện tại, các đại gia này đang hoàn tất những khâu cuối cùng để chính thức công bố quy hoạch và thời gian tiến hành cải tạo các chung cư cũ.
Thống kê cho thấy, trên địa bàn TP.Hà Nội có khoảng 1.516 chung cư cũ có quy mô từ 2 - 5 tầng đang xuống cấp nghiêm trọng. Dù là một phân khúc khá tiềm năng và Thành phố đã nhiều lần quyết tâm, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia cải tạo chung cư cũ, nhưng sau 10 năm khởi động chương trình, số chung cư cũ được cải tạo và xây dựng mới chưa vượt quá con số 2%.
Trước thực trạng chậm trễ trong việc cải tạo chung cư cũ, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử Thành phố (có hiệu lực từ ngày 14/4/2016).
Theo đó, nút thắt lớn nhất được tháo gỡ là Hà Nội đã cho phép nới tầng cao tối đa với một số khu vực như Nguyễn Công Trứ (25 tầng), Giảng Võ, Hào Nam, Ngọc Khánh (21 tầng), các khu Thành Công, Khương Thượng, Vĩnh Hồ, Nam Đồng, Kim Liên, Láng Hạ, Phương Mai, Thanh Nhàn… (24 tầng).
Ngoài việc nới chiều cao tầng của UBND TP.Hà Nội, mới đây, Bộ Tài chính đã đưa ra đề xuất áp dụng mức thuế ưu đãi cho phần thu nhập của doanh nghiệp đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trong giai đoạn 2017 - 2020.
Cụ thể, mức thuế ưu đãi thu nhập doanh nghiệp 10% được áp dụng trong 15 năm, kể từ khi dự án bắt đầu hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp được miễn thuế trong 4 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Đối với phần diện tích nhà ở phục vụ tái định cư tại chỗ, sẽ không thuộc diện phải nộp thuế giá trị gia tăng.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa cho biết, đến giữa năm 2017, Thành phố sẽ đề xuất Chính phủ thêm một số chính sách đặc thù để chọn nhà đầu tư cải tạo toàn bộ các toàn nhà chung cư cũ trên địa bàn. Khi đó, người dân có thể bán đứt cho Nhà nước, cho doanh nghiệp căn nhà cũ của mình, hoặc xây mới, nhưng chỉ trả lại theo tỷ lệ 1:1, chứ không phải tăng thêm diện tích như hiện nay, miễn sao đảm bảo 3 bên Nhà nước - doanh nghiệp - người dân đều có lợi. Thành phố sẽ không có cơ chế đền bù như hiện nay, mà tập trung đầu tư cho các công trình hạ tầng, xã hội.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: